Chính phủ hỗ trợ 4500 tỷ đồng cho hai con đường Cao tốc Bảo Lộc - Lâm Đồng
Chính phủ dự kiến bố trí hỗ trợ cho dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương 2.500 tỷ đồng và dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc 2.000 tỷ đồng
- Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp vừa cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã xem xét kiến nghị của UBND tỉnh Lâm Đồng và dự kiến bố trí phân bổ, hỗ trợ cho dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương 2.500 tỷ đồng và dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc 2.000 tỷ đồng.
Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương được kỳ vọng đem lại khởi sắc cho thị trường BĐS. Ảnh: VÕ TÙNG
Hiện nay, địa phương này đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi; điều kiện cần thiết để thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng; lựa chọn nhà đầu tư để có thể khởi công 2 dự án xây dựng đường cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc- Liên Khương.
Ông Hiệp cho biết, đây sẽ là điều kiện thuận lợi rất lớn để tỉnh Lâm Đồng có đủ các điều kiện để khởi công 2 dự án cao tốc trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong quý 3 năm 2023.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng, cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc có điểm đầu tại huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) và điểm cuối TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng) có chiều dài tuyến đường khoảng 66km. Trong đó, đoạn đi qua tỉnh Lâm Đồng dài 55km.
Tổng mức đầu tư dự kiến là 17.200 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước 6.500 tỷ đồng. Phần vốn sở hữu của các nhà đầu tư 1.605 tỷ đồng, vốn huy động khác khoảng 9.095 tỷ đồng.
Ông Lê Quỳnh Mai, Phó Chủ tịch HĐQT tập đoàn Đèo Cả cho biết, doanh nghiệp này đã triển khai thực hiện khảo sát địa hình, địa chất và lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự kiến hoàn thành vào tháng 9-2023.
Ông Lê Quỳnh Mai, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả. ẢNH: VÕ TÙNG
Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc cùng với dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương nối thành phố Bảo Lộc với đoạn cao tốc Liên Khương- Preen (Đà Lạt) là kỳ vọng lớn của tỉnh Lâm Đồng đối với công trình giao thông trọng điểm, mang ý nghĩa quan trọng nhất của tỉnh Lâm Đồng hiện nay.
(Theo VÕ TÙNG - Pháp Luật)
Thông tin Dự án Cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương dự kiến sẽ được khởi công trong quý IV năm 2023 là tín hiệu rất vui đối với người dân tỉnh Lâm Đồng những ngày qua.
- Từ khi có thông tin được Chính phủ đồng ý cho triển khai thực hiện, người dân và doanh nghiệp kỳ vọng tuyến cao tốc sẽ góp phần kết nối hệ thống giao thông khu vực các tỉnh Lâm Đồng – Đồng Nai – Bình Thuận, kết nối Quốc lộ 20 – Quốc lộ 55, tỉnh lộ ĐT.725 và mở hướng cho phát triển kinh tế – xã hội.
Cả tỉnh Lâm Đồng hiện chỉ mới có đoạn cao tốc Liên Khương – Prenn dài 19,2 km
Dự án Cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 140 km. Đây là hai dự án thành phần của tuyến cao tốc 200,3 km Dầu Giây – Liên Khương kết nối 2 tỉnh Đồng Nai – Lâm Đồng và TP Hồ Chí Minh. Điểm đầu nối với đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây và điểm cuối nối với đường cao tốc Liên Khương – Prenn. Sau khi đi vào hoạt động chính thức, hệ thống cao tốc toàn tuyến sẽ có 4 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế lên đến 100 km/giờ.
Việc xây dựng đường cao tốc nối Lâm Đồng với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đã được chính quyền tỉnh Lâm Đồng đặt vấn đề và xúc tiến từ nhiều năm trước, trong bối cảnh hệ thống quốc lộ, đặc biệt là Quốc lộ 20 đi TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang có dấu hiệu bị quá tải và không đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa, giao thương qua lại của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên, phải đến năm 2022, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ Cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức PPP (tại Quyết định số 1386 QĐ-TTg ngày 10/11/2022) thì người dân mới vỡ òa niềm vui. Tiếp đó không lâu, tuyến Bảo Lộc – Liên Khương cũng được tỉnh thúc đẩy thực hiện và dự kiến cũng sẽ khởi công trong năm nay đã nhân lên niềm vui rất lớn cho người dân Lâm Đồng nói riêng và rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở khu vực các tỉnh phía Nam nói chung. Bởi, tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương chính là động lực phát triển kinh tế cho 2 vùng kinh tế Đông Nam Bộ và Tây Nguyên và có vai trò lớn giúp kết nối giao thông vùng, tạo lợi thế phát triển cho ngành Du lịch địa phương, thúc đẩy tam giác du lịch; trao đổi kinh tế với các thành phố lớn; kết nối giao thông thuận tiện với các tỉnh Đông Nam Bộ. Ngoài ra, dự án cao tốc khi hoàn thành cũng sẽ mở ra cơ hội “có 1 không 2” để Lâm Đồng bứt phá, bởi khi hạ tầng giao thông được khơi thông thì các khu, cụm công nghiệp, khu sản xuất nông sản, điểm du lịch… tại địa phương sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân.
