ĐÓNG GÓP Ý KIẾN SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI VIỆT NAM 2023

Lượt xem: 1358 ||| Lượt thích: 0

 

 

 

 

ĐÓNG GÓP Ý KIẾN SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI VIỆT NAM 2023

(Bài viết chia sẻ đóng góp ý kiến cá nhân của tác giả An Tâm)

ĐÓNG GÓP Ý KIẾN SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI

Ba vấn đề:

1- CẦN XÓA BỎ KHÁI NIỆM ĐẤT NÔNG NGHIỆP VỚI TƯ CÁCH LÀ LOẠI ĐẤT "KHÔNG ĐƯỢC LÀM GÌ KHÁC".

2- CHO PHÉP NGƯỜI DÂN ĐƯỢC XÂY NHÀ TRÊN “ĐẤT NÔNG NGHIỆP”

3-  CẢI CÁCH CÔNG TÁC LÀM QUY HOẠCH

Sau đây là từng vấn đề:

1- CẦN XÓA BỎ KHÁI NIỆM ĐẤT NÔNG NGHIỆP VỚI TƯ CÁCH LÀ LOẠI ĐẤT KHÔNG ĐƯỢC LÀM GÌ KHÁC:

KHÁI NIỆM ĐẤT NÔNG NGHIỆP LÀ QUAN ĐIỂM SAI LẦM CỦA MỘT THỜI KỲ, KÉO DÀI ĐẾN TẬN HÔM NAY, GÂY KỀM HÃM SỰ PHÁT TRIỂN CỦA ĐẤT NƯỚC, GÂY KHỐN KHÓ CHO NGƯỜI DÂN.

THỰC TRẠNG :

Đất nông nghiệp hiện chiếm 75% diện tích đất của cả nước. Nhưng tình trạng người dân bỏ hoang đất nông nghiệp nay đã là rất phổ biến. Số lượng người khai thác đất nông nghiệp theo kiểu nuôi trồng để làm kinh tế, thật sự không nhiều, và phải rất chuyên sâu mới có lãi. Đa phần đất nông nghiệp chỉ để trồng vài bụi chuối, vài cây mít chẳng bõ bèn gì. Mà 75% lãnh thổ Việt Nam bị quy hoạch là nông nghiệp là cực kì phí phạm. Tội nghiệp nhiều người có miếng đất nhỏ mà không thể làm gì sinh lợi nên bỏ quê ra đi.

Như vậy, người dân có đất nhưng không được khai thác hiệu quả, mà không hiệu quả thì đói, và vì vậy phải bỏ ruộng lên thành phố.

HẬU QUẢ VÀ HỆ LỤY:

- Đất bỏ hoang phí với số lượng rất lớn:

- Người dân thì đói khổ;

- Sự chênh lệnh về mật độ dân số giữa nông thôn và thành thị ngày càng gia tăng, rất nhiều vùng nông thôn chỉ còn trẻ em và người già, còn những người ở độ tuổi lao động thì lên hết thành phố tìm việc làm;

- Người dân đói khổ bỏ nông thôn ra thành thị làm cho dân số các đô thị bị tăng cơ học rất cao, dồn mọi gánh nặng về cơ sở hạ tầng kỹ thuật (đường xá, giao thông, điện, nước, …) và cơ sở hạ tầng xã hội (y tế, nhà trẻ, trường học, …) của đô thị quá tải quá mức, làm cho cuộc sống của tất cả mọi người căng thẳng, an sinh xã hội thấp kém;

- Riết rồi đất nông nghiệp giống như kẻ thù của nhân dân vậy. Làm gì cũng không được. 

NGUYÊN NHÂN:

Chỉ vì khái niệm "đất nông nghiệp không được làm gì khác", như đất trồng lúa thì không được trồng cái loại cây khác, không được trồng cây lâu năm, trồng rừng, nuôi trồng thủy sản, làm muối; (Điều 06 và Điều 57 của Luật Đất đai 2013) 

Những điểm đáng chú ý trong Luật đất đai sửa đổi 2023

Khái niệm và các quy định không những đã ngăn cản mọi điều tốt đẹp mà còn tạo nhiều hệ lụy lớn cho xã hội.

