CHÂN DUNG NGƯỜI MÔI GIỚI BẤT ĐỘNG SẢN CHÂN CHÍNH
[CHÂN DUNG NHỮNG NGƯỜI MÔI GIỚI BẤT ĐỘNG SẢN CHÂN CHÍNH DƯỚI CẢ GÓC ĐỘ PHÁP LÝ VÀ THỰC TẾ]
(Anh em đọc mà thấy ứng dụng được thì share mạnh mẽ giùm để tôi có động lực viết tiếp nhá anh em ơi)
1. Tôi tự sự về các Nghề môi giới của anh em đã nhé
• Như đã hứa với anh em, tôi viết bài này có thể rất thực tế và sát sườn với anh em luôn. Quan điểm của tôi là rất rõ ràng, đó là làm gì cũng phải hiểu được cái nghề mình đang làm, môi giới cũng vậy, làm mà không hiểu về cái nghề mình đang làm, chỉ nghĩ kiếm được đồng nào bỏ vào mồm đồng đó, thì tôi nói thẳng luôn là anh em sẽ bị khinh rẻ ngay, người ta sẽ không đánh giá cao cái nghề anh em đang làm đâu (thực tế đã có nhiều người nghĩ rất xấu về nghề môi giới rồi đấy). Bởi thế, anh em hiểu nghề làm nghề cho tốt để chứng minh và đập chết mẹ cái bọn nghĩ xấu và đánh đồng tiếng ác cho nghề môi giới đi.
• Mình nghĩ cái nghề môi giới nó sang trọng thì nó sang trọng, mình nghĩ đơn giản nôm na như cách người ta gọi là “cò đất”, “cò nhà”, “cò bất động sản”…thì nó là như thế. Mình nghĩ đơn giản hay phức tạp là ở mình. Nhưng, nghĩ gì thì nghĩ cũng phải đi đôi với hành động đẹp. Mình làm nghề nhưng làm nghề một cách đẹp đẽ, chân chính thì nó sướng và tự hào hơn mấy bọn phường chợ búa thích đao to búa lớn, chém gió phầm phập nhưng khi hỏi về nghề của chính mình thì chẳng biết cái gì. Làm nghề mà không hiểu bản chất của nghề mình đang làm thì bỏ mẹ nó đi để đỡ tạo nghiệp cho nghề. Đúng thế không anh em?
• Xã hội càng ngày càng hiện đại, càng phát triển, anh em nào hiểu biết, có nhiều kiến thức về nghề môi giới thì tồn tại, thăng hoa, còn các ông giời ông đất nào mà thụt lùi, kém cỏi thì càng ngày càng xuống dốc không phanh, mà thậm chí là đứt phanh ấy chứ…. Anh em nên lưu ý, “Chẳng có nghề nghiệp nào đẹp sẵn cả, chỉ có những con người chân chính, đẹp đẽ về nết na, tính cách , tâm hồn, hiểu biết thì mới tạo nên sự đẹp tươi của nghề nghiệp”. Tôi nói thật, tôi có hiểu biết nên tôi biết nhận ra đúng sai, phải trái, tôi thích cái nghề môi giới như anh em đang làm và quan trọng là tôi đủ tỉnh táo để nhận ra các kiểu môi giới trong xã hội. Điều quan trọng là tôi chưa bao giờ đánh đồng các môi giới là đều xấu cả, đều tốt cả. Nhưng có một thực trạng theo thống kê không chính thống thì cũng có khá nhiều môi giới xấu xa và lươn lẹo đấy anh em. Tất nhiên, những người môi giới tốt vẫn còn đầy. May mắn thì luôn gặp họ!
• Xã hội thì vàng thau lẫn lộn, con người thì trắng đen cũng tanh bành cả ra, nhưng chính mỗi anh em mới là người hiểu mình nhất. Bởi thế, khi đứng giữa sự kết nối giữa người mua – kẻ bán anh em nên hài hòa sao được đẹp nhất cả hai. Chứ anh em bảo vệ cho riêng mình cũng chẳng được, rồi che đậy đi những yếu kém, sai sót của doanh nghiệp nơi mình làm việc, nơi chủ đầu tư bán hàng thì cũng chẳng xong, hay tèm nhèm, móc nối với khách hàng dăm ba đồng bạc để trục lợi của công ty cũng không hay ho gì….Sự ích kỷ, nhố nhăng trong bất cứ nghề gì cũng đã đủ chết rồi chứ không riêng gì nghề môi giới. Anh em phải thừa nhận với tôi điều này đi nhé!!!
