Nhà tôi bị quy hoạch treo
(Bài viết chia sẻ nỗi niềm hàng vạn người của tác giả Đinh Đức Hoàng)
NHÀ TÔI TRONG QUY HOẠCH TREO
Nhà tôi trong quy hoạch treo đã gần hai mươi năm. Năm 2004, thành phố Hải Phòng công bố quy hoạch về một con đường tên là "Đại lộ 13/5". Một đại lộ được đặt theo ngày giải phóng Hải Phòng. Nhìn trên bản đồ quy hoạch, nó có một dải phân cách to như công viên, nối thẳng từ đường Lạch Tray ra đến Lê Hồng Phong, rồi đi sang Đông Hải. Ở đoạn qua hồ An Biên, đại lộ ấy tách thành hai cây cầu điệu đà. Đó có thể sẽ là một tuyến đường nội thị đẹp nhất nhì Việt Nam, nếu được xây xong.
Nhà mẹ tôi nằm trên con đường đó. Căn nhà tôi đã lớn lên - căn nhà mà tôi chưa bao giờ hiểu tại sao mẹ tôi xây được với đồng lương viên chức của mình. Rồi nó trở thành nơi bà gồng gánh số phận của bao nhiêu con người trong gia đình, chứa đựng yêu thương và buồn tủi của mẹ con tôi suốt hai thập niên.
Đại lộ 13/5 - đường Lạch Tray-Hồ Đông - đã nằm trên giấy suốt 18 năm qua. Những điều chỉnh quy hoạch không bỏ con đường đó đi, mà với người dân như tôi, như thể là một biện pháp "xóa nháp" để hợp lý hóa sự bê tha. Nếu một người quan liêu nhìn vào giấy tờ, anh ta sẽ thấy nó "mới chỉ" nằm trên bản đồ từ năm 2013 thôi. Từ 2013 đến nay kể cũng nhiều, nhưng chưa nhiều lắm.
Quy hoạch treo - Khổ lắm !!!
Chúng tôi, những người dân thì không bao giờ quên nó đã nằm đó bao lâu. Từ 2004. Cuộc đời chúng tôi đã đình đốn gần hai thập kỷ - vì cái nhà là phần lớn phép tính kinh tế của một đại gia đình. Mẹ tôi đã già đi. Tôi cũng sắp già đi. Tôi muốn đón bà lên Hà Nội với cháu, nhưng tôi chỉ là một người viết. Tôi không thể nói thích mua nhà Hà Nội cho bà thì mua. Giá trị chênh lệch giữa một-cái-nhà với một-cái-nhà-trong-quy-hoạch lớn không thể tưởng tượng nổi với hầu hết người dân. Cái bản đồ quy hoạch đó hủy hoại mọi tính toán của gia đình tôi, và qua đó, hủy hoại cuộc đời mà đáng ra chúng tôi có thể đã được sống.
Tuần trước, tại Quốc hội, các đại biểu lại một lần nữa nêu ra vấn đề "quy hoạch treo", và đề nghị có hướng xử lý. Theo các đại biểu, một quy hoạch cần có thời hạn triển khai. Nếu không thể triển khai sau 3 hoặc 5 năm, thì cần hủy bỏ, xử lý những người có trách nhiệm.
Đó là một logic hiển nhiên mà ai cũng nhìn thấy. Không làm được tốt nhất là hủy bỏ. Trả lại cuộc sống bình thường cho người dân. Bao giờ đủ điều kiện triển khai thì làm luôn: đưa ra phương án giải phóng mặt bằng, đền bù cho mẹ con tôi mạch lạc tính lại bài toán cuộc đời. Còn bây giờ thì hủy đi.
Trong các buổi họp như ở Quốc hội, hậu quả của quy hoạch treo thường chỉ được mô tả là "gây lãng phí nguồn lực xã hội", "giảm niềm tin của người dân với chính quyền". Mấy chữ đó không diễn tả được hết sự cay đắng của hàng vạn con người. Quy hoạch treo tước đi quyền mưu cầu hạnh phúc theo nghĩa trọn vẹn của nó.
Tham khảo thêm:
Giảm niềm tin chỉ là một khía cạnh. Tôi mất những thứ thiêng liêng hơn. Có gì đó bi hài khi con đường trên giấy đó được gọi là Đại lộ 13/5. Đó từng là một ngày tôi yêu. Tháng Năm và ngày 13 tháng ấy với người Hải Phòng rất quan trọng. Ngày 13/5/2010, tôi còn rủ một cô gái mới quen đi chơi "nhân ngày giải phóng Hải Phòng". Hôm đó tôi đã rất vui, và còn nhớ mình đã ngắm nhìn một cành phượng vĩ trong khung cửa sổ, qua vai cô gái đó. Con trai chúng tôi giờ đã gần 10 tuổi. Còn "Đại lộ 13/5" trong tôi giờ gợi ra một sự bất mãn.
