Sốt đất ở quê người nông dân có nên bán hay không ?!
(Bài viết chia sẻ quan điểm cá nhân của tác giả Trần Thịnh Lâm)
SỐT ĐẤT Ở QUÊ, NGƯỜI NÔNG DÂN CÓ NÊN BÁN KHÔNG?
Ngày trước thị trường bất động sản ở quê kém thanh khoản, cả năm chẳng có giao dịch nào hoặc chỉ một vài giao dịch của người địa phương với nhau.
Còn đợt này ở hầu hết các địa phương có giá đất rẻ, nhiều người ở vùng khác đến hỏi mua… (điển hình là ở quê ba mẹ mình, vùng Tây Nguyên, Đaklak)
Thường thì với giá thấp người nông dân sẽ không bán. Chỉ một ít ai đó thực sự cần tiền hay áp lực vay mới rao bán.
Khi NGUỒN CUNG thấp (không có người bán), nhóm NGƯỜI MUA sẽ nâng giá lên để có hàng. Lô đất 1 hecta ngày trước có giá 500-700 triệu/ha, giờ được trả với giá 1-1,5 tỷ thậm chí cao hơn (giá tuỳ thuộc vào vị trí & cây trồng trên đất nữa)
Lúc này nhiều người nông dân lại thay đổi ý định, số người quyết định bán sẽ nhiều hơn…
AI SẼ LÀ NGƯỜI MUA ĐẤT Ở QUÊ?
- Những người nông dân ở vùng khác (ví dụ trên Lâm Đồng, Đak Nông,… bán 1 hecta được 5-7 tỷ, qua Đaklak mua lại để có đất canh tác tiếp, lúc này cùng số tiền đó mua được 5-7 lần diện tích đất)
- Những người đầu cơ đất lớn (mua để đó dài hạn, bỏ đất hoang)
- Những nhà đầu tư cá mập chuyên phân lô bán nền (lô 1 hecta giá 3 tỷ, tách ra 10 lô mỗi lô 1000m2 bán 500-700 triệu/lô cho nhà đầu tư nhỏ lẻ)
- Những người gom quỹ đất lớn cho trang trại, khu công nghiệp,… (các cụm hàng trăm hecta)
- Người ở thành phố (nhóm trẻ) muốn mua để có 1 lô về sau dưỡng già
- Những người tại địa phương chạy theo cơn sốt đất mua đi bán lại
- …
==============
Giờ chúng ta sẽ cùng xem xét khía cạnh nếu bán thì được & mất gì nhé? (Góc nhìn cá nhân mình)
MỘT SỐ HỆ LUỴ KHI SỐT ĐẤT Ở QUÊ
- Đất tốt đang canh tác biến thành đất bỏ hoang (người mua mới chỉ mục đích đầu cơ, không phải để canh tác)
- Người dân tâm lý không muốn tập trung canh tác rẫy vườn & làm tốt đất của mình nữa. Vì lưỡng lự giữa việc bán & tiếp tục canh tác…
- Nhóm nông dân muốn mua đất canh tác khó khăn hơn, vì giá đất bây giờ đã quá cao. Hiệu quả làm nông nghiệp so với giá trị đầu tư không đạt hiệu suất tốt. Ngày trước bỏ 1 tỷ mua 2ha, làm nông thu về 100-200tr/năm. Bây giờ cần bỏ 3 tỷ mua được 2ha, số tiền kiếm được tương đương. Tức hiệu suất giảm 3 lần.
- Đất bị xẻ đường, phân lô, làm dự án,... (không đồng bộ, trái phép, gây hệ luỵ)
- Giao dịch bất động sản giấy tay, tranh chấp, xây nhà trên đất nông nghiệp,…
Tham khảo thêm: Cách tạo ra sốt đất của các cá mập trong giới đầu tư bất động sản !
- Nhiều người từ vùng khác đến sinh sống, làm việc. Kéo theo một số hệ luỵ không mấy tích cực,…
- Nhiều hệ luỵ liên quan đến chi tiêu, mua sắm & giữ tiền của người nông dân (vì giàu đột ngột, giống như trúng vé số)
- Một số chạy theo cơn sốt đất, mua mua bán bán & có nguy cơ đu đỉnh ở một số thị trường/giai đoạn
- Giá đất được định giá cao hơn, người dân vay được tỷ lệ nhiều hơn. Nhưng tiền vay được lại xây nhà/mua xe oto & khả năng tạo ra tiền thấp, dẫn đến có nguy cơ ngập trong nợ (ngày trước lô đất định giá 500tr chỉ vay được 300tr, giờ định giá 1,5 tỷ được vay hẵn 1 tỷ). Số nợ nhiều lên nhưng khả năng kiếm tiền từ đất nông nghiệp lại không tăng lên…
- ...
