Quy hoạch sử dụng đất khác với kế hoạch sử dụng đất như thế nào ?!
QUY HOẠCH SDĐ ĐẾN 2030 VÀ KẾ HOẠCH SDĐ ĐẾN 2021
Nhân việc có bạn hỏi như nội dung bên dưới, mình chia sẻ một số thứ mình biết cho các bạn tham khảo thêm về Quy hoạch và kế hoạch nhé!
Số là bạn ấy mua đất vào năm 2015, và sổ nó là ONT, quy hoạch hồi đó chắc là cũng ONT nên mọi thứ yên tâm. Đùng cái đến hôm nay, khi tra Kế hoạch sử dụng đất 2021 thì vẫn là ONT, nhưng Quy hoạch SDĐ đến 2030 thì lại SKN.
Vậy tình huống như thế nào và nó ra làm sao trong tương lai?
Quy hoạch khác với kế hoạch?!
Chúng ta hay nghe nói đề Quy hoạch, nhưng đó là thông tin chung chung, còn thực tế thì phải hiểu là quy hoạch hay kế hoạch có nhiều loại và nhiều phiên bản, mình chỉ liệt kê các phiên bản có thể liên quan trong tình huống này.
1_ Quy hoạch SDĐ giai đoạn 2015-2020: Khi bạn ấy mua đất cùng với tra quy hoạch từ 2015 và ra ONT, thì nhiều khả năng bạn ấy đang tra phải quy hoạch phiên bản 2015-2020. Vì thời điểm đó, cái quy hoạch giai đoạn 2015-2020 là cập nhật nhất.
2_ Quy hoạch SDĐ điều chỉnh giai đoạn 2015-2020: Theo kinh nghiệm cá nhân, thì hầu hết quy hoạch giai đoạn 2015-2020 là có 1 bản điều chỉnh, cái này là điều chỉnh một số khu vực ở bản quy hoạch số (1) ở trên. Điều này có nghĩa là làm quy hoạch thì cũng có thể có điều chỉnh.
3_ Quy hoạch SDĐ giai đoạn 2021-2030: Cái này là một giai đoạn mới, cập nhật lại bảng số 1 (hoặc số 2). Nếu nói về tính pháp lý, thì quy hoạch phiên bản sau sẽ phủ định phiên bản trước, nghĩa là cái mới nhất là cái sẽ được áp dụng. Đương nhiên, không chắc là cái QH SDĐ 2021-2030 lại không có điều chỉnh, nếu có điều chỉnh thì cái điều chỉnh lại là cái mới nhất.
4_ Kế hoạch SDĐ 2021: Có thể hiểu đó là kế hoạch sử dụng trong năm 2021, như trong tình huống này, năm 2021 chưa có kế hoạch chuyển cục đất ONT kia sang SKN nên vẫn để là ONT, nhưng trong khoảng từ 2022-2030 thì sẽ có 1 năm nào đó sẽ chuyển (đương nhiên trong điều kiện quy hoạch SDĐ giai đoạn 2021-2030 không điều chỉnh, hoặc điều chỉnh nhưng không thay đổi khu vực đất của bạn ý).
Có khiếu nại được không?
Trong bài, bạn ấy có hỏi là có khiếu nại về quy hoạch được không? Đây là một câu hỏi có thể nhiều người quan tâm, còn theo hiểu biết của mình thì KHÔNG, lý do là như thế này:
• Cái sổ đỏ của chúng ta thuộc thông tin địa chính, ở đó quy định miếng đất nào được cấp quyền cho ai sử dụng, mọi thay đổi về thửa đất của bạn như ranh, rồi bị lùm xùm về quyền... thì có thể khiếu nại. Nó là miếng đất của bạn.
• Còn quy hoạch là do nhà nước làm, có lấy ý kiến góp ý của người dân, nhưng quyết định vẫn là của nhà nước. Và khi làm quy hoạch thì người ta sẽ quan tâm đến hiệu quả của đồ án thay vì quan tâm đến việc quy hoạch đó sẽ ảnh hưởng đến bao nhiêu thửa đất bên dưới. Khi quy hoạch được công bố nghĩa là nó được coi là tối ưu.
• Khi quy hoạch ghép lại với thửa đất thì chúng ta có thông tin quy hoạch của một thửa đất.
Chúng ta thấy gì?
• Nếu lưu ý về cái này, chúng ta tạm hiểu là miếng đất của mình đấy, bỏ trong két sắt thì theo thời gian, giá trị nó có thể thay đổi dựa trên một quyết định nào đó về quy hoạch của nhà nước. Nên nói giá trị đất không thay đổi là sai nhé!
• Tương lai chả ai biết được điều gì, hôm nay có thể thế này, ngày mai có thể thế khác. Quy hoạch giống như covid ấy, hôm nay xét nghiệm không nhiễm thì không có nghĩa ngày mai không nhiễm nhé, nên đó là lý do đi mua đất luôn phải check quy hoạch, nhưng check quy hoạch thì cũng chỉ đúng trong thời điểm check mà thôi.
(Theo Duc Le)
Thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được quy định và hướng dẫn chi tiết tại Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.
Quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất:
“1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện có trách nhiệm rà soát quy hoạch, kế hoạch của ngành, lĩnh vực, địa phương có sử dụng đất bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo, kiểm tra Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã xác định cụ thể diện tích, ranh giới đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ ngoài thực địa.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đã được xác định trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
4. Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc kiểm tra thực hiện các chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh và giám sát các địa phương, các Bộ, ngành trong việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
5. Trường hợp đến thời điểm kết thúc kỳ quy hoạch sử dụng đất mà các chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa thực hiện hết và phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội cùng cấp đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì được tiếp tục thực hiện đến khi quy hoạch sử dụng đất kỳ tiếp theo được phê duyệt nhưng trong thời hạn không quá 12 tháng kể từ thời điểm kết thúc kỳ quy hoạch sử dụng đất”.
Trên đây là quy định về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất theo nghị định 43/2014/NĐ-CP, bà con tham khảo hãy nắm chắc những quy định này.
Khuyến cáo:
Mọi bài viết - ý kiến đóng góp chân thành xin gửi về cho chúng tôi qua Email: chodat.com.vn0@gmail.com. Chúng tôi sẽ cập nhật và bổ sung theo quy định hiện hành của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam. Xin cảm ơn quý Anh/Chị độc giả.
|
Được tài trợ:
Dịch vụ chạy quảng cáo Bất Động Sản: Chợ Đất
Bình Luận