Việc Mua Vé Hạng Nhất Đã Thay Đổi Góc Nhìn Của Tôi Về Tiền Bạc như thế nào ?

Lượt xem: 27 ||| Lượt thích: 1

 

 

Trải nghiệm ngồi khoang hạng nhất với giá rẻ khiến tác giả thay đổi cách nhìn về tiền: dùng tiền để nâng tầm cuộc sống, không chỉ để tiết kiệm

 

 

Việc Mua Vé Hạng Nhất Đã Thay Đổi Góc Nhìn Của Tôi Về Tiền Bạc

Suốt nhiều năm, tôi luôn tin rằng mua vé máy bay hạng nhất là một trong những cách chi tiêu vô nghĩa nhất. Tại sao phải trả hàng nghìn đô chỉ để ngồi trên một chiếc ghế cũng đưa bạn đến đúng nơi, vào đúng thời điểm như vé hạng phổ thông?

Tôi tự nhủ rằng nếu tôi có dư 2.000 đô hay thậm chí 10.000 đô, tôi sẽ dành số tiền đó cho một kỳ nghỉ tốt hơn — có thể là khách sạn sang trọng, ăn uống cao cấp hay nhiều trải nghiệm hơn — chứ không lãng phí nó vào vài tiếng du lịch với chỗ để chân rộng hơn hoặc ghế ngả được.

Niềm tin đó kéo dài… cho đến ngày tôi bất ngờ ngồi trên khoang hạng nhất.

Chuyện xảy ra khá tình cờ. Hãng hàng không còn ghế trống hạng nhất, và với chỉ 200 đô, tôi được đề nghị nâng cấp. Một cái gật đầu dễ dàng. Tôi không mong đợi gì nhiều (có thể là thêm chút không gian và bữa ăn ngon hơn), nhưng trải nghiệm đó hoàn toàn thay đổi cách tôi nhìn nhận về tiền.

* Người giàu suy nghĩ khác về tiền bạc

Nhiều người xem tiền là thứ cần tiết kiệm và bảo vệ, đặc biệt khi họ không có nhiều và đang cố gắng xây dựng tài sản.

Tôi – người xuất thân từ tầng lớp trung lưu và đã cố gắng vươn lên theo thời gian – xem tiền là quý giá vì nó đã giúp tôi cải thiện điều kiện sống và trở nên linh hoạt hơn.

Tuy nhiên, với người giàu, tiền đơn giản là công cụ để cải thiện cuộc sống. Khi bạn có đủ nhiều, bạn sẽ không bao giờ đánh đổi sự thoải mái của mình chỉ để tiết kiệm. Họ không nghĩ đến tổng chi phí, mà nghĩ đến giá trị thời gian của họ.

Một điều nữa tôi chưa từng hiểu cho đến khi trải nghiệm hạng nhất là: nó không hẳn là về sự sang chảnh, mà là để hành trình trở nên thoải mái và không căng thẳng nhất có thể.

Tôi vốn ghét đi lại vì tất cả những gì phải chịu đựng để đến nơi: hàng loạt trạm kiểm tra, xếp hàng dài dằng dặc, ngồi một chỗ hàng giờ, và nếu ngồi gần cửa sổ thì càng không muốn đứng lên làm phiền người khác.

Nhưng trải nghiệm ở khoang hạng nhất hoàn toàn khác. Mọi thứ dễ dàng hơn và đội ngũ tiếp viên cố gắng khiến tôi cảm thấy thư giãn và vui vẻ nhất có thể. Cuối cùng, tôi cảm giác như chuyến bay diễn ra ngắn hơn.

Tiền mang đến lựa chọn để cuộc sống dễ dàng hơn, dù là bỏ qua hàng đợi, giảm bớt khó chịu hay “mua lại” thời gian. Người giàu tận dụng điều đó để sống thoải mái hơn và nâng tầm trải nghiệm.

