TẠI SAO THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH VIỆT NAM KHÓ KHĂN TRONG 3 THÁNG CUỐI NĂM ?!

Lượt xem: 1998 ||| Lượt thích: 0

 

 

 

 

TẠI SAO THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH VIỆT NAM KHÓ KHĂN TRONG 3 THÁNG CUỐI NĂM

(Bài viết chia sẻ quan điểm cá nhân của tác giả Trần Vũ - S.P.E.R)


————————————————————————
Như tuần trước đã hứa. Vũ xin chia sẻ góc nhìn của Vũ về thị trường VỐN của VN. Đây chỉ đơn thuần là cái nhìn của một Môi Giới tự do, k phải một chuyên gia kinh tế nhé. Đúng sai chúng ta cùng chia sẻ cùng nhau! Bài khá dài, Vũ chia làm 3 phần nhé.

- Cuối năm 2021 giá Bitcoin lên đến hơn 60k USD/BTC, đến đầu năm 2022 Chứng khoán đạt 1500 điểm, với giá trị giao dịch có những phiên chạm mốc 50.000 tỷ, cao nhất lịch sử Chứng khoán Việt Nam. Song song với sự bùng nổ của thị trường tài chính, thị trường BĐS cũng tăng trưởng nóng. Đi đâu cũng nghe về các cơ hội đầu tư, các khoá học làm giàu mọc ra như nấm trên MXH.

- Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2022, chỉ tiêu tín dụng  đã chạm mức 7% trong tổng số 14% của cả năm đến tháng 11 chạm mốc 11,5%. Như vậy giai từ giữa năm room tín dụng bị thắt chặt khá nhanh.

- Đến tháng 7 năm 2022, tất cả mục tiêu siết tín dụng và kiềm chế thị trường vẫn diễn ra đúng như kế hoạch của VN. Tuy nhiên, thị trường tài chính trở nên xấu đi kể từ tháng 9 năm 2022, sau vụ việc của Vạn Thịnh Phát. Vậy thì nguyên nhân là do đâu?

Theo quan sát của Vũ thì tất cả các vấn đề tài chính vĩ mô hiện tại đang nằm ở 2 yếu tố thuộc TÂM LÝ CỦA THỊ TRƯỜNG VỐN là trái phiếu và nguồn cung tiền M2. Hôm nay, chúng ta cùng tìm hiểu về vấn đề TP, vấn đề đang nhận được sự quan tâm của đông đảo Quý khách hàng, quý nhà đầu tư và được xem như 1 ĐIỂM NÓNG của toàn thị trường tại thời điểm này!

 

1/ Trái phiếu là gì ?

- Trái phiếu là một khoản phát hành của doanh nghiệp, một cam kết để thanh toán các khoản nợ, còn trái chủ cầm trái phiếu là chủ nợ (Trái chủ có thể là cá nhân, doanh nghiệp hay ngân hàng). Tóm lại, TRÁI PHIẾU vốn là một hình thức vay nợ, từ đó tạo ra một kênh huy động vốn DÀI HẠN (khác với các Tổ chức tín dụng là kênh huy động vốn ngắn hạn). Hiện tại, có 2 loại Trái phiếu là Trái Phiếu Chính Phủ và Trái Phiếu Doanh Nghiệp. Trong buổi chia sẻ này, chúng tôi xin được đề cập tới loại hình Trái Phiếu Doanh Nghiệp.

2/Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam trong thị trường vốn như thế nào?

- Quy mô thị trường vốn Việt Nam hiện tại chiếm khoảng 138% tổng GDP và mục tiêu hướng tới của VN năm 2030 là 175% GDP.

- Riêng thị trường trái phiếu doanh nghiệp tương đương với 15,1% GDP và 10,3% dư nợ tín dụng. Điều này cho thấy kênh huy động vốn qua trái phiếu đã đóng vai trò quan trọng trong việc khai thông nguồn vốn cho sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam. Các trái phiếu được phát hành theo nhóm ngành thì chủ yếu là tổ chức tín dụng và bất động sản.