Khái niệm đất nông nghiệp “không được làm gì khác” là sự trói buộc hạn chế rất lớn đối với lợi ích của nhân dân. Chỉ vì khái niệm đất nông nghiệp “không được làm gì khác” mà nhiều người bỏ phí đất hoang đi kiếm việc làm nơi khác. Nếu họ được phép đầu tư khai thác mảnh đất của họ, đất được tăng giá trị, họ có thêm thu nhập, và không cần bỏ quê di cư về thành phố kiếm sống vất vưởng. Cả nước quy hoạch 75% đất nông nghiệp cũng giống như tự trói hết tay chân của mình. 

KIẾN NGHỊ: 

- Cần can đảm thoát ra khỏi khái niệm và quy định đất nông nghiệp “không được làm gì khác” để giúp dân.

- Cần kiên quyết gỡ bỏ cái khái niệm và quy định “đất nông nghiệp không được làm gì khác” hẹp hòi ra khỏi tư duy làm luật và tư duy quản lý.

- Đề xuất với Quốc Hội sửa Luật Đất đai lần này bỏ khái niệm và quy định “đất nông nghiệp “không được làm gi khác” đi để cởi trói cho đất nông nghiệp và giải cứu không chỉ cho người dân ở nông thôn mà còn giải quyết được vô kể vấn đề bức bối của đô thị, các thành phố lớn bị quá tải.

- Cần chuyển khái niệm đất nông nghiệp sang ĐẤT ĐA DỤNG (như trình bày dưới đây) và khuyến khích mọi người đầu tư làm tăng giá trị của đất lên.

Cụ thể:

Nên phân đất ra hai loại, ĐẤT CHUYÊN DỤNG và ĐẤT ĐA DỤNG:

1- ĐẤT CHUYÊN DỤNG là chỉ tập trung dành cho một (hoặc hai) chức năng như an ninh quốc phòng, chuyên canh loại đặc sản nông nghiệp có kỹ thuật cao, bảo tồn trồng rừng cây cho đời sống hoang dã, khu công nghiệp kỹ thuật cao. Số đất quy hoạch cho chức năng chuyên dụng này không nhiều, nhưng quý, cần bảo vệ kỹ.

2 - LOẠI ĐẤT ĐA DỤNG thì cho phép người sử dụng được khai thác tối đa lợi thế của ĐẤT để nâng cao giá trị của đất, ai càng có nhiều sáng kiến thì càng khuyến khích và được hỗ trợ.

- CỞI TRÓI CHO ĐẤT NÔNG NGHIỆP BẰNG CÁCH CHUYỂN SANG ĐẤT ĐA DỤNG VÀ KHUYẾN KHÍCH MỌI NGƯỜI ĐẦU TƯ LÀM TĂNG GIÁ TRỊ CỦA ĐẤT LÊN.

- Và rồi cũng cần phân biệt ra ĐẤT CHUYÊN CANH CÂY LƯƠNG THỰC với SỰ ĐẦU TƯ KỸ THUẬT VỐN LIẾNG, CÔNG SỨC để có thể sản xuất cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, cũng như bảo đảm an ninh lương thực.

- Đất xây dựng nhà ở cũng nới lỏng để mọi người dễ có mái nhà trú ngụ. Có khu xây theo kiểu đô thị đẹp và bền vững (có đền bù nếu giải tỏa). Có khu cho phép xây nhà ít bền vững, không đền bù khi giải tỏa).

- Thực tế tỷ lệ đất nông nghiệp hiện nay lớn quá, nghĩa là số lượng đất đang bị trói rất lớn, làm tê liệt tiềm lực quốc gia. 