• Làm môi giới phải chân chính, phải chơi đẹp, phải dùng trí tuệ và đẳng cấp để tồn tại, phát triển và sẵn sàng bỏ lại phía sau những người kém cỏi, thế mới là môi giới CHẤT. Hôm nay, tôi sẽ điểm qua một vài ý cho cái nghề tươi đẹp của Anh em. Tôi nói thẳng, nếu Anh Em nào đọc xong bài này phán với tôi một câu rằng: “Ối giời, cần gì phức tạp thế, hiểu đơn giản môi giới là tìm đất, tìm nhà cho khách và tìm khách để mua đất, mua nhà của người bán xong thì đút tiền thù lao vào túi, ăn hoa hồng, tiền chênh là xong. Nghĩ nhiều làm gì cho mệt”. Thì tôi xin phép được gọi những người đó là “Cò nghiệp dư” chứ không phải một người Môi giới chân chính! Thế nhá! Rồi vào đề thôi anh em….
2. Vì sao sinh ra nghề môi giới bất động sản?
Phần này tôi sẽ tổng hợp các thông tin, dữ liệu về lịch sử nghề môi giới và điểm lại để anh em có câu trả lời cho những câu hỏi: Vì sao sinh ra nghề môi giới? Nghề môi giới bắt đầu từ khi nào trong xã hội loài người? Những giao dịch bất động sản đầu tiên có liên quan đến môi giới xuất hiện ở quốc gia nào?
Đến từ Anh Quốc….
Những hồ sơ đầu tiên ghi nhận về nghề môi giới bất động sản bắt đầu từ Anh Quốc vào cuối thế kỷ 18. Đây là những giao dịch tài sản là bất động sản có môi giới tham gia. Tài sản bất động sản thời điểm này thường là trang trại, nông trại, lâu đài. Đối tượng giao dịch là tầng lớp quý tộc, lãnh chúa và địa chủ. Có thể xem lịch sử nghề môi giới bất động sản bắt đầu từ Anh Quốc.
Việc giao dịch bất động sản có liên quan đến người môi giới tại Anh Quốc bắt đầu lan sang Hoa Kỳ vào đầu thế kỷ 19. Hai quốc gia Anh Quốc và Hoa Kỳ được xem là hai cái nôi hình thành nên nghề môi giới. Vì là hai quốc gia tư bản lớn mạnh và giàu có bậc nhất thế giới lúc bấy giờ. Đây là nguyên nhân nghề này phát triển hưng thịnh tại hai quốc gia này.
Rồi đến tiếp từ Hoa Kỳ…
Lịch sử nghề môi giới tại Hoa Kỳ gắn liền với việc hoàn thiện về pháp luật trong việc hành nghề. Quá trình phát triển nghề nghiệp này cũng gắn liền với sự phát triển kinh tế và công nghiệp tại Hoa Kỳ. Chính phủ Hoa Kỳ xem bất động sản là tài sản đặc biệt cần phải sử dụng hiệu quả. Pháp luật Hoa Kỳ qui định nghề môi giới bất động sản là một nghề hoạt động có điều kiện. Tại sao lại xem nghề môi giới bất động sản là nghề có điều kiện?
Vì bất động sản là tài sản lớn. Việc giao dịch bất động sản liên quan đến quyền sở hữu, quyền thừa kế. Những quyền lợi này được pháp luật qui định trên giấy chứng nhận quyền sở hữu của chủ sở hữu. Việc người môi giới thiếu chuyên nghiệp có thể vô tình dẫn đến thiệt hại về tài sản cho khách hàng. (VD: giao dịch bất động sản nằm trong vùng qui hoạch, hoặc tranh chấp về quyền sở hữu, quyền thừa kế….).
Để được phép hành nghề môi giới bất động sản bạn phải được cấp chứng chỉ của Bang. Và muốn hoạt động môi giới tại Bang khác bạn phải có chứng chỉ môi giới của Bang đó. Tại Hoà Kỳ, Úc một số Bang có công nhận chứng chỉ hành nghề của nhau nên bạn có thể chỉ cần vượt qua bài kiểm tra về kiến thức nghề nghiệp của các Bang này là bạn có thể hành nghề ở Bang đó.