* Người ngồi ở khoang hạng nhất không phải thiếu 2.000 hay 10.000 đô cho kỳ nghỉ

Một bài học khác tôi rút ra là: những người ngồi đó không thiếu 2.000 đô hay 10.000 đô để dành cho kỳ nghỉ. Suy nghĩ trước đây của tôi đơn giản là vì tôi không có số tiền đó.

Người ở khoang hạng nhất không phải vì hy sinh phần còn lại của chuyến đi — mà vì họ có đủ khả năng để tận hưởng toàn bộ trọn gói.

Nhìn tiền như một nguồn tài nguyên giới hạn khiến bạn ngần ngại chi tiêu, dù điều đó có thể cải thiện cuộc sống bạn. Nhưng khi bạn có nhiều tiền, những trải nghiệm như vậy trở nên hợp lý, dù có phải trả nhiều hơn.

Tôi từng thấy việc đi xe buýt hay tàu điện là lựa chọn hợp lý khi thu nhập chỉ ở mức tối thiểu — vì “tôi vẫn đến nơi với chỉ 1 đô.” Nhưng khi tôi kiếm được nhiều hơn, việc có phương tiện riêng lại hoàn toàn hợp lý dù chi phí cao hơn.

Khi bạn chưa có tiền, những nâng cấp dường như không cần thiết. Nhưng người giàu không nghĩ theo kiểu “đáng lẽ tôi chỉ cần chi từng này”, mà họ nghĩ: “cái gì giúp tôi trải nghiệm tốt hơn?”

Người giàu sống từ tư duy dư dả; họ đầu tư vào những thứ mang lại giá trị, dù chúng đắt đỏ hơn.

* Trải nghiệm sự giàu có khiến bạn muốn kiếm nhiều hơn

Ngồi trên ghế hạng nhất khiến tôi bắt đầu suy nghĩ về việc phải làm gì để biến điều này thành thói quen. Đặc biệt là khi tôi quay lại chuyến bay ở khoang phổ thông, nơi mà ba lô của tôi chật cứng và tôi lại nhức đầu vì ngủ không đủ.

Một khi đã nếm mùi cuộc sống cao cấp, thật khó để quay lại. Và nếu bạn giống tôi, bạn sẽ tìm mọi cách để đạt đến đó — vì bạn cảm thấy mình xứng đáng với điều đó.

Thay vì xem xa xỉ là không cần thiết, bạn bắt đầu xem nó là động lực để kiếm nhiều hơn. Với tôi, chút trải nghiệm xa xỉ ấy khiến tôi nhận ra: tiền có thể mang lại điều gì khi bạn dám nghĩ lớn hơn.

Tôi cũng nhận thấy rằng những người thường xuyên tiếp xúc với tiêu chuẩn sống cao thường đạt được chúng nhanh hơn. Họ biết tiền có thể làm được gì nếu tiếp tục làm việc hiệu quả, nên họ đi đến đó càng sớm càng tốt.

Đó chính là điều mà trải nghiệm hạng nhất đã mang lại cho tôi. Và tôi hy vọng sẽ sớm đạt đến cấp độ mà tôi sẵn sàng chi tiền để ngồi thoải mái hơn.

* Giá trị thật của tiền nằm ở việc nó cải thiện cuộc sống bạn như thế nào ?

Tiền không chỉ là con số trong tài khoản ngân hàng, mà là cách nó cho phép bạn sống ra sao. Đó là lý do tôi sẽ không bao giờ sống quá tiết kiệm – và trải nghiệm này đã chứng minh điều đó với tôi.

Tiền không có ý nghĩa gì nếu nó không giúp cuộc sống tốt hơn, không cho ta làm điều mình muốn và không khiến ta hạnh phúc hơn. Đầu tư vào trải nghiệm (như bay hạng nhất) có thể thay đổi tư duy của bạn và khiến bạn nghĩ lớn hơn.

Khi xem tiền như công cụ để cải thiện cuộc sống — thay vì là vật để trân trọng và tích trữ — chúng ta sẽ tìm cách kiếm nhiều tiền hơn để có nhiều trải nghiệm hơn.

