Sự nguy hiểm của nền kinh tế dựa vào Bất Động Sản
(Bài viết chia sẻ quan điểm cá nhân của tác giả Dương Quốc Chính về quan điểm của những người đối lập trong việc đầu tư bất động sản)
Lịch sử phát triển của các nước giàu có hoặc đã từng giàu có trong vòng 300 năm gần đây ta đều thấy một quy trình phổ biến đó là: Cách mạng công nghiệp, giao thông vận tải - thương mại dịch vụ (bao gồm cả ngoại thương và xâm lược thuộc địa để mở rộng thị trường) - tài chính, ngân hàng - công nghệ.
Những nước giàu mới nổi như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc thì đi lên nhờ lắp ráp, gia công, chế biến cho các nước tư bản phương Tây, rồi dựa vào nền tảng đó để học tập rồi quay sang nghiên cứu, phát triển công nghiệp ô tô, điện tử, cơ khí để xuất khẩu.
Không có phát triển bất động sản trong quy trình đó. Danh sách các tỷ phú giàu nhất ở các nước đó đều có số lượng rất khiêm tốn các đại gia bất động sản, kể cả khi họ mới bắt đầu phát triển.
Thực ra bất động sản chỉ là đòn bẩy để kích thích phát triển kinh tế, tức là có tác dụng gián tiếp, kích cầu cho sự phát triển. Duy có nền kinh tế nước Đức phát xít lại có sự phát triển khá đặc biệt, dựa vào sự can thiệp của nhà nước theo trường phái Keynes.
Hitler đã cho xây dựng ồ ạt cơ sở hạ tầng như đường cao tốc và các khu công nghiệp để giải quyết việc làm và kích thích phát triển kinh tế. Vì vậy, chỉ trong thời điểm từ những năm 1930 đến đầu những năm 1940, nước Đức phát xít đã có tốc độ phát triển chóng mặt một phần dựa vào bất động sản.
Như vậy, ngành bất động sản, đúng hơn là ngành xây dựng, chỉ có tác dụng trực tiếp để phát triển kinh tế khi đầu tư vào cơ sở hạ tầng như đường cao tốc, cảng biển, nhà máy điện, khu công nghiệp, cao ốc văn phòng. Bất động sản nghỉ dưỡng như resort, khách sạn cũng có tác dụng kích thích phát triển ngành dịch vụ du lịch. Còn bất động sản nhà ở chủ yếu chỉ để kích cầu phát triển kinh tế.
Người dân muốn có nhà ở thì phải chịu khó cày tiền để mua. Có nhà rồi thì yên tâm công tác, góp phần phát triển kinh tế. Thực tế đa số đại gia bất động sản Việt Nam đều giàu nhờ bất động sản nhà ở, một phần là bất động sản nghỉ dưỡng, văn phòng, tức là góp phần khá mờ nhạt vào sự phát triển của nền kinh tế.
Ngành bất động sản mà các đại gia Việt Nam đang tham gia và kiếm tiền chủ yếu là chung cư, văn phòng, khách sạn, resort nhưng lại không tạo ra của cải vật chất như các ngành sản xuất công nghiệp hay nông nghiệp và gần như không thu được ngoại tệ. (gần đây Việt Nam mới cho Việt kiều mua nhà ở Việt Nam) Ngoài khả năng kích thích gián tiếp sự tăng trường kinh tế nêu trên, thì ngành bất động sản chỉ kích thích thêm sự phát triển của công nghiệp vật liệu sản xuất.
Tuy nhiên, điều đáng buồn là trừ xi măng và gạch, cát (là các sản phẩm áp dụng trình độ công nghiệp thấp và rẻ tiền) ra thì hầu hết các vật liệu xây dựng đều phải nhập khẩu hoặc nhập khẩu nguyên vật liệu, dây chuyền công nghệ. Như vậy ngành bất động sản còn góp phần làm suy kiệt nền kinh tế, khi có bao nhiều tiền phải đổ dồn vào mua bất động sản với giá quá cao so với thu nhập.