Trước một nỗi đau trong đời, con người ta thường có hai lựa chọn: nhẫn nại chờ nó qua đi, hoặc đương đầu.
Những người dân An Đà, Đông Khê và Đông Hải, như mẹ con tôi, đã nhẫn nại suốt mười tám năm. Cũng có lúc tôi buồn bã, và nghĩ rằng mình có thể làm gì không, trong tư cách một người làm báo? Nhưng rồi tôi im lặng. Những bài báo viết về quy hoạch ở quận Ngô Quyền, đã xuất hiện từ hơn một thập kỷ trước, từ tận thế hệ của những đàn anh trong nghề mà giờ đầu đã bạc. Tôi chọn sự chịu đựng. Tôi cặm cụi đi viết chuyện khác, những chủ đề được đặt hàng, với hy vọng rằng mình có thể bù đắp được những phép tính đã bị con đường trên giấy xé toạc.
Tôi vẫn muốn đón bà lên Hà Nội, tôi đành tự đi nhặt nhạnh từng cắc bạc để làm việc đó, còn cái nhà cứ để đó, chờ chính quyền nhón tay. Cái nhà mà mẹ tôi đã xây lên bằng tất cả sự chăm chỉ và khả năng chịu đựng những nỗi đau phi thường - giờ không phải là tài sản. Dù tôi không phải người gây ra, nhưng tôi đành tự sửa chữa. Tôi gác lại những mơ tưởng khác, gác lại những đóng góp khác tôi có thể làm cho cuộc đời, để giải cái bài toán hóc búa, do chính quyền thành phố Hải Phòng đưa ra.
Tham khảo thêm:
Bởi vì tôi đã đi và nhìn thấy quá nhiều người quyết định rằng họ sẽ đương đầu. Họ, những người dân khiếu nại các vấn đề liên quan đến đất đai, có một chân dung rất quen thuộc, mà hầu hết những người làm báo đều có thể kể cho bạn. Họ nói chuyện như được lập trình, bằng các mốc ngày tháng, các công văn, các nghị định, các trích dẫn phát biểu của lãnh đạo trong các buổi tiếp xúc cử tri. Họ sẽ bày ra trước mặt bạn một chiếc cặp đầy tài liệu phô tô, dày nửa gang tay và say sưa giải thích về nội dung của từng tờ một. Giọng nói của họ đầy năng lượng, nhưng bạn không nhìn thấy ở đó một con người đang sống nữa. Cuộc sống và linh hồn đã bị tước đi, theo một cách nào đó. Và điều quan trọng nhất: những con người như thế rất hiếm khi tạo ra sự thay đổi.
Bởi vì những quy hoạch treo thực chất thường là sự bế tắc trong cuộc đấu tranh nội bộ của chính những người có trách nhiệm. Nếu chính hệ thống còn không tự giải quyết được, người dân thấp cổ bé họng làm thế nào? Như Đại lộ 13/5, một vị lãnh đạo Hải Phòng trước đây đã từng đòi "xử lý hình sự" những người chịu trách nhiệm về nó. Đến nay chưa thấy kết quả gì.
Chúng tôi chọn sự chịu đựng. Gia đình tôi vẫn còn có thể tự tính toán, chưa đến mức bế tắc. Có lẽ nhiều hàng xóm của chúng tôi không có được may mắn đó, tôi chẳng bao giờ dám hỏi hay dám đào sâu vào câu chuyện của Đại lộ 13/5. Bây giờ viết ra, không phải để tranh đấu cụ thể cho một cái quy hoạch của quận Ngô Quyền, Hải Phòng. Mọi chuyện cứ như vậy đi, tôi lựa chọn tự xoay sở rồi. Nhưng làm thế nào để bi kịch đó có thể dừng lại, hoặc ít nhất không tái hiện ở khắp đất nước, với những con người bế tắc hơn mẹ con tôi rất nhiều?
Hiện tại, chỉ có một kịch bản. Đó là một, hoặc rất nhiều người dân quyết định lên tiếng, cầm lấy micro trong các buổi tiếp xúc cử tri, lưu cữu trong nhà đầy giấy tờ phô tô và sống cuộc đời của một "nhà khiếu nại". Nhưng có lẽ thỉnh thoảng lắm mới có một nhóm cư dân gây đủ chú ý - với cái giá nào thì không ai tưởng tượng được. Có còn cách nào mang tính hệ thống và hiệu quả hơn không? Thực sự điều chỉnh luật? Bắt người có trách nhiệm phải thực sự chịu trách nhiệm? Hủy bỏ những quy hoạch không triển khai được sau vài năm, không treo triếc gì nữa?
Tác giả: Đinh Đức Hoàng
Tham khảo thêm:
Thu Phương
Nhà tôi ở Hiệp Bình Chánh
Thủ Đức năm 1996 có quy hoạch mở đường 20m qua cửa nhà, tưởng được đổi đời, đợi 10 năm sau vẫn treo lơ lửng, tôi bán nhà ra đi, đến nay quay lại thăm người quen, quy hoạch vẫn bị treo tòng teng như xưa, tôi vẫn giữ bản quy hoạch đô thị của sở xây dựng thành phố năm xưa làm kỷ niệm.