- Lý do vì bảo đảm AN NINH LƯƠNG THỰC cũng cần có con số chính xác vì thực trạng hiện nay người nông dân bỏ đất trống rất nhiều, tìm về khu công nghiệp làm công nhân, làm lúa thì vất vả mà không có lãi. 

- Đất để làm LƯƠNG THỰC phải là loại chuyên canh có đầu tư lớn về kỹ thuật, vốn liếng, nhân lực, liên kết thị trường và bảo đảm không bị lỗ vốn. Hiện nay dân bỏ hoang đất nông nghiệp vì trồng gì cũng lỗ. CHỈ NHỮNG CÁNH ĐỒNG CHUYÊN CANH MÊNH MÔNG MỚI GIỮ NHIỆM VỤ BẢO ĐẢM AN NINH LƯƠNG THỰC MÀ THÔI.

- Ai muốn làm gì chỉ báo để chính quyền biết và hỗ trợ cho tốt hơn. 

- Còn ngoài ra tất cả đất đều phải được sử dụng theo cách làm tăng thêm giá trị kinh tế, văn hóa, sinh thái, quốc phòng... cho khu vực.

- Ta nên đưa vào điều này:

"NHÀ NƯỚC KHUYẾN KHÍCH MỌI SÁNG KIẾN KHAI THÁC ĐẤT ĐAI THEO CÁCH LÀM TĂNG GIÁ TRỊ CỦA KHU VỰC"

(Ví dụ như ở Nhật Bản, họ sẽ cho 7000 USD cho mỗi trẻ em rời bỏ Tokyo về vùng ngoại ô hay nông thôn sinh sống. Chính sách này nhằm tháo gỡ bớt tình trạng quá tải dân số ở nội đô Tokyo. Không phải riêng Tokyo, rất nhiều thành phố khác trên thế giới đều bị người dân vùng quê đổ về tìm kiếm công ăn việc làm gây quá tải dân số.
Bây giờ muốn giải quyết tình trạng quá tải dân số ở thành phố thì biện pháp hiệu quả không phải là trả tiền, MÀ NHÀ NƯỚC PHẢI ĐƯA RA CHÍNH SÁCH GIÚP CHO NGƯỜI DÂN TẠO RA ĐƯỢC LỢI ÍCH KINH TẾ Ở VÙNG QUÊ. 

Mà muốn tạo ra lợi ích kinh tế ở vùng quê thì phải khai thác lợi thế của ĐẤT. 

 Ta phải cởi trói cho ĐẤT. 

Phải cho người dân được nhiều quyền sử dụng đất để họ mạnh dạn đầu tư tiền bạc công sức vào đất của họ. Không nên lấy lý do An Ninh Lương Thực để kềm chế quyền sử dụng đất. Đất nông nghiệp bị bỏ hoang khắp nơi chỉ vì luật chỉ cho phép trồng cây, muốn đầu tư kỹ thuật cao, nhà thủy canh (phải có nhà ở kèm theo) thì bị cấm đoán. Đất bị tê liệt vì quy hoạch gò bó hẹp hòi cứng nhắc. 

Muốn người dân yên tâm ở lại với quê thì phải cho họ nhiều quyền sử dụng đất hơn nữa.)

 

2- NÊN CHO PHÉP NGƯỜI DÂN ĐƯỢC PHÉP XÂY NHÀ Ở TRÊN ĐẤT NÔNG NGHIỆP

THỰC TRẠNG QUY ĐỊNH CỦA LUẬT:

Luật Đất đai nhiều lần sửa đổi nhưng hàng chục năm nay luôn cấm việc xây nhà trên đất nông nghiệp một cách cực đoan (Điều 06 và Điều 12 Luật Đất đai 2013). Theo đó Đất nông nghiệp không được xây dựng. Muốn xây dựng phải xin chuyển đổi mục đích sử dụng, rất tốn thời gian và tiền phí chuyển mục đích. Đa phần người dân nghèo không đủ tiền đóng chuyển mục đích sử dụng, và cũng bức thiết phải có mái nhà cho con cái ăn ở học hành đàng hoàng chút. Họ biết không được phép xây dựng trên đất nông nghiệp, nhưng họ đã cùng đường. Tất cả nhu cầu của người dân đều chính đáng, nhưng cái khái niệm "đất nông nghiệp không được làm gì khác" đã ngăn cản mọi điều tốt đẹp.