Các "đại gia" bất động sản Việt Nam chủ yếu làm giàu nhờ sự chênh lệch địa tô khi thu hồi đất giá rẻ của dân rồi đầu tư xây dựng và bán với giá cao gấp vài chục lần. Các công ty xây dựng và bất động sản của Việt Nam hầu như không có sức cạnh tranh quốc tế để đầu tư ra nước ngoài, cùng lắm chỉ đầu tư loanh quanh Lào, Campuchia và Myanmar là hết vị. Nói cách khác cho nó vuông, là "đại gia" bất động sản Việt Nam gom tiền của dân Việt Nam, lấy đất của người nghèo để bán cho người giàu. (có 2 tỷ để mua nhà thì không còn nghèo nữa rồi)
Đầu tư bất động sản thì phải có sự gắn bó mật thiết với chính quyền. (để thu hồi đất và làm các thủ tục về xây dựng)
Giá bất động sản tăng thì nhà nước cũng có lợi vì thu được nhiều thuế nhưng là điều cực kỳ bất lợi cho nền kinh tế, bởi vì nó làm gia tăng chi phí các mặt hàng, vì ngành nào cũng cần nhà xưởng, kho bãi, văn phòng phải mua hay thuê. Giá đất tăng kéo theo giá làm đường cũng tăng do tiền đền bù cao, dẫn đến không thể phát triển hạ tầng được.
Nhiều người nhìn vào sự phát triển của bất động sản lại nhầm tưởng là sự phát triển kinh tế. Thực ra đó chỉ là vẻ bề ngoài, đống nhà cửa các bạn thấy hoàn toàn có thể chỉ là tiền đi vay nước ngoài. Bởi vì các ngành sản xuất ra của cải vật chất của Việt Nam có phát triển đâu? Vậy lấy tiền ở đâu để đầu tư bất động sản khi chính nó lại không thu hút được nguồn ngoại tệ đáng kể?
Như vậy bất động sản không bao giờ được coi là đầu tàu phát triển kinh tế mà chỉ là đòn bẩy và là hệ quả của phát triển kinh tế. Bạn phải kiếm được tiền thì mới có thể xây hay mua nhà to đẹp đắt tiền. Bạn muốn phát triển du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng thì chất lượng dịch vụ mới quyết định, chứ không phải là bất động sản nghỉ dưỡng. Kinh tế phát triển mới kéo theo nhu cầu thuê cao ốc văn phòng chứ không phải ngược lại.
Tham khảo thêm:
Thực tế những người giàu nhanh trong mấy năm qua hầu như là do mua đi bán lại bất động sản chứ không sản xuất ra cái gì cả. Nếu toàn bộ ngành kinh tế đều như vậy thì quá nguy hiểm. Việt Nam cũng đang như vậy. Thế mà mấy năm nay, rất nhiều người hí hửng khi Việt Nam có nhiều đại gia bất động sản, cứ tưởng Việt Nam sắp "hóa rồng" đến nơi. Họ ca ngợi các đại gia bất động sản như các vị thánh, là tấm gương sáng cho toàn dân noi theo làm giàu.
Thử hỏi, ai ai cũng làm giàu nhờ bất động sản thì lấy tiền ở đâu để người ta mua nhà khi không có năng lực sản xuất, xuất khẩu để ra tiền? Người ta ngụy biện là cần dùng bất động sản để tích lũy tài sản rồi trở thành tư bản tài chính! Thực ra, tài chính ngân hàng là anh em sinh đôi với bất động sản, là tác nhân chính của nền kinh tế bong bóng. Nếu cái này sụp đổ thì cái kia chết theo, vì cả hai đều không dựa trên nền tảng sản xuất hay xuất khẩu. Cái gọi là tài chính lấy từ bất động sản về bản chất chỉ là tiền đi vay nước ngoài rồi tự thổi giá đất.
Thế nhưng, lại có nhiều người bị "lệch lạc" về tư tưởng, chê bai người Việt thích đi tắt đón đầu, phải tích lũy tư bản từ bất động sản rồi mới phát triển công nghệ, tài chính được. Nhưng thực ra, làm giàu nhờ bất động sản mới chính là đi tắt đón đầu, làm giàu "xổi", làm kinh tế kiểu hớt váng, bong bóng, rất nguy hiểm cho nền kinh tế nếu lạm dụng.
Cơn cuồng dại bất động sản đã tạo ra nhiều hệ lụy về kinh tế xã hội. Hầu hết các vụ vỡ nợ, trốn nợ, phá sản, nợ xấu ngân hàng đều dính đến bất động sản. Nhưng các đại gia bất động sản cũng như người dân chẳng có tội gì cả. Bởi vì cứ chỗ nào kiếm tiền nhanh mà không vi phạm pháp luật thì người ta làm thôi. Lỗi ở đây là cách điều hành kinh tế vĩ mô, dung túng cho sự phát triển bong bóng của ngành bất động sản.
