FDI 6 tháng đầu năm Long An dẫn đầu
Long An đứng đầu với 3,57 tỷ USD. Nếu trừ ra dự án LNG hơn 3,1 tỷ USD thì 6 tháng đầu năm Long An vẫn hút được khoảng 450 triệu USD.
Dịch Covid-19 khiến vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giảm 2,6% so với cùng kỳ, còn 15,27 tỷ USD. Bộ KHĐT nhận định nhiều doanh nghiệp FDI vẫn đang hoạt động kinh doanh tốt.
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết từ đầu năm đến ngày 20/6, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,27 tỷ USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, vốn thực hiện lại tăng 6,8% và ước đạt 9,24 tỷ USD.
Cụ thể, có 804 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, giảm 43,3% nhưng tổng vốn đăng ký đạt gần 9,55 tỷ USD, tăng 13,2%. Ngoài ra, có 460 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 4,12 tỷ USD); có 1.855 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (1,61 tỷ USD, giảm 54,3%).
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành, lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 6,98 tỷ USD, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư 5,34 tỷ USD, chiếm gần 35% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là kinh doanh bất động sản, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký đạt 1,15 tỷ USD và 476 triệu USD. Còn lại là các lĩnh vực khác.
Xét theo đối tác đầu tư, đã có 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm. Đầu tư của một số đối tác lớn như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc đều tăng lên so với cùng kỳ.
Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,64 tỷ USD, chiếm gần 36,9% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng 3,6%; Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,44 tỷ USD, chiếm gần 16% tổng vốn đầu tư và tăng 66,8%. Vốn đầu tư của Singapore và Nhật Bản chủ yếu theo hình thức đầu tư mới, chiếm lần lượt 84% và 67,8% tổng vốn đăng ký của 2 quốc gia này.
Hàn Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,05 tỷ USD, chiếm 13,4% tổng vốn đầu tư, tăng 43,6% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan.
Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 56 tỉnh, TP trên cả nước trong 6 tháng đầu năm. Long An dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,57 tỷ USD, chiếm 23,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.
TP.HCM đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký 1,43 tỷ USD, chiếm 9,3% tổng vốn đầu tư. Cần Thơ đứng thứ 3 với 1,32 tỷ USD, chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Bình Dương, Hải Phòng và Hà Nội.
Lũy kế đến ngày 20/6, cả nước có 33.787 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 397,89 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI ước đạt 241,1 tỷ USD, bằng 60,6% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Về vốn đầu tư thực hiện, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 9,24 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2020. Số liệu này cho thấy mặc dù vẫn chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tiếp tục phục hồi và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt.
(Nguồn: CAFEF)
Đọc thêm : CÀNG ĐỂ DÀNH TIỀN GIÁ NHÀ ĐẤT CÀNG VƯỢT XA TIỀN ĐỂ DÀNH. TẠI SAO VẬY ? LÝ DO ?!
Khuyến cáo:
Mọi bài viết - ý kiến đóng góp chân thành xin gửi về cho chúng tôi qua Email: chodat.com.vn0@gmail.com. Chúng tôi sẽ cập nhật và bổ sung theo quy định hiện hành của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam. Xin cảm ơn quý Anh/Chị độc giả.
|
Được tài trợ:
Dịch vụ chạy quảng cáo Bất Động Sản: Chợ Đất
Bình luận