Trí tuệ tài chính thực sự không nằm ở việc tiêu ít nhất để tiết kiệm nhiều nhất, mà là tối ưu giá trị bạn nhận lại từ số tiền bỏ ra.

Bạn tôi hay đùa rằng khi có nhiều tiền, anh ấy sẽ thuê tài xế riêng. Anh ghét lái xe và luôn tránh nếu có thể. Trước đây tôi thấy ý tưởng đó thật điên rồ, nhưng giờ tôi hiểu — đó là cách anh ấy muốn cải thiện cuộc sống. Và nếu có thể, điều đó hoàn toàn xứng đáng.

Bạn chưa thật sự giàu cho đến khi dùng tiền để sống một cuộc đời tốt hơn.

* Được bao quanh bởi những người giàu sẽ mở ra cơ hội đặc biệt

Điều cuối cùng tôi học được là: nếu được ở cạnh những người quyền lực, tôi có thể có được những cơ hội độc nhất — mà tôi đã bỏ lỡ vì chưa có tư duy này.

Ngay cạnh tôi hôm đó là một trong những doanh nhân hàng đầu trong lĩnh vực sáng tạo nội dung và marketing ở đất nước tôi. Lúc đó, tôi chưa có cuốn sách nào sẵn sàng, không bản nháp, không bản in, nên đã bỏ lỡ cơ hội hoàn hảo để giới thiệu bản thân và xin một cuộc gặp gỡ.

Có người sẵn sàng chi tiền để vào các câu lạc bộ cao cấp, phòng gym đắt nhất, hay lớp golf, tennis ở trung tâm thành phố — không phải vì chất lượng vượt trội — mà vì những người có mặt ở đó.

Họ không chi cho trải nghiệm xa xỉ, mà chi để tiếp cận mạng lưới người thành công, có thể là đối tác, cố vấn hay khách hàng tương lai. Đó là lý do nhiều người thành công đầu tư vào trải nghiệm cao cấp ngay cả trước khi họ “thành đạt.” Họ hiểu rằng có mặt ở đúng nơi — dù phải vượt ngân sách — có thể mang lại cơ hội đáng giá hơn nhiều lần chi phí.

Giờ đây, mỗi khi nghĩ đến những trải nghiệm xa xỉ, tôi không còn chỉ nhìn thấy giá tiền ban đầu, mà còn là tiềm năng thu lại — từ mối quan hệ hoặc cơ hội.

Ngồi ở khoang hạng nhất dạy tôi rằng tiền không chỉ để trang trải nhu cầu cơ bản, mà là để sống theo cách khác biệt. Người giàu không chi nhiều vì thích – mà vì họ hiểu giá trị của những gì trong tay mình.

Tự do tài chính thật sự không nằm ở chỗ giữ tiền, mà là dùng nó để nâng tầm cuộc sống, mở ra cánh cửa và tạo nên khả năng mới.

Xa xỉ không phải sự hoang phí — nó là động lực. Tôi thấy mình có lý do để làm việc thông minh hơn, kiếm nhiều hơn, và bước vào những căn phòng nơi cơ hội diễn ra. Bởi vì, cuối cùng, tiền không nằm ở chỗ bạn có bao nhiêu — mà là bạn làm gì với nó.

~ Tác giả: Desiree Peralta


 

Khuong P. Le

Ngồi thương gia thì chắc chắn sướng. Nhưng sự thay đổi quan điểm của tác giả ở đây xuất phát chính từ việc ông ta được ngồi class này VỚI GIÁ CHỈ $200. Suy nghĩ của ông chắc chắn sẽ khác rất nhiều nếu ông ấy mua vé hạng thương gia với giá $2000. Vậy nên bài này của ông tác giả chủ yếu chỉ là khoe được ngồi thương gia là 1, được ngồi với giá rẻ là 2, và chém gió về đạo lý là 3, hết. Mấy cái ghi trong bài nó vốn là bản chất rồi. Giống như nói là nằm giường thì sướng hơn nằm đất vậy. Bỏ qua yếu tố giá cả để đánh giá 1 thứ là việc làm vô cùng sai lầm.