Sau đó thì…
Các quốc gia thuộc Châu Âu, Châu Úc và Châu Á học hỏi rất nhiều từ Anh Quốc và Hoa Kỳ trong lĩnh vực bất động sản. Ngày nay bộ đạo đức nghề nghiệp và tiêu chuẩn hành nghề của Hoa Kỳ được xem là tài liệu tham khảo của rất nhiều quốc gia khác.
3. Bởi sao nghề môi giới bất động sản quan trọng ?!
Dần dần khi nghề môi giới phát triển, thì lúc anh, an hem môi bất động sản và nghề môi giới bất động sản ngày càng trở nên quan trọng là bởi những yếu tố và lý do dưới đây:
- Nhờ có anh em và nghề này mà nhiều giao dịch nhà đất trở lên quan trọng hơn, dễ dàng được thực hiện hơn;
- Nhiều giao dịch liên quan đến đất đai, nhà cửa, tài sản, bất động sản được thực hiện ngon lành và có sự kết nối mật thiết giữa người mua, người bán, người môi giới;
- Anh em đã nhiệt tình giúp cho người mua chọn được căn nhà phù hợp với tài chính và nhu cầu cuộc sống; giúp cho người bán bán được với mức giá tốt nhất; ngoài ra anh em còn hỗ trợ khách hàng trong các thủ tục giấy tờ giao dịch nhà đất (liên hệ công chứng, hoàn thiện hồ sơ pháp lý, thực hiện các thủ tục hành chính nhà nước để hợp thức hóa, đầy đủ các giấy tờ cho khách hàng….);
- Anh em còn hiểu biết và sử dụng thành thạo các kiến thức chuyên môn về kinh doanh, pháp lý bất động sản, tầm nhìn và khả năng đánh giá thị trường để có thể tư vấn tốt nhất cho khách hàng của mình, đồng thời cũng tư vấn lại cho người bán, chủ đầu tư, chủ sàn giao dịch để họ biết cái gì đúng, cái gì sai, hợp lý, không hợp lý mà làm. Chính vì giỏi tư vấn và quá hiểu biết như thế nên nhiều Ông chủ ngành bất động sản hay Đại gia ngành bất động sản đi lên từ Nghề môi giới đấy. An hem đều nhìn ra và hiểu quá điều này rồi.
- Anh em lại là người trung gian để cảnh báo các rủi ro cho khách hàng hoặc cho doanh nghiệp trước những nguy cơ tiềm ẩn của nghề.
- Lại còn cân đối, định hình giá cả bất động sản trên thị trường, nhưng đồng thời anh em cũng có khả năng đẩy giá, thổi giá lên rất cao;
- …..
Tại Việt Nam, nghề môi giới đã trở nên quan trọng khi gắn liền với sự ra đời của pháp luật về đất đai, anh em xem tôi tổng hợp điểm qua loa một tý nhé:
- Năm 1993 Luật Đất đai đầu tiên của Việt Nam được ban hành. Đây là những điểm cơ bản của luật pháp công nhận cho phép Việt Nam hình thành thị trường bất động sản và hình thành nghề môi giới;
- Sau năm 1998, với một số điều chỉnh Luật Đất đai của Nhà nước. Thị trường đã xuất hiện một đội ngũ cá nhân, một trong số họ tiếp cận với chủ dự án xin được quyền phân phối sản phẩm dự án. Sau đó ra ngoài thị trường giao cho những cá nhân khác chào bán sản phẩm với giá cao hơn giá bán ban đầu để hưởng chênh lệch. Những cá nhân hoạt động theo hình thái này chính là những nhà môi giới bất động sản đầu tiên của thị trường Việt Nam. Do thị trường còn rất sơ khai hơn nữa cầu nhiều hơn cung nên đội ngũ này rất dễ dàng làm ăn và kiếm tiền mà không có bất kỳ kiến thức sơ đẳng nào về nghề môi giới. Cùng với sự dễ dàng kiếm lời, lợi nhuận cao nghề môi giới bất động sản lúc này thu hút khá nhiều tầng lớp xã hội tham gia, kể từ người bán hàng nước ven đường, xe ôm đến các vị công chức danh giá.