-Trong năm 2021, ngành bất động sản chiếm 37%, tổ chức tín dụng chiếm 32%. Trong 10 tháng năm 2022, doanh nghiệp Việt Nam đã phát hành 234.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, trong đó 9.600 tỷ đồng được phát hành qua kênh đại chúng. Cơ cấu ngành có sự thay đổi lớn khi tổ chức tín dụng chiếm 56%, bất động sản chiếm 21%, còn lại các ngành khác là xây dựng và thương mại dịch vụ, sản xuất…

 

3/Tầm quan trọng của trái phiếu :

- Trái phiếu doanh nghiệp là 1 kênh dẫn vốn quan trọng trong các nền kinh tế phát triển. Trong 5 năm trở lại đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 46%/năm. Tính đến cuối năm 2021, thị trường có gần 1,2 triệu tỷ đồng được doanh nghiệp huy động qua thị trường trái phiếu, chiếm khoảng 12% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế ,vào khoảng 15% GDP sau điều chỉnh. Đây là một số liệu cực kỳ quan trọng.

Hiện tại các tổ chức tín dụng chiếm khoảng gần 90% thị trường vốn. nhưng lưu ý đối với các ngân hàng thì đa phần sử dụng huy động vốn ngắn hạn nhưng cho vay dài hạn.

Theo thông tư 80 thì chỉ được sử dụng từ 36% đến 40% trên tổng vốn huy động để cho vay dài hạn. Trong khi đó, thị trường trái phiếu với thời hạn thanh khoản lâu hơn từ 3 đến 5 năm, sẽ giảm áp lực lên thị trường vốn khi thị trường tín dụng bị thắt chặt, từ đó giúp thị trường vốn phát triển cân bằng hơn (3 tháng cuối năm 2022 khi thị trường trái phiếu vỡ niềm tin rơi vào khủng hoảng) thì các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động vì thiếu vốn).

 


THỊ TRƯỜNG VỐN VIỆT NAM (Kỳ 2)
 

4/ Các rủi ro và phương thức phát hành trái phiếu

- Trái phiếu doanh nghiệp là một loại sản phẩm chứng khoán xác nhận nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi của Doanh nghiệp đối với nhà đầu tư sở hữu trái phiếu. Theo đó, Nhà đầu tư trái phiếu sẽ được hưởng lãi suất và được Doanh nghiệp trả lãi, gốc khi trái phiếu đến hạn. Thông lệ quốc tế và pháp luật của Việt Nam đều quy định trái phiếu do Doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm.

- Từ năm 2021, có 2 phương thức phát hành trái phiếu được phân biệt cụ thể:

- Trái phiếu phát hành ra công chúng được chào bán cho mọi nhà đầu tư và chỉ được chào bán sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép

- Trái phiếu phát hành riêng lẻ chỉ được chào bán và giao dịch giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, là các nhà đầu tư có kiến thức, kinh nghiệm và tài sản để đầu tư vào sản phảm có rủi ro cao hơn trái phiếu phát hành ra công chúng.

ĐẶC BIỆT LƯU Ý:

- Có 1 thực trạng là, nhiều nhà đầu tư cá nhân cảm thấy rất yên tâm khi họ đã mua lại trái phiếu của ngân hàng mà không biết rằng, ngân hàng đã không thẩm định chặt như các kênh mà ngân hàng đóng vai trò là trái chủ. Rõ ràng với trái phiếu phát hành riêng lẻ, phương án không được kiểm soát chặt chẽ, không thẩm định nghiêm ngặt, giá trị bảo đảm không cao, bất cứ lúc nào cũng có khả năng sử dụng vốn sai mục đích, dẫn đến hệ luỵ là công ty phát hành không hoàn được tiền về cho trái chủ gây ra nguy cơ vỡ nợ trái phiếu. Chỉ có điều, nguy cơ vỡ nợ đó hiển hiện với khối nào và có tác động ra sao, nhưng dù rơi vào đâu thì cũng đều ảnh hưởng rất xấu đến thị trường tài chính nói chung.

- Sự phát triển của trái phiếu doanh nghiệp cũng đã xuất hiện một số tồn tại như: Có doanh nghiệp phát hành khối lượng lớn, lãi suất cao trong khi tình hình tài chính hạn chế; một số tổ chức cung cấp dịch vụ không bảo đảm chất lượng dịch vụ, một số nhà đầu tư cá nhân chỉ quan tâm đến lãi suất, không đánh giá đầy đủ đặc điểm, bản chất của trái phiếu doanh nghiệp, một bộ phận nhà đầu tư cố tình vi phạm để trục lợi.