MỘT SỐ LỢI ÍCH NHỜ ĐẤT TĂNG GIÁ
- Giúp giá trị tài sản người nông dân tăng lên, nhờ đất tăng x2-3 lần thậm chí hơn, tương đương tài sản cũng tăng theo tỷ lệ đó…
- Một số doanh nghiệp thành phố về địa phương phát triển dự án, các công trình được xây dựng, dự án trang trại quy mô, khu công nghiệp mọc ra,... -> Giúp vùng quê dần dần đô thị hoá & đời sống người dân được nâng cấp hơn
- Một ít vùng quê, tầng lớp tri thức quay trở lại quê hương. Lập nghiệp tại quê hoặc làm việc online (work from home, kinh doanh online, kiếm tiền mmo,...).
- Một số người biết quản lý tài chính tốt. Tiền bán đất được tái đầu tư vào những nơi khác, giúp giữ tiền & nhân tiền tốt hơn so với việc làm nông
- ...
TÂM LÝ NGƯỜI NÔNG DÂN, SAU BÁN ĐẤT SẼ LÀM GÌ?
Giả sử ai đó vừa bán lô đất ở quê, hoặc một phần lô đất ở quê, và đang có 2-3 tỷ chẳng hạn.
Số tiền này thường sẽ được dùng cho việc:
- Xây căn nhà to hơn
- Mua xe hơi
- Cho con cái một phần
- Cho người thân mượn tiền
- Chi tiêu bản thân, mua sắm đồ trong nhà cao cấp hơn
- …
Một số khác, sẽ sử dụng một phần tiền để:
- Gửi ngân hàng nhận lãi
- Mua vàng
- Giữ tiền mặt
- Chơi hụi
- Cho vay lãi tại địa phương mà không có thế chấp (nguy cơ mất trắng)
- Gửi cho con cái đầu tư chứng khoán, trái phiếu
- Mua 1-2 lô đất ở vùng khác hoặc tại địa phương
- …
Một số hệ luỵ khác có thể xảy ra (bổ sung thêm):
- Con cái hư hơn, không lo học hành, đua đòi, mua xe xịn, ăn chơi,… vì thấy bố mẹ có nhiều tiền
- Gia đình lục đục khi có nhiều tiền hơn, xảy ra tranh cãi & nhiều vấn đề phát sinh hơn so với thời còn nghèo (tỷ lệ này vẫn rất nhiều)
- Chồng chơi bời gái gú, vợ ăn diện mua sắm thả ga,…
- …
LƯU Ý: với số tiền 2-3 tỷ, hay 5-10 tỷ thực ra không lớn như mọi người nghĩ đâu.
Chi tiêu ko đúng cách sẽ HẾT-RẤT-NHANH sau 1-2 năm & để lại rất nhiều hệ luỵ sau đó…
NHÌN CHUNG, sẽ rất khó xét ĐÚNG/SAI, TỐT/XẤU khi sốt đất ở quê. Sẽ có người hưởng lợi nhờ đó, và cũng có người mất mát nhiều từ đó…
===============
Tuy nhiên, cần xét thêm đến khía cạnh THỜI ĐIỂM BÁN BỚT TÀI SẢN, thời điểm chuyển đổi loại hình tài sản,…
Hiện nay, các cô chú ở quê đa phần ~50-60 tuổi. Ngày trước tầm tuổi này thì cũng đã rơi vào nhóm người già & sắp “gần đất xa trời” rồi…
Nhưng thời nay, nhờ y tế phát triển. Con người sống thọ hơn. Đa số sẽ lên ngưỡng 80-90 tuổi hoặc hơn…
Vậy nếu ai đang ở độ 50-60t, thì còn sống thêm 20-30 năm nữa.
Và làm gì để có dòng tiền, tạo ra tiền để sinh hoạt cho giai đoạn 20-30 năm tới, sẽ là điều ĐÁNG CÂN NHẮC!!! (Liệu giai đoạn này có nên bán chưa? Số tiền bán được liệu có đủ an toàn cho 20-30 năm tới?)
Thêm nữa, nếu LẠM PHÁT. Số tiền 2-3 tỷ từ bán đất bây giờ, dùng nó để mua nhà/mua xe, gửi tiết kiệm,… Rất có thể sẽ chẳng còn mấy giá trị sau 10-20 năm.