- Năm 2004, Luật Đất đai lần nữa được điều chỉnh và sự ra đời của Luật Kinh doanh bất động sản, nghề môi giới bất động sản đã dần được được pháp luật công nhận và quản lý. Theo đó, cá nhân làm nghề môi giới bất động sản phải qua đào tạo và sau đó được cấp chứng chỉ. Tổ chức hành nghề môi giới bất động sản phải thành lập doanh nghiệp và chịu sự quản lý của Bộ Xây dựng thông qua Ban Điều hành Mạng sàn giao dịch Bất động sản Việt Nam. Các dự án bất động sản khi bán phải niêm yết công khai trên sàn giao dịch bất động sản…
- Năm 2013, Luật Đất đai lại được sử đổi thêm để hoàn thiện các Luật liên quan khác và nghề môi giới cũng ngày càng được hoàn thiện bởi các quy định pháp luật liên quan. Nghề môi giới bất động sản đã bước lên một tầm cao hơn, có chất lượng, có tổ chức và đặc biệt là có sự quản lý của Nhà nước. Ở giai đoạn này cũng là sự tăng trưởng bùng nổ của các dự án bất động sản tại Việt Nam. Lượng cung về nhà ở và các loại hàng hóa bất động sản khác được cải thiện đáng kể. Tạo sự cân bằng cung và cầu thị trường bất động sản.
- ….
Hiểu qua thế thôi anh em ạ, đại loại là chúng ta có hẳn một lô xích xông các quy phạm pháp luật điều chỉnh người môi giới và nghề môi giới bất động sản đấy anh em nhé. Chứ không phải thích làm môi giới là làm được, thích chém gió kiểu gì cũng được, đâu. Với những khách hàng có hiểu biết, nhưng môi giới rởm họ nhận ra ngay, có khó khăn gì đâu mà.
4. Dưới góc độ pháp lý thì một môi giới bất động sản chân chính là những ai ?
Phần này thì tôi giúp các anh em hiểu qua về nét đẹp của nghề môi giới và chân dung những người môi giới bất động sản chân chính dưới góc độ pháp lý nhé. Anh em thử kiểm tra xem mình đạt mấy điểm rồi. Và quyết định xem, nếu tiếp tục theo nghề môi giới nhiều năm về sau nữa, anh em có cần cố gắng gì thêm không????
Phần này giúp anh em trả lời các câu hỏi:
- Điều kiện cần và đủ để làm nghề môi giới?
- Người môi giới chân chính phải như nào?
Giờ thì tôi soi rọi cho anh em thấy toàn các quy định pháp luật thôi, anh em cố mà đọc để hiểu nhá:
• Định nghĩa về môi giới bất động sản: Môi giới bất động sản là việc làm trung gian cho các bên trong mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản
• Định nghĩa về người môi giới bất động sản: (1) Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản phải thành lập doanh nghiệp và phải có ít nhất 02 người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản. (2). Cá nhân có quyền kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập nhưng phải có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản và đăng ký nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế. (3). Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản không được đồng thời vừa là nhà môi giới vừa là một bên thực hiện hợp đồng trong một giao dịch kinh doanh bất động sản .
• Nội dung môi giới bất động sản: (1) Tìm kiếm đối tác đáp ứng các điều kiện của khách hàng để tham gia đàm phán, ký hợp đồng & (2) Đại diện theo ủy quyền để thực hiện các công việc liên quan đến các thủ tục mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản & (3) Cung cấp thông tin, hỗ trợ cho các bên trong việc đàm phán, ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản.
• Làm gì trực tiếp?:
- Tìm kiếm khách hàng tiềm năng bằng việc xây dựng cơ sở dữ liệu cho bản thân, gọi điện cho khách hàng dựa trên nguồn data của mình và công ty để tiếp cận khách hàng, phát tờ rơi, trực ở các dự án, tham gia các sự kiện về bất động sản,…
- Cung cấp thông tin về các dự án, chính sách khuyến mại, tư vấn cho khách hàng để chọn được căn nhà phù hợp với nhu cầu; hoặc giúp khách hàng bán được căn nhà với giá tốt nhất.
- Hỗ trợ khách hàng về các thủ tục giấy tờ khi ký kết hợp đồng
- Duy trì mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng cũ để tạo ra một nhóm khách hàng thân thiết.
- Thực hiện các chiến lược phát triển kinh doanh của ban giám đốc.
