Bàn về chuyện sáp nhập Quận Huyện của Hà Nội và TPHCM trong thời gian gần đây
Truyện xưa khắc nhập cây tre - Ngày nay nhập khắc
…Xưa dân gian có câu truyện kể về cây tre trăm đốt có thể nhập khắc bất kỳ lúc nào
…Nay người ta lại đang bàn về chuyện các tỉnh thành nôm na lấy 2 tiêu chí là: quy mô dân số và diện tích tự nhiên để sáp nhập trong đó đối với tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp tỉnh được phân ra hai loại, tỉnh miền núi và tỉnh không phải miền núi.
…Với mục đích: giảm các đơn vị hành chính, giảm chi ngân sách, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế...
…Hay đơn giản hơn ta hiểu nôm na từ 63 đơn vị hành chính bao gồm: 58 tỉnh và 5 thành phố trực thuộc trung ương thì khi sáp nhập 20 nơi lại sẽ còn 43 đơn vị hành chính
Câu hỏi đặt ra là:
1. Nên hay không nên nhập?
2. Nhập xong có lại tách tiếp không?
3. Lý giải tại sao
4. Nếu tách và nhập thì sẽ trong hoàn cảnh nào và thời điểm ra sao?
...Vì vừa mới tợp ít rau muống luộc chấm mắm ớt, vài quả cà pháo nhúng mắm tôm, dăm ba hạt lạc rang, … tự dưng kẻ bần hàn, dốt đặc như gã lại có thêm dũng khí, thêm tí nếp nhăn nên đánh bạo đưa ra ý kiến thế này
…Ban đầu khi nghe tin sáp nhập trong đầu T bỗng phản ứng ngay là thấy chưa ưng cái bụng tuy nhiên có vài điều ngồ ngộ thế này:
…Trước tiên ta nên hiểu việc sáp hay tách liên quan đến quản lý đơn vị hành chính ngoài việc biến động về nhân sự thì nó chỉ thay đổi trên phương diện về giấy tờ hành chính, biến đổi trên phương tiện số hóa dữ liệu mà thôi chứ không phải kéo vùng đất này trồng lên trên vùng đất kia là không có và phản khoa sản (phản bđs mặc dù ngày nay một vùng đất có thể hoàn toàn bị biến mất vì biến đổi khí hậu, nước biển dâng hoặc có thể bồi đắp nhân tạo tức là đẻ ra được.).
…Tiếp theo ta thử cho mình vào vai là cơ quan điều hành một đất nước thì rõ ràng phải mặc định với nhau rằng khi quản lý bắt buộc phải có sự uyển chuyển, giãn nở, co thắt lại các chính sách tùy vào thời điểm mà với vấn đề sáp nhập này cũng hệt như vậy.
…Ví dụ một tập đoàn tư nhân X nào đó đặt 63 chi nhánh văn phòng đại diện tại 63 tỉnh thành VN.
+Tuy nhiên sau khi cộng trừ nhân chia rà soát tính toán lại doanh thu lợi nhuận thì mới thấy rằng nhân sự làm việc kém hiệu quả, thừa thãi, các vị trí trùng lặp, chi phí thuê mặt bằng lớn quá,... Bộ phận kinh doanh gì mà có tới 3 ông giám đốc kinh doanh, 3 bà phó giám đốc kinh doanh, 5 anh trưởng phòng kinh doanh kéo theo một lô, một lốc nhân viên kinh doanh…
Thế là tập đoàn đó đi đến quyết định là sáp nhập, tức là thay vì mở 63 chi nhánh thì nhập lại còn 43 chi nhánh, thay vì bộ phận kinh doanh phải trả lương cho 3 Giám đốc Kinh Doanh, 3 PGĐKD, 5TPKD và x nhân viên kinh doanh thì rút gọn lại chỉ trả lương cho 1 GĐKD, 1 PGĐKD, 1 TPKD và x - nhân viên cùng x cộng tác viên…
…Cái này cũng tương tự như việc 63 đơn vị hành chính nhập lại còn 43 đơn vị hành chính vậy giống như phương pháp nhập các ông yếu về mặt dân số, về mặt kinh tế, một phần là về mặt diện tích vào là như vậy.
+Rồi nhập thế thì khi nào lại phải tách ra?