 

5/ Tỉ trọng thị trường vốn trái phiếu trong thị trường vốn của Việt Nam so với các nước khác :

- Với con số tổng quy mô thị trường vốn của Việt Nam là 138%, nhiều người cho rằng đó là một con số lớn nhưng so với các nước trên thế giới rất là khiêm tốn. Ví dụ: Mỹ đạt 244%, Nhật bản đạt 209%.

- Trong 5 năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân 46%/năm. Tính đến cuối năm 2021, thị trường đã có gần 1,2 triệu tỷ đồng được doanh nghiệp huy động qua thị trường trái phiếu, chiếm khoảng 12% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế vào khoảng 15% GDP sau điều chỉnh.

- Mặc dù có tốc độ tăng trưởng bình quân tới 46%/năm, nhưng quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam chỉ chiếm khoảng 15% GDP, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực như Malaysia (56% GDP), Singapore (38% GDP), Thailand (25% GDP). Có thể thấy rằng quy mô thị trường vốn và thị trường trái phiếu Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển đồng hời thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Việt Nam sẽ hướng tới một thị trường vốn minh bạch và phân bổ cân bằng để đảm bảo cho kinh tế vĩ mô phát triển ổn định. Giảm thiểu rủi ro hệ thống , đặc biệt nhất là các rủi ro bên ngoài (đây là một chủ đề lớn, Vũ sẽ chia sẻ trong 01 dịp khác)


 

THỊ TRƯỜNG VỐN VIỆT NAM KỲ CUỐI

6/ Chuyện gì đang xảy ra với thị trường Trái phiếu Việt Nam, ảnh hưởng của thị trường trái phiếu đến thị trường tài chính VN năm 2022?

- Sau khi 1 loạt doanh nghiệp và các cá nhân liên quan bị khởi tố do đã lợi dụng việc huy động vốn bằng trái phiếu để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, trục lợi, chiếm dụng vốn của các nhà đầu tư như vụ việc Công ty Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát ….khiến niềm tin vào Trái Phiếu của NĐT đổ vỡ. 

- Trong cơn hoảng loạn, nhiều NĐT đã báo tháo trái phiếu của mình hoặc có những NĐT thì đi đòi DN trả tiền trước hạn. Các DN làm ăn nghiêm túc bị ảnh hưởng theo rất nhiều khi cả Xã Hội đang có xu hướng ĐÁNH ĐỒNG Trái phiếu là xấu. Ảnh hưởng TÂM LÝ này được phản ánh rõ ràng trên thị trường Trái phiếu trong những tháng cuối năm 2022.

- Về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp 10 tháng qua, khối lượng phát hành đạt 328.900 tỉ đồng, giảm hơn 25% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành có xu hướng giảm dần như Quý 1 đạt 134.800 tỉ đồng, Quý 2 đạt 122.400 tỉ đồng, sang đến Quý 3 còn 65.900 tỉ đồng và tháng 10/2022 là 5.800 tỉ đồng. Doanh nghiệp lúc này thực sự thiếu vốn trầm trọng, các tổ chức tín dụng cũng thiếu hụt vốn rất nhiều, phải huy động liên tục trên thị trường tín dụng với lãi suất cao (đây là lý do chính của việc tăng lãi suất trong thời gian qua).

- Do lo ngại lạm phát tăng cao cũng như giảm sức ép của đồng USD, Ngân Hàng Nhà Nước đã hút nguồn tiền ngoài thị trường về và tăng lãi suất điều hành, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang gặp khó khăn khi khối lượng phát hành mới sụt giảm, số lượng nhà đầu tư bán lại những lô trái phiếu trước hạn tăng cao (nợ chồng nợ), đặc biệt là làm mất niềm tin của các nhà đầu tư với thị trường trái phiếu khiến cho các doanh nghiệp giảm sút sự tiếp cận nguồn vốn.

Ps: Hiện tại các doanh nghiệp đang chịu áp lực rất lớn khi phải thanh toán rất nhiều trái phiếu trước hạn khi những dự án mà doanh nghiệp đang thực hiện không kịp nguồn thu để thanh toán cho NĐT. Ví dụ đơn giản là khoản vay có thời hạn 5 năm để kinh doanh mà mới được 2 năm người ta đã đòi nợ thì lấy đâu nguồn để trả, tiền vay đó được quy đổi thành hàng hoá, tư liệu sản xuất và các hợp đồng hết rồi.