• Thù lao môi giới bất động sản: (1) Doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản được hưởng tiền thù lao môi giới từ khách hàng không phụ thuộc vào kết quả giao dịch mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản giữa khách hàng và người thứ ba. (2). Mức thù lao môi giới bất động sản do các bên thỏa thuận trong hợp đồng không phụ thuộc vào giá của giao dịch được môi giới.
• Hoa hồng môi giới bất động sản: (1). Doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản được hưởng hoa hồng môi giới khi khách hàng ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản. (2). Mức hoa hồng môi giới bất động sản do các bên thỏa thuận trong hợp đồng.
• Quyền:
+ Thực hiện dịch vụ môi giới bất động sản ;
+ Yêu cầu khách hàng cung cấp hồ sơ, thông tin về bất động sản;
+ Hưởng thù lao, hoa hồng môi giới theo thỏa thuận trong hợp đồng đã ký với khách hàng;
+ Thuê doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập khác thực hiện công việc môi giới bất động sản trong phạm vi hợp đồng dịch vụ môi giới bất động sản đã ký với khách hàng, nhưng phải chịu trách nhiệm trước khách hàng về kết quả môi giới;
+ Các quyền khác trong hợp đồng môi giới
• Nghĩa vụ:
+ Thực hiện đúng hợp đồng đã ký với khách hàng.
+ Cung cấp hồ sơ, thông tin về bất động sản do mình môi giới và chịu trách nhiệm về hồ sơ, thông tin do mình cung cấp.
+ Hỗ trợ các bên trong việc đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản.
+ Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của pháp luật và chịu sự kiểm tra, thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
+ Bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
+ Thực hiện nghĩa vụ về thuế với Nhà nước theo quy định của pháp luật.
+ Các nghĩa vụ khác trong hợp đồng môi giới
• Chứng chỉ hành nghề môi giới: Cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; b) Có trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên; c) Đã qua sát hạch về kiến thức môi giới bất động sản. Chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản có thời hạn sử dụng là 05 năm. P/s: Muốn thi chứng chỉ này và đạt được nó ngon lành thì liên hệ tôi để tôi huấn luyện về luật và kinh doanh cho mà đi thi nhé. Bảo đảm tỷ lệ độ hơi cao luôn !
Tóm tắt lại thì, một người môi giới bất động sản chân chính phải là người:
+ Đáp ứng đủ hoặc tương đối các điều kiện theo quy định của luật;
+ Nhận thức việc cần ngày càng hoàn thiện các trách nhiệm, nghĩa vụ đối với các bên liên quan, đối với nghề nghiệp, và đối với chính mình;
+ Không ngừng nâng cao và tăng cường hiểu biết về nghề, kinh doanh, pháp lý trong hoạt động môi giới bất động sản. Trả lời các dứt điểm các câu hỏi liên quan đến sự băn khoăn của khách hàng về pháp lý, bản chất dự án, sản phẩm (đừng cố lừa lọc khách hàng bằng những thói ranh ma). Tôi nói thật với anh em, khách hàng bây giờ họ không NGU đâu, câu nói của anh em như thế nào họ đều nhớ rất kỹ và kiểm chứng bằng các thông tin khác nhau. Một khi họ phát hiện anh em nói dối, nói phét hoặc nói phóng đại các vấn đề lên thì anh em biết hậu quả như thế nào rồi đấy.
+ Anh em môi giới cũng phải học cách ứng xử với mỗi kiểu khách hàng khác nhau để làm hài lòng họ, cố gắng giải thích các vấn đề theo những phương pháp khác nhau mà anh em thấy nó hiệu quả. Bởi khách hàng là nguồn sống của an hem đấy. Đừng có khinh bỉ khách hàng, hoặc đừng mỉa mai khách hàng nhé.
+ Độc lập và tự chủ trong việc cung cấp dịch vụ môi giới cho khách hàng trong khả năng sẵn có của mình.
5. Tại sao nên làm việc với một môi giới bất động sản chân chính
Khi anh em là môi giới bất động sản chân chính, nhiều khách hàng sẽ muốn làm việc với anh em hơn là những môi giới nghiệp dư. Bởi những lý do dưới đây:
- Anh em đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật để trực tiếp thực hiện công việc tư vấn, môi giới cho khách hàng;
- Anh em am hiểu kiến thức về nhà đất, luật pháp, cập nhật các thông tin về thị trường bất động sản. Bên cạnh đó là một chút hiểu biết về phong thủy, kiến trúc, trang trí nội thất…..
