Tổng quan Quy hoạch tỉnh Long An Cập nhật năm 2023
TÓM LƯỢC QUY HOẠCH LONG AN.
Ngày 13/6/2023 Long An đã nhận quyết định phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Quyết định có 29 trang nội dung chính và 67 trang phụ lục gồm 25 phần, mình chỉ tóm lược những ý và nội dung mà bản thân thấy quan trọng trong vai trò một môi giới, ai muốn xem đầy đủ thì có thể tìm văn bản trên trang web luatvietnam.
1. Phụ lục 1 – Phương án phát triển đô thị.
Phấn đấu đến 2030 có 27 đô thị gồm: 1 đô thị loại 1 – TP Tân An; 1 đô thị loại 2 – thị xã Kiến Tường; 3 đô thị loại 3 – Bến Lức, Cần Giuộc, Đức Hòa; 9 đô thị loại 4 – Cần Đước, Đông Thành, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Trạch, Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Tân Trụ, Tầm Vu; 13 đô thị loại 5 – Rạch Kiến, Long Cang, Long Hựu Đông, Long Trạch, Mỹ Quý Tây, Bình Hòa Nam, Hưng Điền B, Khánh Hưng, Thái Bình Trung, Bình Phong Thạnh, Hậu Thạnh Đông, Tân Long, Lạc Tấn.
2. Phụ lục 2 – Phương án phát triển khu công nghiệp.
Phấn đấu đến năm 2030 toàn tỉnh có 51 KCN có tổng diện tích hơn 12.000ha với 34 KCN đã thành lập, 17 KCN thành lập mới. Ngoài ra có 37 KCN có tổng diện tích hơn 19.000ha, tiềm năng thành lập mới trong trường hợp tỉnh Long An được bổ sung điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Như vậy tầm nhìn đến 2030 nếu đạt thì hướng phát triển bất động sản công nghiệp của tỉnh còn dư địa tăng trưởng là khá lớn. Các KCN đã thành lập, thành lập mới khi đủ điều kiện và tiềm năng thành lập mới chủ yếu thuộc các huyện Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa, Đức Huệ, Tân Trụ, Thủ Thừa, Châu Thành, thị xã Kiến Tường.
3. Phụ lục 3 – Phát triển cụm công nghiệp.
Hiện toàn tỉnh có 17 CCN đã đi vào hoạt động, 27 CCN đang triển khai thủ tục đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, 28 CCN quy hoạch thành lập mới. Tổng diện tích các CCN này khoảng gần 4.000ha. Các CCN chủ yếu tập trung tại các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, TP Tân An, Tân Trụ, Tân Trạch, Đức Huệ, Vĩnh Hưng, Thạnh Hóa, Thủ Thừa.
4. Phụ lục 4, 5, 6 – Phát triển mạng lưới giao thông và logistics.
Hệ thống cao tốc và quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh gồm: cao tốc Bắc – Nam phía Đông, cao tốc Bắc – Nam phía Tây, cao tốc TP HCM – Trung Lương, cao tốc Long Thành – Bến Lức, tuyến cao tốc TP HCM – Tiền Giang – Bến Tre – Trà Vinh – Sóc Trăng, Vành Đai 3, Vành Đai 4, Quốc lộ 1, Quốc lộ 50, Quốc lộ 62, Quốc lộ N1, Quốc lộ N2 (nâng thành cao tốc Bắc – Nam phía Tây và 1 đoạn đầu tuyến nâng thành Vành Đai 4), Quốc lộ 14C, Quốc lộ 50B (trùng với ĐT 827E), Quốc lộ 30B, Quốc lộ 30C. Quy hoạch đến 2030 tất cả các tuyến cao tốc sẽ được nâng cấp 4-8 làn xe, quốc lộ 2-6 làn xe.
Hệ thống đường bộ do tỉnh quản lý gồm 53 tuyến đường tỉnh hiện hữu, 29 tuyến xây mới. Ưu tiên nâng cấp, xây dựng ĐT 827E, trục động lực Đức Hòa, đường song hành Quốc lộ 62, trục động lực Mỹ Quý Tây – Lương Hòa – Bình Chánh, đường Tân Lập – Long Hậu. Tất cả các tuyến đường sẽ được nâng cấp hoặc xây mới từ 2-8 làn xe tùy tuyến.