Nếu xem thị trường vốn là máu của Doanh nghiệp thì thị trường VN đang yên lành tự nhiên bay mất 1/10 lượng máu. Không ngắc ngoải mới là lạ!

 

7/ Hướng giải quyết của (có thể diễn ra) trong thời gian tới, mục tiêu thị trường tài chính và thông tư 80 trong việc sử dụng tỉ trọng vốn vay ngắn hạn cho vay trung dài hạn (cái này là quan điểm cá nhân của Vũ)

- Ngày 16/9/2022, Chính Phủ đã ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP, bổ sung các quy định để sàng lọc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, hạn chế việc các nhà đầu tư nhỏ lẻ không có năng lực để tham gia thị trường, đây cũng chính là các quy định để hạn chế các nhà đầu tư cá nhân tiếp cận những rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp khi không có khả năng phân tích, đánh giá và cũng là các quy định bảo vệ các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ.

Riêng đối với Doanh Nghiệp đã phát hành Trái Phiếu thì hiện tại có 3 giải pháp ổn định niềm tin cho thị trường này:

- Một là, doanh nghiệp nên liệt kê xem tài sản còn lại những gì. Đối với doanh nghiệp đang kinh doanh tốt nhưng trái chủ yêu cầu mua lại thì có thể dùng nguồn tiền mặt để mua lại, giúp giảm bớt áp lực. Nếu không đủ tiền, doanh nghiệp có thể đi vay thêm hoặc thế chấp một phần trái phiếu với lãi suất cao hơn để vay tiền mua lại phần còn lại (quy đổi Trái Phiếu sang nhà chẳng hạn). Tuy nhiên đây k phải là giải pháp tốt vì tạo thành tiền lệ xấu cho nền tài chính vì chính DN hay Cá nhân cho vay đều phải TUÂN THỦ ĐÚNG HỢP ĐỒNG

Tốt nhất, với tình hình kinh doanh ổn định, doanh nghiệp nên thương lượng trực tiếp với trái chủ để họ chờ đến hạn. Trường hợp trái chủ nhất quyết yêu cầu mua lại, doanh nghiệp có thể thương lượng để trái chủ chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu. K nên mua lại

- Hai là, với những doanh nghiệp có tài chính không đủ mạnh hoặc kinh doanh kém khả quan, yêu cầu mua lại trái phiếu thực sự là áp lực không nhỏ. Vì vậy, doanh nghiệp cần chuẩn bị một kế hoạch tái cấu trúc rõ ràng để thương lượng với trái chủ. Nếu không được, doanh nghiệp buộc phải bán các tài sản mình đang có để thanh toán với các trái chủ. 

- Ba là, doanh nghiệp cần tính đến phương án tham gia thị trường mua bán nợ. Tuy nhiên, các công cụ mua bán nợ tại thị trường Việt Nam hiện vẫn chưa phổ biến. Đồng thời, nếu có một thị trường trái phiếu thứ cấp hoạt động bài bản, thì các trái chủ khi cần bán lại sẽ giao dịch trực tiếp trên thị trường này, giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp.

Thực tế, trái phiếu là kênh dẫn vốn cần thiết cho doanh nghiệp và cả chính phủ để phát triển nền kinh tế, cũng là kênh đầu tư có hiệu quả cao hơn tiền gửi tiết kiệm, lợi nhuận từ trái phiếu được cố định trước và thường thấp hơn đầu tư cổ phiếu. Xác suất rủi ro của đầu tư trái phiếu vì thế cũng thấp hơn đầu tư cổ phiếu. Để giảm thiểu rủi ro, các nhà đầu tư nên lựa chọn trái phiếu chính phủ, trái phiếu của các ngân hàng, định chế tài chính, các công ty niêm yết, các doanh nghiệp lớn, có uy tín, công khai minh bạch thông tin. Nhà đầu tư cũng nên tìm hiểu thông qua các tổ chức tư vấn chuyên nghiệp các thông tin về mức độ tín nhiệm của tổ chức phát hành.

 

8/ Hiện nay trên mạng xã hội có rất nhiều ý kiến tiêu cực về thị trường tài chính nói chung hay thị trường BĐS nói riêng.