- Anh em có nhiều kỹ năng mềm nổi bật để thu hút khách hàng;
- Anh em tuân thủ các quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp văn hóa, văn minh;
- Anh em giúp khách hàng sướng khi họ đạt được những giá trị họ cần một cách chuẩn xác, nhanh chóng, chuyên nghiệp và thuận tiện;
- Anh em lại còn hay theo dõi những bài viết của tôi để cập nhật thêm kiến thức về pháp lý và các thứ liên quan nữa để gia tăng hiểu biết (cái này quan trọng lắm nha)
Vì có những cái lý do ở trên nên khi làm việc với anh em môi giới chân chính khách hàng sẽ không phải lo ngại và đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn, vì đã có anh em xử lý những vấn đề sau cho khách hàng:
- Anh em giúp khách hàng hiểu rõ ràng về pháp lý dự án, pháp lý tài sản khi môi giới cho khách hàng mua cái đó;
- Anh em cho khách hàng một cái giá chuẩn, không phải giá thách thức kiểu trên tận mây xanh, anh em lấy hoa hồng một tẹo thôi để cho nó đẹp, chứ lấy quá mấy ông cò đất ngoài kia ông ấy lấy rẻ hơn là anh em mất khách ngay. Chú ý, đừng cho khách giá rẻ, cũng đừng cho khách giá đắt, mà hãy cho khách giá tốt nhé;
- Anh em tư vấn hợp đồng giấy tờ cho khách ngon lành để họ hiểu quyền lợi của mình;
- Anh em dùng các nghệ thuật kỹ năng mềm mỏng như tờ giấy để khách khen ngợi, nói tốt về mình và giới thiệu với các khách hàng khác để tiếp tục mua sản phẩm của anh em; truyền miệng nó mới nhanh chóng rực rỡ anh em nhé.
- Anh em còn trở thành nhà tâm lý, tâm sự đêm khuya, tâm sự mọi chuyển, tư vấn phong thủy, abc cho khách hàng và gần gũi với khách hàng như những người bạn thực sự thân quen. Khách hàng sẽ chẳng lo lắng gì mà không mua sản phẩm do anh em giới thiệu.
Thôi, viết đến đây thì cũng hơi dài, tôi sợ anh em đọc mệt nên tạm dừng tại đây. Nhưng, ít nhất qua bài này tôi cũng khắc họa đôi chút để anh em hiểu về nghề môi giới của anh và hiểu về cái gọi là một người môi giới bất động sản CHÂN CHÍNH anh em nhé.
P.s: Anh em thấy hay thì share bài cho tôi có động lực nhé. Tôi chúc anh em nào là môi giới chân chính rồi thì tiếp tục phát huy, anh em nào chưa là môi giới chân chính thì cố gắng thêm, còn anh em nào vẫn thích làm “Cò” thì chẳng sao, tùy duyên mà.
Tôi xin lưu ý, anh em nên đi CHÂN CHÍNH, chứ nếu mà đi CHÂN PHỤ nhiều quá thì cũng không ổn đâu, nó không được lâu bền. Cứ CHÂN CHÍNH mà đi cho tôi, kiểu gì thì kiểu anh em sớm hay muộn cũng thành TRÙM trong việc đọc vị chủ đầu tư, khách hàng, đối tác, đồng nghiệp.
Chúc các anh em sớm thành TRÙM trong ngành môi giới bất động sản!
Trân trọng,
(Theo Nguyen Anh)
Có lẽ bạn cần biết : Tại sao càng để dành tiền giá nhà đất càng vượt xa tiền để dành ?!
Tham khảo SÁCH: LÀM CÁCH NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH SALE BĐS ĐỈNH CAO
Khuyến cáo:
Mọi bài viết - ý kiến đóng góp chân thành xin gửi về cho chúng tôi qua Email: chodat.com.vn0@gmail.com. Chúng tôi sẽ cập nhật và bổ sung theo quy định hiện hành của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam. Xin cảm ơn quý Anh/Chị độc giả.
|
Được tài trợ:
Dịch vụ chạy quảng cáo Bất Động Sản: Chợ Đất
Bình Luận