(Theo Dương Quốc Chính)
Hoàng Gia Long
BÀI VIẾT NÀY NÓI ĐÚNG NGỮ CẢNH NỀN KT VIỆT NAM
- Một nền kinh tế lòng vòng tới lui có gia công - xuất khẩu nông nghiệp thuỷ hải sản - khoáng sản …. T
- Thể chế nó thể hiện lên tất cả khối cán bộ công chức hùng hậu nắm trong tay lượng tiền lớn .. doanh nghiệp tư nhân thì nhiều nhưng có được nhiêu tiền
- BĐS NÓ THỂ HIỆN ĐÚNG BẢN CHẤT THỂ CHẾ … 1000 năm sau đề tài này vẫn chưa lỗi mốt đâu
Nguyên Khang
HÃY SỞ HỮU BĐS CÀNG SỚM CÀNG TỐT, NGAY KHI GIÁ CÒN ĐANG RẺ, VÌ SAO!!!
- Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định trong thời gian dài giúp tạo ra một tầng lớp trung lưu đông đảo. Đây chính là nhóm đối tượng có nhu cầu về nhà ở rất cao và có khả năng chi trả để mua nhà.
- Người Việt có văn hóa tích lũy tài sản từ bất động sản. Điều này xuất phát từ thói quen "an cư lạc nghiệp" của rất nhiều người Việt. Bởi thế, cầu với BĐS của người Việt là tổng hòa của nhiều yếu tố, từ việc dân số trẻ, nhu cầu lớn, tới điều kiện, thu nhập đang tăng lên hay tâm lý an cư của người dân. Điều này khác so với rất nhiều nước trên thế giới.
- Một điểm khác tại Việt Nam khiến giá nhà đất được dự đoán sẽ tăng cao thời gian tới là do chi phí đầu vào thời gian qua quá cao trong điều kiện quỹ đất để phát triển dự án ngày càng khan hiếm nên các chủ đầu tư phát triển dự án với các chi phí đầu vào bị đội lên, khi đó, giá bán tới người dùng cũng phải cao, xu hướng giảm là không thể.
Với nhu cầu quá lớn về nhà ở đặc biệt tại các TP lớn, trong thời gian tới Bất động sản được dự đoán sẽ lập đỉnh mới thậm chí sẽ lọt top các thành phố có chi phí đắt đỏ nhất thế giới.
Trần Vũ
Nếu không có hạ tầng thì không có nền kinh tế nào phát triển cả. Và hạ tầng cũng chính là BĐS, ngoài ra tác giả cần làm rõ một điều là khả năng sản xuất của VN tăng mạnh nhất trong vòng 20 năm qua là giai đoạn nào, đừng nói kinh tế Vn chỉ phát triển về BĐS khi k đưa ra các con số cụ thể. Trong thời gian BĐS tăng cực nhanh đó nền KT sản xuất và Thương mại tăng bao nhiêu thì tg cũng k nói, dòng vốn nc ngoài đổ vào bao nhiêu cũng k nói. Đòn bẫy kinh tế và các kênh thu hút đầu tư nước ngoài hay trong nước cũng k thấy tác giả nhắc đến
Vấn đề ở đây là tác giả đang so sánh nền kinh tế (tầm Vĩ mô) với tư duy tích luỹ tài sản của ng dân (tầm vi mô)=>Cá nhân Vũ cho rằng bài viết này khá lệch lạc
Trịnh Văn Bình
Trần Vũ tác giả cho rẳng BDS là động lực phát triển kt của VN. nhưng thức ra không phải BDS nếu bao gồm cả cở sở hạng tầng thì phần này làm nền cho kt phát triển chứ bds nhà ở căn hộ nó là nhu cầu của đời sống.... còn động lực thúc đất nền kt vn tăng trưởng thì em vốn FDI mấy đúng... nếu không có khối này thì VN chẳng có vốn. hiện VN có được bao nhiêu DN lớn đâu mà không vướng yếu tố nước ngoài bao gồm cả vốn của VK mang về như Vin, masan...