Hannah Pham

Khuong P. Le chính xác luôn. Bản thân m, 1 lần nọ, bằng 1 sự lầm lẫn vô tình của hãng bay, m đã được lên khoang business chặng bay từ New Jersey về Narita với vé hạng Premium economy, để sau đó bay tiếp chặng về Vn. và đó là lần đầu tiên ( mà chắc là duy nhất luôn đời m) m được ngủ thẳng cẳng đúng nghĩa đen trên một chặng bay dài thay vì gà gật mơ màng với việc luôn phải đổi tư thế chân, đầu để tìm đc sự thoải mái chốc lát. Vé business chặng đó nghe đâu hơn 2k thì chắc chắn m sẽ đánh đổi số tiền đó cho những chặng bay khác hoặc cũng chặng đó nhưng bằng thêm lần nữa để đc gần người thân của mình. Full chuyến Business có loại tổng 5k đô 1 chiều. Ngta giàu vì mấy ngàn đô đó ko đáng gì trong ngân sách đi lại của ngta, trong túi tiền của ngta chứ ko phải là vì họ dành hay tích góp khoản tiền khác nào đó qua cho việc mua vé business. Họ vẫn tiêu nhữg thứ khác bình thường. M để ý những người có budget khác nhau bay các chặng dài ( Mỹ _ Vn, Canada_ Vn ) thì thấy ng mua vé business toàn chặng thường thu nhập từ trên 200k đô mỗi năm nhưng rất hiếm, và chủ yếu là mua 1 chặng trong chuyến có 1 lần lay over.( có nghĩa là gồm 2 chặng) ( trả thêm từ 500 usd _ 1k usd) Có nghĩa là luôn phải là sự tính toán để tận dụng sự thoải mái một cách vừa đủ chứ ko phải dư thừa chứ ko hoàn toàn như tác giả nói. Và tôi. 1 người ít tiền, sẽ ko có cơ hội bay business lại bao giờ dù biết là nó sướng thiệt.Nói chuyện này mới nhớ, Vc ông Tổng GĐ bv FV 1 năm bay đi về Pháp_ Việt mấy lần đều business cả 2vc và tôi nghĩ đó là tiền của BV chi trả, ít nhất là cho 1m ông ta.

Trang Anh

Khuong P. Le tư duy thất bại thật sự ấy. Ông này kể về trải nghiệm “may mắn được lên hạng nhất với chi phí thấp” để từ đó biến thành động lực thay đổi cuộc đời. Qua cái đầu tư duy ở mức thấp của cháu lại thành “ông này đánh giá khoang hạng nhất với chi phí 200$”. Đúng là con người ở tầm nào thì họ chỉ nhìn thấy những thứ trong tầm mắt của mình.

MD Nguyen

Khuong P. Le Không biết lần sau tác giả có dám bỏ ra một số tiền đúng với giá vé để mua chỗ ngồi hạng nhất (chứ không phải nâng hạng với 200 $) không đây ?

Tác giả nói đến hạng nhất (First Class) chứ không phải hạng thương gia (Business Class) bạn nhé.

Pham Thi Bao Uyen

Đối với chuyện thành viên VIP đi hạng ưu tiên, đi một lần mới thấy hông muốn quay trở lại ghế cũ thật.

Có những chuyến bay, em đã đến sớm tận 5-6 tiếng trước giờ bay, xếp hàng mấy tiếng đồng hồ mà vẫn không kịp check in, đến giờ máy bay sắp sửa bay tới nơi, nhân viên nháo nhào gọi tên, lôi đầu em còn đang xếp hàng trong một đám đông dài dằng dặc để lên trước cho kịp bay. Ghế ngồi thì chật hẹp. Vé rẻ nhiều lúc đi kèm "combo khuyến mãi" dù mình không có nhu cầu, là delay, hay các chú, các thím xung quanh bôi dầu gió, nói chuyện oang oang như xe đò. Thậm chí tiếp viên nhiều lúc cũng không được chuyên nghiệp lắm...