Trần Thanh Quang
Không biết cơ quan nào có trách nhiệm "thanh tra" và xử lý các các cá nhân, đơn vị chịu trách nhiệm về những thất trách quy hoạch, quản lý trên?
Dương Huy Phong
Nhà mình cũng ở trên dự án quy hoạch treo hơn 20 năm nay, xây mới thì không được, sửa chữa nhỏ không sao, sửa lớn chút lại phải "thuốc nước". Khổ không nói nổi, đến mức giờ những nhà dân cùng trong diện quy hoạch treo này nghe tới chữ "sắp làm đường" rồi cũng chỉ cười ruồi.
Dự án đường Hàm Nghi (Nam Từ Liêm) kéo dài.
Minh Le
Mình thích cậu này, cực thích những bài hắn viết.
Hoàng Hối Hận (Đinh Đức Hoàng) luôn giữ được cái chất riêng, xù xì, gai góc, đầy trăn trở.
Mình gặp hắn bên lề một buổi hội thảo, nơi 2 thằng nghiện thuốc chia sẻ niềm vui.
Gắn bó nhiều năm với vnexpress (ngày càng nhạt về tổng thể), chuyên mục "Góc nhìn" của hắn và đồng bọn vẫn giữ được sức sống và niềm tin yêu của độc giả.
Thu Huynh
Nhà tôi cũng treo 22nam rồi. Mua bán- vay Bank- sửa chữa đều ko được, gửi đơn kiến nghị bao năm cứ bảo chờ đi, đang quy hoạch ?!
Thành Công
Nhà mình cũng bị quy hoạch treo
Văn Vỹ Phan
Viết hay lắm tác giả ui
Quy hoạch treo là treo luôn số phận hàng vạn con người.
Nguyễn Tuấn
ở trong diện quy hoạch treo thì khổ lắm, nhà tôi đã từng bị khoảng 15 năm
Hương Đàm
Chuẩn đấy nhà Báo ạ .
Gia đình nào trg cuộc mới thấm qui hoạch treo này .
Thậm chí nhà cấp 4 chỉ sửa chữa khỏi dột nát là sẽ đc " lên đền xg phủ " .
Bán ko đc ở ko xong khổ sở .
Treo chiếc cũng làm cho g/ đ bạn tôi 16 năm nay qui hoạch dải cây xanh tha hồ mưa thì nhà dột , bước ra cửa như sông mà sông nc thối .
Quan trên cứ họp nói như đài " bát đa " có thấy gì đâu ?
Chekc vẫn trg q/ hoạch đỏ lừ .
Nên con lạy các Bố .
Các Bố làm thì làm luôn trg 1 vài năm ko nghỉ đi giải tán cho ng dân đỡ khổ con cháu họ ổn định để còn an cư lạc nghiệp .
Lấy thì lấy luôn đền bù cho ng dân chỗ khác để họ xây nhà ổn định cs và còn thờ cúng ông bà tổ tiên nữa chứ ????
Ngọc Duy Nguyễn
Đúng hoàn cảnh luôn . Quy hoạch treo 20 năm trời hơn . Khu vực ko phát triển dc , ko xây dựng gì dc . Ác lắm .
Trần Sơn
Hầu hết người dân đều khổ sở về quy hoạch treo.
Andy Tran
Không biết mấy bác ngồi máy lạnh rung đùi có nghe được những tiếng thở dài của người dân không nhỉ? Chắc là không!
Vũ Thị Hà
Andy Tran nghe thấy nhìn thấy hết đó bạn, nhưng rồi cũng đổ lỗi bỏ ngoài tai còn bảo do "cơ chế" thôi.
Như vụ vừa rồi (ngài Nguyễn Thanh Long) phải chờ Nhà Nước khai trừ khỏi Đảng chứ đâu có tự giác dù lỗi sai rành rành ra ai chẳng thấy.
Nhà Nước chờ lo ổn định dịch rồi mới trảm, chứ chờ tự giác thì còn khuya ...
Andy Tran
Vũ Thị Hà nói cho vui vậy thôi bạn chứ lợp 01 viên ngói chống dột ở tận cùng con hẻm cụt họ còn biết...
Vũ Thị Hà
Andy Tran nhà mình ko có ban công mắc cái sào phơi áo ra ngoài cũng bị "nhắc nhở" chưa nói là phải xây sửa gì
Khuyến cáo:
Mọi bài viết - ý kiến đóng góp chân thành xin gửi về cho chúng tôi qua Email: chodat.com.vn0@gmail.com. Chúng tôi sẽ cập nhật và bổ sung theo quy định hiện hành của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam. Xin cảm ơn quý Anh/Chị độc giả.
|
Được tài trợ:
Dịch vụ chạy quảng cáo Bất Động Sản: Chợ Đất
Bình Luận