- VD: BĐS giảm 60%, BĐS giá ảo, lạm phát có thể lên đến 10%, thị trường sập đến năm 2030 v.v….nhưng dường như những ý kiến này rất phiến diện, thiếu căn cứ, lập luận cũng như thông tin thiếu chính xác về việc ổn định thị trường trong thời gian sắp tới. Thực sự với những kiểu phát ngôn thiếu trách nhiệm như vậy thì chúng tôi cho rằng nó không đủ cơ sở để đưa đến 1 quyết định về mua bán hay đầu tư. Sự hoảng loạn của đám đông đôi khi sẽ dẫn tới những hệ luỵ khôn lường.
 
- Đối với những NĐT khi tiếp cận quá nhiều thông tin tiêu cực 1 CÁCH VÔ CĂN CỨ, sẽ ảnh hưởng đến trực giác của chính họ. Nhiều người cho rằng, tại thời điểm này, TIỀN MẶT LÀ VUA nhưng Vua phải ở trên ngai của nó – đấy chính là sự Luân Chuyển của dòng tiền. Hãy quan sát, phân tích để tìm kiếm những cơ hội cho riêng mình. Đừng để sự sợ hãi đánh lừa để rồi đánh mất cơ hội của bản thân. Bản chất của đầu tư là MUA SỰ SỢ HÃI VÀ BÁN KỲ VỌNG.
 
- Một vài tín hiệu mọi người có thể tìm hiểu để từ đó phân tích và tìm kiếm thời điểm cũng như cơ hội đầu tư của bản thân trong thời gian tới (có thể là cổ phiếu, Trái phiếu hay BĐS…), quý vị thấy cái gì phù hợp với kiến thức, kỹ năng và khả năng quản trị tài chính của bản thân thì đầu tư. Một số thông tin mà chúng tôi chia sẻ sau đây hi vọng sẽ là nguồn tham khảo hữu ích cho Quý khách hàng & nhà đầu tư.
 

 

- FED giảm tốc độ tăng lãi suất 2 quý liên tiếp;

- Lãi suất huy động giảm

- Nguồn cung M2 tăng 4 tháng liên tiếp

- USD có xu hướng giảm giá;

- Giải ngân đầu tư công;

- Tăng lương cơ bản;

- Lạm phát giảm 2 quý liên tiếp;

- Giải quyết vấn đề về Trái Phiếu;

 

 

Hy vọng những thông tin trên Hữu ích cho các quyết định của mọi người 

 

(Chia sẻ từ Trần Vũ - Nguyễn Viết Huy. Thành viên team S.P.E.R Đà Nẵng)

 

Bridget Nguyen

“Tiền là vua, nhưng vua phải ở trên ngai của nó”
Hay quá anh ạ!

 

 

 

Khuyến cáo:

  • Bài viết KHÔNG PHẢI lời khuyên tư vấn tài chính - đầu tư - pháp lý chính xác 100%. Vui lòng xem qua Tuyên bố Miễn trừ trách nhiệm Nội dung của chúng tôi.

  • Bài viết có thể có thể bị trì hoãn, chưa cập nhật, bỏ sót hoặc thiếu chính xác tại thời điểm quý độc giả xem.

  • Chợ Đất cố gắng mang đến nhiều thông tin đa chiều nhất có thể từ quý độc giả và nhiều nguồn minh bạch nhất có thể.

  • Quý Anh/Chị trước khi đầu tư - mua bán - giao dịch xin cân nhắc thật kỹ.

  • Chúng tôi không chịu trách nhiệm trước mọi tình huống không mong muốn liên quan đến thông tin được đăng tải trên bài viết (nếu có).

Mọi bài viết - ý kiến đóng góp chân thành xin gửi về cho chúng tôi qua Email: chodat.com.vn0@gmail.com. Chúng tôi sẽ cập nhật và bổ sung theo quy định hiện hành của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam.

Xin cảm ơn quý Anh/Chị độc giả.

 

 

 

Được tài trợ:

Dịch vụ chạy quảng cáo Bất Động Sản: Chợ Đất

Dịch Vụ Quảng Cáo Bất Động Sản Uy Tín Hàng Đầu HomeHere.vn

 

[LIKE] Bài viết hay

 

Bài viết chưa đủ với bạn ? Hãy tìm kiếm !

 

Bình Luận