Bù lại, đi "hạng sang" hơn, cửa check in cũng ưu tiên, phòng chờ ưu tiên, ghế ngồi thoải mái, lâu lâu lại có một em nhân viên xinh đẹp chạy vào hỏi thăm, cập nhật tình hình. Trong khi các hạng vé thường, thành viên thường còn mướt mồ hôi xếp hàng chờ tới lượt, mình ngồi thư thả nhấm nháp đồ ăn ngon lành trong ghế bành phòng VIP ngắm trai xinh gái đẹp khác trong phòng VIP đang ngồi chờ giống mình. Lên máy bay lại càng sướng. Đồ ăn thức uống cũng ngon hơn, ghế ngồi rộng rãi thoải mái hơn, tiếp viên hàng không cũng chu đáo hơn (và còn đẹp hơn nữa). Cũng là tiền nào của nấy.

Còn về vấn đề vấn đề chi tiền để tiếp cận một "xã hội khác", em đã từng không hiểu tại sao trong "Con nhà giàu", chấp niệm của mẹ Nu9 lại cao đến vậy. Cũng như đã từng không hiểu việc tại sao các bậc phụ huynh ở SG chẳng hạn, chịu khổ chịu cực, bằng mọi cách phải cho con vào được trường A, trường B... Đến khi về thôn quê sinh sống và dạy học, em mới hiểu sâu sắc nguyên nhân "mẹ Mạnh Tử ba lần dời nha", "gần mực thì đen, gần đèn thì sáng", "gió tầng nào gặp mây tầng ấy".

Chouniper Nguyễn

Vốn dĩ tiền nên được xem là tài nguyên, và tài nguyên thì gói gọn trong quá trình tìm kiếm - tiêu thụ. Tiền không phải tác phẩm nghệ thuật để sưu tập, nghĩ như vậy sẽ dẫn đến cách tư duy tiết kiệm nhét tủ khiến tiền càng ngày càng mất giá trong khi đời sống của người sở hữu không cải thiện.

Tiết kiệm là tốt, nhưng khi tiết kiệm biến thành một nỗi ám ảnh hay thói quen tích trữ, chúng sẽ phá hỏng ý nghĩa của tiền.

Nguyễn Ngọc Thỏa

Chouniper Nguyễn chưa chắc như vậy đâu bro, mình thu nhập rất ổn, 2 con học trường quốc tế, nhà cửa ở Phú Mỹ Hưng. Mình sẵn sàng hy sinh tiền cho gia đình nhưng bảo mình đi vé máy bay thương gia chắc là khó hơn lên trời, bởi mình thấy nó không đáng. Mỗi lần chỉ cần được ngồi vé rẻ của Vietjet mình đã thấy sướng, thấy m may mắn được đi máy bay, thấy con người thật vĩ đại khi bay lên như con chim...

Như vậy ở đây mình không phải tiết kiệm mà mình cảm thấy ngồi trên máy bay đã là một đặc ân thượng đế trao cho mình!

Son Ho

Điều đầu tiên là khi Người Ta có dư giả. Khi Tiền sài không phải nghĩ thì tại sao không? Còn khi Bạn vắt mũi bỏ vào mồm thì tốt nhất đừng suy nghĩ và coi như không biết. Mắt không thấy. Tai không nghe thì sự bình yên sẽ trở lại và Bạn sẽ có sự thanh thản.

Linh Thị

Son Ho thấy bạn này bình luận chuẩn này. Đối với người chưa dư dả tiền nhg thích tiêu xài loại sang chảnh nhất thì sớm muộn bạn cũng sẽ trở thành kiểu ng phông bạt, tham gia đa cấp lùa gà hay đầu tư mạo hiểm để giàu nhanh hoặc kiểu ng thấy ng sang bắt quàng làm họ lân la tạo mối quan hệ dù ko cùng đẳng cấp.