- Còn đối với người dân tỉnh Lâm Đồng, ghi nhận của phóng viên cho thấy, đa phần đều bày tỏ sự đồng thuận rất cao với việc đầu tư dự án cao tốc này và mong muốn tỉnh sớm hoàn thiện các thủ tục để sớm khởi công và đưa tuyến cao tốc này vào hoạt động.
Là người thường xuyên di chuyển trên Quốc lộ 20, anh Lê Tiến, một người con của Lâm Đồng chia sẻ: “Tôi thường xuyên phải di chuyển trên Quốc lộc 20 suốt 12 năm qua, càng ngày tôi càng cảm thấy áp lực với cung đường này vì quá đông đúc, chật chội, di chuyển mỗi lúc chậm chạp. Không chỉ vậy, quá trình di chuyển cũng phải xử lý nhiều tình huống rất áp lực, đặc biệt là ở các khu vực chân đèo Bảo Lộc, ngã 3 Ninh Gia, thị trấn Liên Nghĩa. Tôi rất mừng khi có dự án cao tốc này, và cũng đang rất mong ngóng, kỳ vọng nó sớm được khởi công và hoàn thành đúng tiến độ như báo chí và chính quyền đã thông tin. Bên cạnh đó, là một người dân Lâm Đồng, tôi cũng mong cơ quan chức năng khi triển khai tuyến cao tốc cần có biện pháp quy hoạch đồng bộ giao thông cao tốc và dân sinh. Ví dụ, tỉnh cần phải quản lý chặt và không cho UBND các huyện, xã có địa bàn cao tốc chạy qua chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang xây dựng (tính từ cao tốc trở ra hai bên 5 km) để tránh hình thành khu dân cư vi phạm hành lang an toàn giao thông như cao tốc Liên Khương. Đồng thời, giao UBND huyện, xã, nơi có cao tốc qua, căn cứ các đường đấu nối quy hoạch đô thị phù hợp không làm thay đổi, biến dạng cao tốc”.
Là người làm trong lĩnh vực du lịch, anh Việt Chung (Viet Challenge tours) cũng kỳ vọng rất lớn vào tuyến cao tốc này. Anh chia sẻ: “Tôi đang rất mong ngóng tuyến cao tốc sớm khởi công và hoàn thành đúng tiến độ. Với những người làm du lịch như chúng tôi, việc đưa tuyến cao tốc này vào hoạt động sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng rất lớn đối với không chỉ du lịch Đà Lạt mà cả các địa phương vệ tinh lâu nay đang loay hoay tìm phương án thu hút du khách. Thị trường TP Hồ Chí Minh và các vùng phụ cận vốn dĩ là thị trường khách nội địa chính của Lâm Đồng, Đà Lạt. Vì vậy, nếu giao thông thuận lợi sẽ đẩy cao nhu cầu đi du lịch của các gia đình, và tần suất du lịch sẽ dày hơn trước đây, hoạt động dịch vụ, du lịch Đà Lạt sẽ có cơ hội rất lớn để tăng trưởng và phát triển bền vững hơn chứ không chỉ đông đúc vào cuối tuần, ngày lễ nữa”.
Còn ông Nguyễn Ngọc Minh – một nông dân trồng rau ở Đà Lạt thì chia sẻ: “Tôi đánh giá đây là dự án đặc biệt quan trọng, phục vụ cho sự phát triển kinh tế – xã hội của TP Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung. Khi cao tốc hình thành sẽ tạo đà chuyển dịch kinh tế – xã hội rất lớn cho Lâm Đồng. Tuyến cao tốc sẽ giúp giao thương trở nên thuận tiện và nhanh chóng, thúc đẩy không chỉ nông nghiệp mà cả nhiều ngành nghề khác”.
Có thể thấy rằng, thông tin tỉnh đang cố gắng sớm hoàn thành hồ sơ, thủ tục và nỗ lực đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án để sớm khởi công dự án này những ngày qua trên các phương tiện thông tin không chỉ khiến người dân địa phương Lâm Đồng hân hoan mong chờ mà rất nhiều người dân, nhà đầu tư của các tỉnh, thành phía Nam cũng đang mong đợi.
(Theo Nguyễn Nghĩa - Báo Lâm Đồng)
Khuyến cáo:
Mọi bài viết - ý kiến đóng góp chân thành xin gửi về cho chúng tôi qua Email: chodat.com.vn0@gmail.com. Chúng tôi sẽ cập nhật và bổ sung theo quy định hiện hành của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam. Xin cảm ơn quý Anh/Chị độc giả.
|
Được tài trợ:
Dịch vụ chạy quảng cáo Bất Động Sản: Chợ Đất
Bình luận