…Quay trở lại ví dụ về tập đoàn nọ. Sau một thời gian nhập vào, củng cố lại bộ máy thì tập đoàn hoạt động rất hiệu quả, doanh thu, lợi nhuận táp vào mặt tới tấp, phòng hành chính, thu chi làm việc hết công suất nhưng không đáp ứng được hết trong khi các chi nhánh trước kia nhập vào thì nay khách hàng tại địa phương đó sướng quá thành ra đẻ nhiều, dân số tăng cmn vọt lên, dẫn tới nhu cầu hàng hóa rất lớn thế là tập đoàn lại quyết định tách lập riêng một vài phòng chuyên trách về những vùng bùng nổ đó, trao cho phòng đó cơ chế riêng dựa trên nền tảng công nghệ số để quản lý hay thậm chí thành lập luôn cty con để họ tự thu chi tài chính độc lập (miễn là ông chủ tịch và bà chủ tịch không nên “phôi giáo” mà đẻ thêm đứa con nào nữa đỡ rối rắm, từng đấy đứa con là đủ để quản lý quy mô cty như vậy rồi)
…Suy ra cũng giống như việc chuyển trạng thái từ nhập sang tách khi thay đổi đơn vị hành chính. Các đơn vị trước kia yếu thiếu về mặt dân số, kinh tế thì nay đã thoát nghèo, đã phát triển rực rỡ, dân số lại đông sòn sòn mà đơn vị quản lý hành chính không kham nổi, không quản lý nổi, dẫn đến làm chậm sự phát triển của các nơi đó thì lúc í lại sẽ cần phải tách, cần phải giải phóng để các nơi đó phát triển. (Rồi tới giai đoạn sau này nhập khi xuất hiện một vài nơi nào đó không đáp ứng, không hiệu quả với thời cuộc)
…Nghĩa là theo T quá trình chuẩn của nó nên là giai đoạn đầu nhập gọn sau đó là tách, mỗi lần như thế ví dụ khoảng 15-20 năm và số lần nhập sẽ có lượng ít hơn lần tách nếu đúng hướng
+Vậy bây giờ trong giai đoạn này, chúng ta thử nghĩ xem là nên Nhập hay Tách?
…Hãy nhìn số liệu: VN có 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh và tương đương gồm 58 tỉnh + 5 thành phố trực thuộc trung ương. Tính đến hết năm 2020, có 705 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 1 thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, 79 thành phố thuộc tỉnh, 46 quận, 51 thị xã và 528 huyện) với 10.614 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 1.680 phường, 610 thị trấn và 8.324 xã
Nhìn những con số như này thì kéo theo sẽ là một lượng nhân sự khổng lồ ngốn rất nhiều ngân sách, thỉnh thoảng cách vài trăm, vài cây số lại có một trụ sở hoành tráng … thành ra nhiều người hay nói là bộ máy cồng kềnh cần phải cắt cái này, bớt cái kia …thì hẳn nhiên ta cần phải sáp nhập rồi đúng không?
…Nếu chưa thấy thuyết phục lắm, cảm giác cứ sao sao thì ta lại thử nhòm qua các nước bạn bè năm châu xem (họ phát triển thì có nghĩa là các đơn vị hành chính của họ sẽ thế nào?) lấy cơ sở so sánh với diện tích VN ta là 331.212km2
+ Indonesia diện tích 1.905.000 km2 có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố
+ Nhật Bản diện tích 377.972 km2 được chia thành 47 tỉnh gồm 1 đô, 1 đạo, 2 phủ, 43 huyện
+ Hoa Kỳ diện tích 9.834.000 km² là 1 liên bang gồm 50 tiểu bang
+ Nga có diện tích 17.098.246 km2, có 85 chủ thể liên bang
+ Pháp diện tích 643.801 km2, được phân chia thành 18 vùng hành chính: 13 vùng tại chính quốc Pháp (bao gồm Corse) và năm vùng nằm tại hải ngoại. Các vùng được chia tiếp thành 101 tỉnh.
+ Ấn Độ diện tích 3.287.263 km2, có 29 bang và 8 lãnh thổ liên bang
+ Ý diện tích 301.338km2, được chia thành 20 vùng trong đó 5 vùng có vị thế tự trị đặc biệt. Quốc gia được chia tiếp thành 14 thành phố trung tâm và 93 tỉnh rồi lại được chia tiếp thành 8.047 khu tự quản
+ Anh diện tích 242.495km2 được chia thành 9 vùng và 48 hạt nghi lễ
+ Hàn Quốc diện tích 100.210km2 có 1 thủ đô (đặc biệt thị), 8 tỉnh (đạo), 6 thành phố trực thuộc trung ương, 1 tỉnh tự trị và 1 thành phố tự trị
+ Cuối cùng ta lấy Israel diện tích 22.072 km2 làm ví dụ điển hình để xem trí thông minh người Do Thái ra sao. Họ phân chia thành 6 quận hành chính: Trung, Haifa, Jerusalem, Bắc, Nam, Tel Aviv cùng với Khu vực Judea và Samaria tại Bờ Tây. Các quận được phân chia thành 15 nafot, và mỗi nafot lại được chia thành 50 khu vực tự nhiên.
+Nếu có thêm số liệu nhân sự guồng máy hành chính nữa thì quá tốt nhưng tiếc là tìm chưa có
…Từ các số liệu ở trên (thực ra chuyên môn của gã là bốc phét và làm cò vạc bđs là chính nên vấn đề này không thuộc chuyên môn) ta thấy đa số đơn vị hành chính của một số nước có diện tích lớn hơn ta rất nhiều nhưng đơn vị hành chính của họ lại ít hơn ta.