Sophia Do
Tiền chảy chỗ trũng, nơi nào tạo ra tiền thì dòng tiền sẽ chảy về đó. Ngành nghề nào kiếm ra tiền cũng chọn BĐS là nơi trú ẩn.
Thứ nhất giữ tiền, thứ hai tăng giá trị
Dòng tiền từ bds và nền kinh tế là mối quan hệ 2 chiều : kiếm ra tiền đổ vào bds , cần tiền xoay vốn đầu tư , bán bds để tái đầu tư
Và nói là kinh tế VN chỉ đầu tư vào bđs là hơi phiến diện
K chỉ là bđs mà VN thiên về mảng dịch vụ chứ k sản xuất, vì nó đòi hỏi đầu tư nhiều vốn, khó khăn hơn, nên người Việt chọn cái dễ và bỏ cái khó.
Và một tín hiệu đáng mừng là hiện nay cũng có rất nhiều chủ đầu tư xây dựng nên những dự án đẳng cấp, giá trị và mang dấu ấn
Ngoài ra bđs đang dịch chuyển về các vùng ven, những xu hướng trang trại sạch, bđs công nghiệp, bđs chăn nuôi, bđs trồng trọt, vừa kinh doanh bđs vừa kết hợp phát triển đồng bộ
Và khi bđs phát triển thì hệ thống hạ tầng, đường xá, vấn đề nhân lực, dịch chuyển lao động cũng phát triển theo
✅ Có một quan điểm là ở bất kỳ thời điểm nào, bất động sản luôn được đánh giá là : giá bất động sản chạm mốc rồi, cao quá
Mua mấy năm trước còn có lời, chứ bây giờ mua thì lời gì nữa. Nhưng nó vẫn cứ lên.
Cái đỉnh mới của chu kỳ mới sẽ cao hơn cái đỉnh của chu kỳ cũ. Và nó vận động theo chu kỳ. Chu kỳ đó sẽ không dừng lại✅ Một điều nghịch lý đối với nhiều nhà đầu tư vừa và nhỏ : họ làm 8 tiếng một ngày/ 6 ngày một tuần/ 50 tuần một năm để tích luỹ tiền
Tiền đó có cực khổ không?
Nhưng đến thời điểm họ muốn nhân đôi nhân 3 số tiền đó vào bất động sản
Họ lại không chịu đầu tư thời gian
Anh có thời gian đâu em ơi, trời ơi anh bận tối mắt tối mũi ra đây
Tích luỹ tiền khó khăn như vậy
Mà đến cái bước quan trọng nhất là thì lại không đầu tư thời gian và công sức , thì lại trì hoãn và xem nhẹ
Thứ 7, chủ nhật thay vì đi xem đất, xem dự án, đến hội thảo thì lại ở nhà, đi du lịch cùng gia đình
Muốn quăng vào ô nhân 2, nhân 3 nhưng lại dè sẻn hoặc đầu tư rất ít thời gian✅ NĐT có thể cho rằng đầu tư bất động sản chậm quá, 2-3 năm nhiều khi 5 năm
Nhưng đó là sự chậm chạp đầy sáng sủa
Nếu so sánh với chứng khoán, tiền ảo, các quỹ tương hỗ: không phải anh phải kiểm tra thị trường ngày qua ngày, giờ qua giờ, tháng qua tháng à
Nếu so sánh với sự chậm chạp và an nhàn của BĐS thì cái nào nhẹ nhàng hơn
Thị trường BĐS Việt Nam có rất nhiều ưu điểm so với các thị trường khác:
- Có nhiều nước sẽ hạn chế số lượng bất động sản một người sở hữu
- Đánh thuế hàng năm trên bất sản
- Giá bán bất động sản trong tương lai có thể thay đổi theo giá của vật liệu xây dựng … chứ k cố định như giá ban đầu.
Nguyen Van Thanh
Nhà nước để tiền của dân chảy vào bds hơi nhiều, mua nhà và đất phân lô rồi để đó không sử dụng khá lớn. ngoài ra nguồn lực trong dân chảy vào nhiều nơi rủi ro mất trắng.