HẬU QUẢ VÀ HỆ LỤY:

-  Rất nhiều người dân thiếu nhà ở;

-  Có nhà ở nhưng ở quá xa đất nên cuộc sống rất vất vả;

-  Đây cũng là một nguyên nhân nhiều người dân bỏ hoang đất đai lên thành phố kiếm sống tạo áp lực lên cơ sở hạ tầng yếu kém của các thành phố; làm nhu cầu nhà ở ở thành phố luôn tăng theo cấp số nhân, cung không đủ cầu (chuyện các doanh nghiệp bất động chỉ đầu tư vào nhà giá cao mà không mặn mà gì với phân khúc nhà ở giá rẻ cũng là một nguyên nhân lớn làm giá nhà cao nhưng sẽ bàn sau), làm cho nhà cao, rất ít người dân có nhu cầu thực mà mua được nhà. Đa số người dân đi làm cả đời cũng không mua nổi một căn nhà ở thành phố, bởi vì giá nhà như bóng ma, mất đến cả chục năm mới giành dụm được một số tiền để mua nhà, nhưng khi đến thời điểm 10 năm thì giá nhà đã tăng gấp đôi, và cứ mãi đuổi hình bắt bóng như vậy cho đến hết đời. Nói cách khác quy định này trực tiếp làm nhiều người dân ở nông thôn thiếu nhà ở và cũng rất tai hại là gián tiếp làm cho rất nhiều người dân ở đô thị không có nhà ở.

KIẾN NGHỊ: 

- Chấm dứt việc kềm hãm giá trị đất ở một chỗ theo quy hoạch đã lỗi thời, mỗi ngày thời đại thay đổi phát triển thì phải linh động đưa giá trị đất lên theo bằng sự khai thác khôn ngoan.

- Đề xuất với Quốc Hội bỏ quy định cấm làm nhà trên đất nông nghiệp. Cho dù là còn để khái niệm đất nông nghiệp hay không thì vẫn đặt ra quy định mới là cho phép người sử dụng đất được phép xây nhà trên đó, có thể cân nhắc việc đặt ra giới hạn tối đa diện tích đất được xây nhà trên đó.

(Ra một quy định chỉ tốn vài dòng chữ, nhưng thực hiện quy định đó là mồ hôi nước mắt của bao nhiêu người. Ví dụ quy định rằng muốn cất nhà trên đất nông nghiệp phải xin đất thổ cư. Mà chính quyền muốn cấp đất thổ cư thì phải thông qua Hội đồng nhân dân cho chỉ tiêu. Nhiêu đó thôi là mất bao nhiêu công sức và thời gian, khiến con người và xã hội mất bao nhiêu cơ hội của cuộc sống. Người đưa ra quy định thì thấy khỏe khoắn nhẹ nhàng đơn giản, nhưng những ai bị áp đặt bởi quy định đó thì cực khổ vô cùng. Đã đến lúc phải thay đổi tư duy của người lập ra quy định, và cũng cần phải quy trách nhiệm kỷ luật nếu quy định bị chứng tỏ là gây thiệt hại quyền lợi cho nhân dân và cộng đồng xã hội. Bởi vì một quy định sai thì không chỉ một ly đi một dặm mà một ly đi ngàn dặm.)

3- VẤN ĐỀ LÀM QUY HOẠCH:

THỰC TRẠNG VÀ NGUYÊN NHÂN:

- Việc quy hoạch lâu nay rất tùy tiện, không khoa học, chủ quan, tính toán sai quá nhiều, cứng nhắc, quy hoạch treo và lợi ích nhóm thao túng, hoành hành.