…Kế đến trường hợp những nơi khiêm tốn về diện tích, dân số nhỏ mà có võ vẫn phát triển đúng đường, đúng lối thì chẳng cần phải nhập làm gì nhưng thực tiễn cho thấy những ông nhỏ chưa có ông nào đột phá cả
…Mặt khác nhiều nơi quỹ đất đã cạn, mật độ dân số lại khủng khiếp cần phải được chan bớt sang các địa phương lân cận đang thừa đất, thiếu người sẽ giúp cho cả hai cộng hưởng với nhau. Chưa kể quy hoạch vùng kinh tế mỗi nơi một kiểu, lạc nhịp, loạn cào cào, quy mô manh mún, nguồn lực các tập đoàn, lĩnh vực kinh tế bị xé lẻ… không thể ráp lại tổng thể tạo thành một không gian hoàn chỉnh … điển hình như đua nhau xin xây sân bay, cảng biển để kéo khách du lịch (sau này nếu có đường sắt cao tốc chạy từ Nam ra Bắc thì chuyện này sẽ được giải quyết)
+Vậy kết luận rằng thời điểm này nên nhập chưa và nhập thì thỏa mãn điều kiện gì, bất lợi ở chỗ nào và trước khi nhập thì làm gì trước?
-Về mặt bất lợi:
…Quyền lực tập trung lớn vào một số nơi
…Gánh nặng cho những nơi có năng lực cao hơn phải gồng mình tương hỗ cho nơi yếu
…1 con ngựa đau cả tàu sẽ bỏ cỏ ví dụ như SG mà yếu thì cả nước yếu
…Căn cước mới làm thì giờ số phận sẽ ra sao
…T cạn nghĩ rằng chuyện sát nhập về cơ bản không phải là việc sáp nhập cái quạt có 6 cánh thành 3 cánh, một cái cây đã trĩu quả buộc phải cắt bớt, sang chiết cành mới hay màn hình điện thoại ifone có quá nhiều app ứng dụng nên buộc phải đóng thành 1 folder riêng như cách nghĩ thông thường.
…Việc này phải phụ thuộc rất nhiều tới yếu tố chuẩn bị chất lượng nhân sự, hệ thống cơ chế hoạt động, quản lý, điều hành điện tử trên không gian mạng đã sẵn sàng đáp ứng được chưa nếu không nhập tách cũng trở nên vô nghĩa
…Muốn nhập thì trước tiên cần phải quy hoạch nhập gọn lại các bộ tức là tưới, tỉa cành từ trên xuống rồi giảm biên chế thừa, giảm các hội đoàn… đồng nghĩa giảm chi ngân sách và giữ lại tất cả các tên địa danh mang tính lịch sử
...Kết bài, kẻ hèn mọn xin được lắp bắp bẩm rằng:
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân. Làm gì thì làm đừng nghĩ thổi lên quận này, sáp nhập nơi nọ vào mục đít thổi giá, thổi bđs. Nó chỉ là cái tên hão danh mà thôi.”
“Cái cần sáp nhập chính là sáp nhập sự tiến bộ, văn minh, tư tưởng đổi mới, nhân tài… đoàn kết giữa các địa phương và tách ra khỏi bộ máy, cá nhân (những kẻ Xuân tóc đỏ, đội lốt trí thức, cái mác loè bịp bên ngoài mà rỗng tuếch bên trong) những lề thói, văn hoá, nhân sự… như đám người chuyến bay giải cứu và Việt Á sắp tới”
P/S:
+ Hiểu cho đúng việc sáp nhập hay tách ra các đ.vị hành chính là quy luật của tiến trình điều hành uyển chuyển miễn chuẩn bị nhân sự, hệ điều hành bộ máy phải chất lượng…
Nôm na như việc nhập khẩu cho con cái hay tỉnh thành vào để khi con cái nó lớn lên, tỉnh thành đủ lông đủ cánh rồi chúng trưởng thành sẽ tự tách thôi.
Tuy nhiên thời điểm này đã thích hợp chưa, đủ điều kiện chưa hay lại là trò của nhóm bất động sản thổi giá lobby chính sách? Cứ hô hào sáp nhập lên quận lên thành phố để thổi BĐS mà thôi để rồi cuối cùng vài năm sau nghành sản xuất tiếp tục bị bđs hút cạn tiền khó tự lực tự cường và bong bóng bđs sẽ tiếp tục tàn phá nền kinh tế khiếp khủng nữa!
(Theo Thanh Trinh)
Khuyến cáo:
Mọi bài viết - ý kiến đóng góp chân thành xin gửi về cho chúng tôi qua Email: chodat.com.vn0@gmail.com. Chúng tôi sẽ cập nhật và bổ sung theo quy định hiện hành của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam. Xin cảm ơn quý Anh/Chị độc giả.
|
Được tài trợ:
Dịch vụ chạy quảng cáo Bất Động Sản: Chợ Đất
Bình Luận