Lãi suất cao nền kinh tế Bất động sản khó khăn là do đâu ?
(Bài viết chia sẻ quan điểm cá nhân của tác giả Thái Hoà)
LÃI SUẤT CAO, NỀN KINH TẾ, BĐS KHÓ KHĂN LÀ DO ĐÂU?
Một trong những vấn đề nổi cộm của kinh tế gần đây là vấn đề lãi suất ngân hàng quá cao, dẫn tới toàn bộ nền kinh tế, trong đó có cả BĐS gặp khó khăn. Thị trường CK cũng rất ảm đạm, VNindex giảm hơn 50% trong 2022. Mặc dù các cơ quan chức năng đã và đang nỗ lực để giảm lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế nhưng lãi suất vẫn đang ở mức khá cao, cao hơn 2% so với đầu 2022.
Ngân hàng Nhà nước viện ra nhiều lý do dẫn tới lãi suất cao: giữ lạm phát, ổn định kinh tế, nhưng một lý do rất quan trọng không bao giờ thấy NHNN nhắc tới là các ngân hàng hưởng lợi rất nhiều trong hoàn cảnh khó khăn này. 2022 là một năm cực thịnh với các ngân hàng thương mại với mức lãi tăng trưởng mạnh so với 2021: BIDV lãi tăng 70%, PGBank 57%, LVB 56%, SHB 55%, VPB 48%, ACB 43%, VCB 36%... Nhìn tổng thể, lợi nhuận ngành ngân hàng tăng trường 34% so với 2021.
Xét về con số tuyệt đối, tổng lợi nhuận của ngành ngân hàng tăng 60 nghìn tỷ so với 2021, trong đó VCB 10 nghìn tỷ, BIDV 9500 tỷ, MB 6200 tỷ, VPB 7000 tỷ, ACB 6000 tỷ, Agri 5500 tỷ, Vietinbank 3500 tỷ... Con số tăng lãi 60K tỷ của các ngân hàng trong 2022 bằng 4% mức tăng tín dụng 2022 (1.5 triệu tỷ).
Vậy nếu các ngân hàng không lãi khủng như vậy, con số 60K tỷ thừa đủ để giảm lãi suất 2% cho toàn bộ vốn phát vay trong 2022, thừa đủ để không bắt ép người vay phải mua phần bảo hiểm.
Tất nhiên, các ngân hàng thương mại luôn có mục tiêu lớn nhất là lợi nhuận, nhưng quản lý, điều hành vĩ mô của nhà nước như thế nào để các NH lãi khủng như vậy, trong khi nền kinh tế khó khăn vì lãi suất cao ngất ngưởng?
Vậy lý do làm sao mà các ngân hàng lãi lớn trong 2022? Đó là cơ chế điều hành cũ rích, không phù hợp, phi kinh tế thị trường của NHNN, đặc biệt là cơ chế room tín dụng. Trong khi các nước khác trên thế giới điều hành tính dụng bằng lãi suất điều hành, bằng tỷ lệ dự trữ (LDR), bằng bơm rút vốn qua kênh thị trường mở (OMO) thì VN có lẽ là nước còn lại duy nhất trên thế giới còn điều hành bằng room tín dụng không giống ai.
Việc ấn định mức tăng trưởng tín dụng dẫn tới tiền tệ không còn vận hành theo kinh tế thị trường nữa, mà việc cho vay giống như hàng phân phối thời bao cấp. Các ngân hàng tha hồ nâng cao lãi suất, ép người mua phải mua bảo hiểm 2-3% thì mới giải ngân. Điều này giải thích mức lãi khủng của các NH trong năm qua. Thay vì các ngân hàng phải cạnh tranh theo cơ chế thị trường, hạ chi phí, giảm lãi suất, dịch vụ tốt hơn, thì việc quan trọng nhất để sinh lời là làm sao để NHNN cấp cho nhiều room tín dụng là đảm bảo thắng lợi rồi. Với tổng mức lợi nhuận của từng ngân hàng lên tới hàng chục nghìn tỷ, chỉ cần room tín dụng của mỗi ngân hàng tăng/giảm 1-2% (so với mức bình quân 14.5%) là lợi nhuận có thể tăng/giảm vài nghìn tỷ. Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam là người có quyết định cuối cùng trong việc giao chỉ tiêu tín dụng, làm thế nào để được nhiều chỉ tiêu hơn, có lẽ chúng ta ai cũng biết chuyện gì có thể xảy ra mà không thể nói ra công khai được. Một cơ chế điều hành lỗi thời, phi kinh tế thị trường, quyền lực tập trung quá nhiều vào một (hoặc một số) người, dẫn tới bức tranh kinh tế méo mó, toàn bộ nền kinh tế khó khăn trong khi các NH lãi lớn, lợi ích nhóm...
Lãi suất cao dẫn tới khó nền kinh tế rất khó khăn. Trong khi các nước xung quanh (Thailand, Malaysia, Indonesia..) lãi suất cho vay chỉ 5-8%, VN lãi suất tới 12%, chưa kể bảo hiểm thì các doanh nghiệp VN cạnh tranh sao nổi. Hiện rất nhiều doanh nghiệp không dám đi vay để sản xuất kinh doanh vì lãi cao quá, nhiều doanh nghiệp chật vật gồng lãi, cố gắng sống sót qua ngày, thậm chí phải cắt giảm nhân công, nhiều người thất nghiệp thì các NH, các ông chủ NH lãi lớn, hỉ hả..
Thủ tướng PM Chính 12/12/2022 yêu cầu các ngân hàng cắt giảm chi phí để hạ lãi suất. Ngày 17/2 tại hội nghị gỡ khó cho ngành BĐS, thủ tướng một lần nữa nhắc lại vấn đề này. Nói vậy làm khó ngành ngân hàng quá xá. Làm ơn, các ông chủ ngân hàng chỉ cần bớt giầu đi là được, khỏi cần cắt giảm chi phí làm chi là lãi suất có thể giảm 2-3% rồi, toàn bộ người dân, nền kinh tế sẽ cảm ơn rất nhiều...
(Theo Thái Hoà)
Trung Viet
Bài viết đúng ý. Tất cả các ngành nghề, có lẽ NH là ngành duy nhất đc nhà nước bảo hộ (vì đã cứu nhiều lần). Khó khăn của các doanh nghiệp bds có sự tiếp tay của NH. Nên thanh tra hoạt động của vài NH để làm gương.
Eric Nguyen
Ls NH chỉ nên = ls tiết kiệm + 3%
Hồ Minh Tâm
Room tín dụng là phòng tín dụng, anh nào muốn có room thì vào phòng, khách hàng nào muốn vay thì vào phòng đàm phán.
Vo Thuong Dennis
Hầu hết các chi phí ở Việt Nam (năng lượng, logistics,…) đều cao hơn các nước cạnh tranh xuất khẩu như Mã hay Thái. Giờ với lãi suất cao bonus thêm cái bảo hiểm thì sao DN Việt cạnh tranh lại. Từ chết tới bị thương thôi
Khuyến cáo:
Mọi bài viết - ý kiến đóng góp chân thành xin gửi về cho chúng tôi qua Email: chodat.com.vn0@gmail.com. Chúng tôi sẽ cập nhật và bổ sung theo quy định hiện hành của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam. Xin cảm ơn quý Anh/Chị độc giả.
|
Được tài trợ:
Dịch vụ chạy quảng cáo Bất Động Sản: Chợ Đất
Bình Luận