- Người làm quy hoạch có quyền lực của một thượng đế vì ngồi trên chín tầng mây mà áp đặt ý chí của mình lên đất đai, lên thân phận của biết bao nhiêu con người ở cõi phàm trần này. Như: Đất này nông nghiệp cấm làm gì khác. Đất này thổ cư phải đóng tiền để được xây dựng. Đất này công nghiệp (100 năm sau chưa ai rờ tới)...

- Vậy mà sau đó ta phải tuân thủ quy hoạch tuyệt đối thành ra cứng nhắc, thiếu thực tế.

HẬU QUẢ VÀ HỆ LỤY:

- Làm tổn hại lợi ích của nhân dân, và làm giảm giá trị kinh tế của khu vực.

- Tỉ lệ đất nông nghiệp (loại đất cấm xây dựng và cấm làm việc gì khác) của nước ta bị quy hoạch quá nhiều, làm trói buộc mọi sự phát triển. Không ai có thể đầu tư trí tuệ, tiền bạc, công sức vào đất nông nghiệp vì bị cấm đủ thứ, mà muốn xin phép thì cực kì khó khăn và thường bị từ chối.

-  Đất nông nghiệp bị bỏ hoang khắp nơi vì canh tác không có lãi, nông dân tìm về thành phố lao động kiếm sống. 

(ví dụ, một mảnh đất của một người dân, theo quy định và quy hoạch thì chỉ được để đó trồng dăm ba bụi chuối chẳng có giá trị kinh tế gì. Nhưng nếu người đó có thể sử dụng mảnh đất theo nhiều cách đa dạng hơn thì giá trị mảnh đất đó sẽ tăng lên, giá trị kinh tế của gia đình họ tăng theo, và giá trị kinh tế của cả khu vực đều tăng theo. Nhưng theo quy định và quy hoạch thì không được. Người dân bị người ta quy hoạch và áp đặt ý chí chủ quan duy ý chí lên mảnh đất của họ, khiến họ không bị bó buộc không phát huy được giá trị của đất, khiến cho giá trị của đất bị tụt giảm thê thảm. Hoặc ví dụ khác: theo khái niệm quy hoạch, mỗi khu vực chỉ được sử dụng đất theo ý chí của ai ở cấp trên cao, người dân muốn xây nhà trên đất nông nghiệp phải nộp tiền mua đất thổ cư, muốn xây nhà phải xin phép mà rất khó và rất lâu và rất tốn kém mới có giấy phép).

- Quy hoạch đất nông nghiệp (cũng lại tại vì quy định đất nông nghiệp không được làm gì khác) quá lớn, dân bỏ đất hoang vì làm nông nghiệp không hiệu quả, bỏ lên thành phố vất vả kiếm sống; 

- Các hệ lụy áp lực lên các đô thị như đã nêu trên (nhiều người dân bỏ hoang đất đai lên thành phố kiếm sống tạo áp lực lên cơ sở hạ tầng yếu kém của các thành phố;

- Lợi ích nhóm bóp méo quy hoạch;

KIẾN NGHỊ:

Ta cần một cuộc cải cách lớn về quy hoạch và Luật đất đai để cởi trói cho đất, cởi trói cho đời sống kinh tế văn hóa của nhân dân. 

Việc cải cách vấn đề quy hoạch cũng gắn chặt với việc quy định và phân loại các loại đất trong Luật và gắn chặt với việc nới rộng cho người dân nhiều quyền linh hoạt hơn đối với đất, như: 

- Việc sử quy hoạch và dụng đất phải thực tế theo tình hình của địa phương, của mỗi cá nhân, của mỗi gia đình, và hoàn toàn có thể linh hoạt thay đổi theo hoàn cảnh mới, theo nhu cầu mới. 

- Sự áp đặt quy hoạch tổng thể quốc gia phải rất nhẹ nhàng khéo léo ở một số lĩnh vực tối quan trọng (nhất là an ninh quốc phòng) chứ không áp đặt tuyệt đối duy ý chí như xưa nữa.