Lúc đó nhìn lại lô đất mình đã bán, nó lại tăng 10-20 lần. Khi đó không phải là 2-3 tỷ nữa, mà đã 30-50 tỷ rồi… Tâm lý TIẾC NUỐI này có khi cũng rất đau đớn!
===============
Ở góc độ đầu tư thì đất nền hay đất nông nghiệp theo mình là có tiềm năng tăng giá nhất.
Và nó cũng là kênh khá an toàn với người NÔNG DÂN để TRÚ ẨN LẠM PHÁT.
GIỮ ĐƯỢC LÀ THẮNG, CÀNG LÂU CÀNG TỐT! (Về giá trị tài sản gia tăng)
Còn tuỳ thuộc mỗi hoàn cảnh sẽ cần cân đối để có dòng tiền, nguồn thu, chi tiêu từ những TÀI SẢN đang có. Là bài toán khó cần tính toán kỹ. Và không trường hợp nào giống nhau…
- Người có lương hưu khác
- Người đang tạo ra dòng tiền từ đất khác
- Người sức khoẻ tốt khác, người có bệnh khác
- Người đang nợ khác, người không có nợ khác
- Người độ tuổi 50 khác, 80 khác
- Người có con cái hoàn cảnh khá giả khác, người có con cái đang gặp khó khăn lại khác
- …
Nên mỗi người tự trang bị TƯ DUY TÀI CHÍNH, trau dồi tri thức, và tính toán kỹ trong mỗi quyết định lớn của mình.
(Theo Trần Thịnh Lâm)
Khải Hoàn Phạm
Bài viết có cái nhìn rất tổng thể. Theo cá nhân mình thì rất chính xác. Vì đó cũng là suy nghĩ của mình.mà cái hệ lụy lớn nhất là đất hoang hoá nhiều sau sốt đất
Nguyễn Dương Toàn
Mọi hàng hóa đều chịu quy luật cung cầu. Đất lên giá tốt thì ta đầu tư vào đất
Bùi Thuỳ Liên
Mình đồng tình với quan điểm của bạn. Rất cụ thể, chi tiết và rất đúng với thưc trạng hiện nay
Trường Nguyên
Cái nhìn rất tổng quan anh, em ở Đăk Nông mong có dịp được giao lưu!
Kiều Nhật
Nói chung là mua thêm cái BHNT nữa bác he
Dương Công Đông
Nhiều chỗ sốt ảo quá thì cứ bán. Vài bữa giảm lại mua lại.
Lê Thị Hải Yến
Thực trạng đau lòng đó bạn ơi, tuy nhiên còn 1 lý do phải bán đất mà chưa dc đề cập: 2 năm qua thu hoạch kg bán dc vì phong tỏa, thiếu nợ ngân hàng, nợ phân bón,.... buộc phải bán đất trả nợ.
Văn Thảo
bài viết được sàng lọc qua thực tế .nói chung nguòi dân nông thôn bán mảnh đất mình gắn bó trồng chọt chăn nuôi thì chỉ 20% sử dụng đồng tiền sinh lời và phát triển còn lại là bế tắc cụt vốn .vậy lên nông dân phải giữ đất vì đất là tư liệu để sản xuất duy trì cuộc sống
Ken Chai
Bài phân tích quá hay, người dân đang bán tài sản của mình để sống, và đất bị manh mún ko ai tập trung sản xuất cũng như giá trị sản phẩm tạo ra ko có giá cạnh tranh. Rồi cũng sẽ bị nghèo lại thôi.
Nguyễn Văn Dương
Nhiều người từ vùng khác đến sinh sống,làm việc. Kéo theo một số hệ luỵ không mấy tích cực? Theo bạn gồm có những hệ luỵ gì? Những mặt tích cực như là dân số phát triển đông đúc sẽ có nhiều cơ hội kinh doanh buôn bán,giao thương sao?
Nguyễn Văn Ngọc
Xin cảm ơn tác giả và người đặng, bài viết có tâm và thực tế lắm!!!❤️❤️❤️
Ở Sài Gòn cách nay 20 năm cũng y hệt các tỉnh.
Khuyến cáo:
Mọi bài viết - ý kiến đóng góp chân thành xin gửi về cho chúng tôi qua Email: chodat.com.vn0@gmail.com. Chúng tôi sẽ cập nhật và bổ sung theo quy định hiện hành của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam. Xin cảm ơn quý Anh/Chị độc giả.
|
Được tài trợ:
Dịch vụ chạy quảng cáo Bất Động Sản: Chợ Đất
Bình Luận