Nên huy động trái phiếu 10 năm để làm hạ tầng tất cả các cao tốc sẽ thúc đẩy kinh tế, lãi suất cao chấp nhận. Hàn Quốc phát triển được cũng nhờ nhiều vào hạ tầng giao thông
Vu Hung
Nhẽ gom lại cho thật to thì ai đó lại chia tách nát bét cả miếng đất, tốn lối đi, tốn tường bao như những nét màu đen kia :)))))))))
Thanh Trúc
Mình là MG BĐS nhưng mình cũng đồng ý quan điểm trên vì nó đúng. Giá nhà đất hiện đang quá cao so với giá trị thật. Muốn tạo ra tiền thì phải sản xuất. Sản xuất mới phát triển kinh tế. Mà thời gian để tạo ra tiền tích luỹ để mua BĐS chậm hơn việc giá BĐS tăng lên chóng mặt. Cho nên mình cảm nhận rõ rệt thị trường BĐS đang bị bong bóng.
Họ Nhà Nắng
Ôi trời người có tiền thì mua bất động sản, trạo tiền cho người cần để người ta sản xuất. Lỗi nó nằm ở chỗ cán cân cho vay- huy động mất cân đối thôi. Chứ bđs chả có lỗi gì cả.
Toan Nguyen
Tác giả có góc nhìn khá kì thị về thị trường bất động sản. Bất động sản ko chỉ có bđs nhà ở như tác giả đã nêu, còn có bđs công nghiệp, bđs nghỉ dưỡng và rất nhiều loại hình khác. Ko thể lấy cái thiểu số để nói đến toàn cục được. Chưa kể 1 đất nước muốn phát triển cái gì đi nữa thì cũng phải đầu tư cơ sở hạ tầng. Chứ muốn sản xuất, xuất khẩu mà đường cao tốc ko có, sân bay cảng biển ko có thì chỉ bán trong nước thôi chưa xuất khẩu gì. Còn cơ sở hạ tầng đi đến đâu sẽ dẫn đến sự sôi động của thị trường bđs nơi đó là điều đương nhiên, ở đâu mà chẳng vậy.
Bùi Thành Hệ
Xuất phát điểm của VN rất thấp, tiền không, đồng minh không, nhà máy cũng không…có gì, còn bị bao vây đến tầm năm ‘90… phải từ ‘95-2000 mới tạm thoát, thời đó đi 100 km HN-HP mất già nửa ngày xe khách, nhà nào may được căn hộ không có phụ tầm 30 m2 cho 2,3 thế hệ…. Ngành BĐS thay đổi bộ mặt đất nước, XH, đời sống dân được như hôm nay là hạnh phúc lắm rồi, nhà lầu, xe hơi, ô tô đỗ cửa về quê..,
Mỗi nước có một cách đi, ta nghèo, kém , không thằng nào chống lưng, xì tiền cho mà đòi Ph triển CN, hiện đại thì lấy gì mà làm, và chắc chắn tèo luôn, chứ ai chả thích, chả muốn như Hàn, như Nhật…. Cứ xem các DN yếu thế nào, một cơn gió như covid là kềnh gần hết, chỉ có thể trồng cây nuôi cá thôi…
Còn BĐS thế giới ư, xem Hồng Kông, xem Bill Gate còn sở hữu 98.000 ha đất… đấy thôi.
Cái gì cũng có mặt trái, tiêu cực, BĐS cũng thế.
Phạm Quang Hiền
Đọc bài viết...thấy tác giả đưa ra nhiều lý lẽ có vẻ hợp lý...nhưng lý lẽ nào cũng được giải thích, phân tích và kết luận gượng ép, quy kết là nó ko có lợi, có nhưng rất ít...rồi gây hại cho kinh tế mà thôi.
Có cảm giác giống như tác giả có ác cảm, căm ghét, thù địch với BDS, nhà đầu tư bds hay sao ấy!.
Với tôi, đơn giản lắm:
- Bất cứ người nào cũng có nhu cầu mua nhà, đất để ở nên bds là một ngành sx quan trọng trong nền kinh tế!. Người có đủ tiền thì mua, ko đủ thì trả góp, ko có khả năng thì thuê...cho nên bds liên quan đến tất cả mn!. Đến như công nghiệp ô tô...sx ra oto..nhưng không phải ai cũng thích mua ô tô đâu!. Số oto bán ra ở VN có khi còn ít hơn...số nền, căn nhà xây và bán ra thị trường nữa mà!. Và cứ lấy oto so với đất thì sẽ thấy rõ...- BDS là tài sản có giá trị cao nhất trong số các tài sản có thể thế chấp ngân hàng để vay tiền làm vốn kinh doanh. Ngân hàng cũng chỉ thích nhận thế chấp bằng bds hơn các loại tài sản khác!.