- Cởi trói cho đất và tạo điều kiện cho người dân sử dụng đất một cách đa dạng, linh hoạt, hiệu quả, chứ không bị ý chí của sự quy hoạch khống chế. 

- Ai cũng có thể đầu tư trí tuệ, công sức, tiền bạc lên mảnh đất của mình để giúp nó tăng thêm giá trị kinh tế, văn hóa, an ninh quốc phòng, đời sống, giáo dục, sức khỏe cho gia đình và cho cộng đồng. 

- Chính quyền có nhiệm vụ hỗ trợ chứ không phải có nhiệm vụ cấm đoán. Khi người dân dễ xây dựng thì đất cũng bớt sốt ảo, ai cũng có thể có được mái nhà để ở.

- Nên phân đất ra hai loại: ĐẤT CHUYÊN DỤNG và ĐẤT ĐA DỤNG: như đã nêu ở Phần I.

Trân trọng, 

(Theo An Tâm)

Hoài Hồ

Công phu quá. Cảm ơn bạn đã đóng góp

Vũ Đạt

Vấn đề là nếu cho phép đất nông nghiệp đa dụng thì có thể dẫn đến nguy cơ xung đột lợi ích giữa các ngành nghề khác nhau. Ví dụ như người nuôi tôm ở cạnh người trồng lúa thì sẽ xảy ra mâu thuẫn, xung đột về nguồn nước. Tư duy về đất đa dụng nghe có vẻ thoáng nhưng lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ nếu nhìn ở góc độ phản biện. Ngoài ra, không thể hợp thức hóa việc xây nhà trên đất nông nghiệp vì sẽ đi ngược lại quy hoạch sử dụng đất. Còn nhiều vấn đề nữa mình không tiện phân tích...

An Tâm

Vũ Đạt luôn có cách để giải quyết.  Vấn đề như bác nói cũng có lý nhưng không phải khu vực nào cũng vừa nuôi trồng thủy sản cạnh cấy lúa để xung đột nhau cả . Nếu để đa dụng đc phép xây nhà thì chỉ thất thu mấy a làm dự án Phân lô bán nền và đầu cơ thôi

Xay Sung

Công phu soạn bài. Nhưng đọc thấy cho xây dựng trên đất nông nghiệp là thấy ko ổn rùi.

 

 

 

Khuyến cáo:

  • Bài viết KHÔNG PHẢI lời khuyên tư vấn tài chính - đầu tư - pháp lý chính xác 100%. Vui lòng xem qua Tuyên bố Miễn trừ trách nhiệm Nội dung của chúng tôi.

  • Bài viết có thể có thể bị trì hoãn, chưa cập nhật, bỏ sót hoặc thiếu chính xác tại thời điểm quý độc giả xem.

  • Chợ Đất cố gắng mang đến nhiều thông tin đa chiều nhất có thể từ quý độc giả và nhiều nguồn minh bạch nhất có thể.

  • Quý Anh/Chị trước khi đầu tư - mua bán - giao dịch xin cân nhắc thật kỹ.

  • Chúng tôi không chịu trách nhiệm trước mọi tình huống không mong muốn liên quan đến thông tin được đăng tải trên bài viết (nếu có).

Mọi bài viết - ý kiến đóng góp chân thành xin gửi về cho chúng tôi qua Email: chodat.com.vn0@gmail.com. Chúng tôi sẽ cập nhật và bổ sung theo quy định hiện hành của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam.

Xin cảm ơn quý Anh/Chị độc giả.

 

 

 

Được tài trợ:

Dịch vụ chạy quảng cáo Bất Động Sản: Chợ Đất

Dịch Vụ Quảng Cáo Bất Động Sản Uy Tín Hàng Đầu HomeHere.vn

 

[LIKE] Bài viết hay

 

Bài viết chưa đủ với bạn ? Hãy tìm kiếm !

 

Bình Luận

Tư vấn bất động sản khác