Có thể trải nghiệm thử để biết mà có động lực cố gắng nhg đừng lầm tưởng tiêu xài theo lối ng giàu và bạn sẽ thành giàu.

Ôi lo mà kiếm tiền đi r hẵng nghĩ đến chuyện tiêu xài. Việc chuyển hẳn từ bay hạng phổ thông sang thương gia nó không hề giống việc nhà nghèo cố đầu tư cho con học trường xịn. Nó chỉ giống mấy em gái nghèo và đẹp đi chơi golf thôi ạ.

Trang Anh

Son Ho một cách lý giải tiêu cực cho việc dẫm chân tại chỗ. Bạn tưởng rằng bình yên và thanh thản sẽ tự đến và là thứ có sẵn, nhưng không có đâu. Bình yên và thanh thản như cái nhà sạch mát thoáng. Sẽ chỉ có được nếu bạn bỏ công sức ra lau chùi quét dọn nó.

Kim Phan

Cách đây 18 năm tôi được một trải nghiệm thú vị khi ngồi ghế hạng nhất từ California to Texas.

Tôi chấm dứt chuyến du lịch Âu Châu tại Anh, rồi lấy thêm vé máy bay qua Cali chơi 1 tuần. Tối đó tôi gọi điện thoại cho em gái là tôi muốn đi thăm nó ở Texas. Nó mua trên mạng và chuyển cho tôi vé máy bay ghế ngồi hạng nhất, vì hết vé loại thông thường nên nó phải lấy vé máy bay hạng nhất !

Tôi còn nhớ cảm giác được vào máy bay đầu tiên và, cô tiếp viên hỏi tôi muốn uống rượu gì, nhưng vì khuya quá và tôi rất mệt nên chỉ cần ngủ một giấc trên chiếc ghế rộng lớn thoải mái , và chỉ có tôi và 1 người trong khoang này. Hành lý sau đó lấy ở khu riêng biệt.

Julia Ngo

Cách bạn miêu tả thì là hạng thương gia (business class) chứ không phải hạng nhất (first class). Hạng nhất là một cái phòng riêng biệt và vé cỡ $20,000+ chứ không phải vài ba ngàn. Hạng nhất của nhiều hãng còn được access vào quầy bar, phòng tắm... Chứ không phải chỉ là cái ghế nằm ngả ra.

Nguyên Nguyên

Julia Ngo Hoặc tác giả hoặc người dịch nhầm lẫn giữa business class và first class rồi. Mình thậm chí sợ VN airlines còn chưa đủ điều kiện có nổi khoang first class luôn ấy chứ

Kate Tran

Một lần trong chuyến đi Nhật vô tình mình đi chuyến bay hạng nhất

và chưa bao giờ sau chuyến đi đó, mình đi những loại khác ngoài business va first class ????

Nói sang chảnh là bị ghiền

Mai Quốc Việt

Một bài viết phân tích hay về giá trị và mục đích của việc kiếm tiền. Cuối cùng vẫn là để trải nghiệm cuộc sống tốt hơn, sử dụng những dịch vụ tốt hơn ... khi đó tiền mới có ý nghĩa đúng của nó! Đã đọc rất chậm bài viết này của anh và đến một lúc nào đó mạnh dạn đặt vé máy bay: "Business Class"! Chúc anh nhiều sức khỏe!

Huỳnh Thanh Hải Thủy

Đúng rồi bạn ơi, cùng 1 quãng đường giữa việc chọn VNA với VJ thôi thì mình luôn chọn VNA rồi, huống chi hạng thương gia

Moon Nguyen

Cái người có giá trị thời gian cao (đi thương gia tiết kiệm thời gian chờ 1-2h) & cần bỏ tiền ra mua vé thương gia để tiết kiệm thời gian & giảm ảnh hưởng đến sức khỏe thì họ k có cầu mqh ở cùng môi trường đó đâu. Loại cố gồng để mua vé thương gia thì mới mong cầu mqh từ môi trường cao cấp đó để kiếm tiền

Mình đi thương gia như nhu cầu thiết yếu hơn 10 năm nay & chưa bao giờ kết thân với bất kỳ mqh nào ở những môi trường cao cấp mình đã đi qua????