- Con người thành công được người khác công nhận bằng rất nhiều tiêu chí, trong đó...có tiêu chí sở hữu bds có giá trị và hữu ích cho cuộc sống bản thân!.
- BDS là bệ đỡ, là nền tảng cho tất cả các lĩnh vực khác để làm vốn, là nơi để tiến hành các hoạt động kinh doanh, học tâp,v..v. Không có bds...ko có gì cả!.
- Bds là bộ mặt của quốc gia, địa phương và mỗi cá nhân!. Nhìn vào đó người ta đánh giá được sự phát triển, giá trị và sự thành công của họ!. Đến cả người chết..cũng lấy mồ yên mã đẹp làm tiêu chí...cuối cùng!.
Còn nhiều lý do nữa..nhưng viết mỏi tay quá!
Đồng Phạm Lâm
Bài viết của những cao nhân, đánh giá chân thực hiện tại và tương lai, đất tăng ???? cao làm cho người dân lẫn nên kinh tế lũng đoạn, thu nhập theo nhà nước cha lương khó có thể mua nhà được theo ý muốn, chỉ ở nhưng nơi tạm bợ để lao động sản xuất không phát triển được hết mức, công nghiệp nông nghiệp chậm phát triển, kéo theo sự phát triển của đất nước đi xuống. Đất nước phát triển mọi ngành nghề phải đi //. Mạnh, yếu, công lệch xẽ làm cho nền kinh tế đi xuống.
Huỳnh Hoa
Theo mình sự phát triển của một nền kinh tế đang phát triển thì hầu như chuỗi các công ty dịch vụ, tài chính và công nghệ cao là chiếm vai trò quan trọng nếu nói sản xuất hay xuất khẩu hay đầu tư từ nguồn vốn FDI mang lại sự phát triển vượt bậc thì cũng chưa đúng nó phải dựa vào lực của đất nước đó. Ví dụ nhưng Trung Quốc mô hình đó phù hợp gì đất rộng người đông nhưng nó cũng k bền lâu nên chính phủ TQ họ đã nhận ra đẩy mạnh khoa học kỹ thuật và dich vụ thương mại và họ đã có sự trổi vậy vượt bậc hơn là phân xưởng của thế giới. Còn nói bđs k tạo ra sự k phát triển cho kinh tế hay ảnh hưởng nền kinh tế là có góc nhìn k đúng cho kinh tế vĩ mô. Nếu ta nhìn vào Hong Kong, Singapore, Thượng Hải hay các đặc khu kinh tế ở đó có gì mà tạo nên sự khác biệt và có nhiều nhà kinh doanh giàu có như Ông Lý Gia Thành giàu lên nhờ bđs và tài chính ngân hàng chứ từ sản xuất Ông k trở thành tỷ phú. Và khi ta đi Hong Kong chúng ta nhận ra sự khác biết một bên nhà cao tầng thật đẹp còn một bên ổ chuột vậy câu hỏi cho tác giả tại sao lại khác nhau vậy? . Dù HK hay Singapore đất k nhiều dân k đông như sao họ có sự vượt bậc về kinh tế khi chỉ là dịch vụ và tài chính một điều đơn giản vì nó mang lại giá trị cao cho kinh tế. Bán 1 cái nhà hay một dịch vụ làm đẹp có hơn bán gạo hay bán rau cũ hay đi làm gia công cho cty FDI k chưa nói phải lệ thuộc nguồn vốn FDI có thể ảnh hưởng về tổng thể của kinh tế vĩ mô. Tác giả nên tìm hiểu thêm về tài chính học thêm về kinh tế trước khi đưa ra vấn đề.
Tham khảo thêm: Kinh tế Việt Nam vẫn gánh được thị trường bất động sản trung hạn
Khuyến cáo:
Mọi bài viết - ý kiến đóng góp chân thành xin gửi về cho chúng tôi qua Email: chodat.com.vn0@gmail.com. Chúng tôi sẽ cập nhật và bổ sung theo quy định hiện hành của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam. Xin cảm ơn quý Anh/Chị độc giả.
|
Được tài trợ:
Dịch vụ chạy quảng cáo Bất Động Sản: Chợ Đất
Bình Luận