Huong Quynh

Vâng, nếu bỏ $200 để nâng cấp thì mình bỏ, chứ bt vé business chênh vé economy khứ hồi chặng VN- Châu Âu cỡ 2500eur, tầm 75 triệu, mình sẵn sàng ngồi economy rồi dùng tiền đó giúp đỡ những người thân đang cần còn hơn. Tất nhiên là mình chưa giàu và ko thấy quá cần, còn những người đáp máy bay cái cần tỉnh táo làm việc luôn thì lại khác.

KhaMi Huynh

Vậy trải nghiệm cuộc sống của 1 ng giàu khác với trải nghiệm cuộc sống của 1 thiền sư ra sao?

Tại sao có trừơng hợp những ng giàu (đựơc nâng tầm trải nghiệm xa xỉ) lại cảm thấy ko hạnh phúc và tìm câu trả lời ở các vị thiền sư lỗi lạc?

Vegas's Corner

Cốt lõi là Hiểu về Tiền và Giá Trị của từng Dịch Vụ, từng Trãi Nghiệm.

Tiền là nguyên liệu, để sử dụng chứ không phải chỉ có tích trữ.

Người hạnh phúc nhất là thoải mái vui vẻ trong bất kỳ hạng vé nào.

Chloe Ng

Người có tiền và tạo ra được nhiều tiền, họ biết cách tận dụng thời gian hoặc tiền bạc đã xài cho việc:

- nếu hôm nay tôi chi trả 10,000 đô la cho 1 chuyến bay thì giá trị/ doanh thu/ tiền kiếm ra được phải là 100,000 đô.

Đó là bài học sếp mình, 1 doanh nhân rất thành công ở Mĩ đã dạy mình. Từ đó, mình nhận ra rằng: người giàu khi tiêu xài tiền, họ không phải muốn khoe khoang mà là vì họ có khả năng để tạo ra gấp 10, 100, và 1000 lần số tiền đã chi trả cho 1 thứ gì đó

 

 

 

 

Khuyến cáo:

  • Bài viết KHÔNG PHẢI lời khuyên tư vấn tài chính - đầu tư - pháp lý chính xác 100%. Vui lòng xem qua Tuyên bố Miễn trừ trách nhiệm Nội dung của chúng tôi.

  • Bài viết có thể có thể bị trì hoãn, chưa cập nhật, bỏ sót hoặc thiếu chính xác tại thời điểm quý độc giả xem.

  • Chợ Đất cố gắng mang đến nhiều thông tin đa chiều nhất có thể từ quý độc giả và nhiều nguồn minh bạch nhất có thể.

  • Quý Anh/Chị trước khi đầu tư - mua bán - giao dịch xin cân nhắc thật kỹ.

  • Chúng tôi không chịu trách nhiệm trước mọi tình huống không mong muốn liên quan đến thông tin được đăng tải trên bài viết (nếu có).

Mọi bài viết - ý kiến đóng góp chân thành xin gửi về cho chúng tôi qua Email: chodat.com.vn0@gmail.com. Chúng tôi sẽ cập nhật và bổ sung theo quy định hiện hành của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam.

Xin cảm ơn quý Anh/Chị độc giả.

 

 

 

Được tài trợ:

Dịch vụ chạy quảng cáo Bất Động Sản: Chợ Đất

Dịch Vụ Quảng Cáo Bất Động Sản Uy Tín Hàng Đầu HomeHere.vn

 

[LIKE] Bài viết hay

 

Bài viết chưa đủ với bạn ? Hãy tìm kiếm !

 

Bình Luận

Tư vấn bất động sản khác