Đường sắt đô thị sẽ xây dựng mới 2 tuyến Hưng Nhơn – TP Tân An và bến xe Cần Giuộc mới – Cần Đước, nhằm kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh, phục vụ phát triển du lịch. Đường sắt chuyên dụng kết nối tuyến đường sắt TP HCM – Cần Thơ ra cảng Hiệp Phước qua các huyện Bến Lức, Thủ Thừa, Cần Đước, Cần Giuộc đi tiếp qua Nhà Bè, TP HCM.
Đường thủy: quy hoạch 18 cảng hàng hóa, quy mô đáp ứng tàu hàng có trọng tải 1.000-2.000 tấn; 17 cảng chuyên dùng, quy mô đáp ứng tàu trọng tải 200-5.000 tấn; 14 cảng hành khách; 2 cảng cạn tại Bến Lức và cảng cạn Tân Lập thuộc Thủ Thừa; hình thành 10 trung tâm logistics tại các huyện Cần Giuộc, Bến Lức, Châu Thành, Cần Đước, Đức Huệ, Tân Trụ và thị xã Kiến Tường.
5. Phụ lục 7, 8, 9 – Phát triển mạng lưới cấp điện.
Xây dựng trung tâm điện lực tỉnh Long An tại khu vực cảng Long An gồm 2 nhà máy điện khí sử dụng nguồn nguyên liệu LNG với công suất 1.500 MW – 3.000 MW, và 18 công trình nhà máy điện mặt trời. Đường dây lưới điện cao thế, trạm biến áp 500 kV – 220 kV – 110 kV sẽ được cải tạo và xây dựng mới qua các giai đoạn 2021-2025 (xây mới 403km, cải tạo 232km), 2026-2030 (xây mới 235km, cải tạo 115km), và ngoài 2030 (xây mới 48km, cải tạo 59km).
6. Phụ lục 14 – Phát triển hạ tầng y tế.
Nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho 12 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa cấp tỉnh, 16 trung tâm y tế cấp huyện và 4 cơ sở y tế khác. Xây mới 8 bệnh viện tại TP Tân An, huyện Bến Lức; và 5 cơ sở y tế khác.
7. Phụ lục 15, 16 – Phát triển hạ tầng giáo dục – đào tạo, giáo dục nghề nghiệp
Về giáo dục – đào tạo hiện toàn tỉnh có 2 trường đại học; 1 trường cao đẳng; 44 trường trung học phổ thông. Dự kiến xây mới 4 trường đại học, 13 trường trung học phổ thông và nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Về giáo dục nghề nghiệp toàn tỉnh có 4 trường cao đẳng và 3 cơ sở chi nhánh của cao đẳng Long An; 6 trường trung cấp; 6 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Định hướng phát triển hạ tầng, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị.
8. Phụ lục 17, 18 – Phát triển hạ tầng an sinh xã hội, văn hóa, thể thao.
Về an sinh xã hội, tỉnh sẽ củng cố, nâng cấp 9 cơ sở an sinh xã hội, và dự kiến xây mới thêm 7 cơ sở. Về văn hóa, thể thao: cấp quốc gia có 9 di tích dự kiến được tu bổ, nâng cấp; cấp tỉnh có 4 hạ tầng văn hóa, thể thao dự kiến cải tạo, nâng cấp và 3 cơ sở xây mới; cấp huyện có 28 hạ tầng văn hóa, thể thao dự kiến cải tạo, nâng cấp và 9 cơ sở xây mới.
9. Phụ lục 19 – Phát triển trung tâm thương mại, siêu thị.
Hiện tỉnh phát triển 16 trung tâm thương mại, 15 siêu thị tại TP Tân An, đô thị Bến Lức, Hậu Nghĩa, Đức Hòa, Cần Giuộc và thị xã Kiến Tường.
10. Phụ lục 20 – Chỉ tiêu phân bổ sử dụng đất đến 2030.
Theo quy hoạch từ 2020 đến 2030 thì đất nông nghiệp từ 78% giảm xuống còn 73%, đất phi nông nghiệp từ 22% tăng lên 27%. Đối với đất nông nghiệp thì diện tích đất trồng lúa và đất rừng sản xuất giảm, đất trồng cây lâu năm tăng, còn các loại đất khác gần như không có biến động. Đối với đất phi nông nghiệp, diện tích đất an ninh, đất KCN, đất giao thông, đất ở tại nông thôn được cơ cấu tăng khá nhiều so với các loại đất khác. Đối với đất chưa sử dụng, quỹ đất được tập trung tăng diện tích cho đất đô thị, khu đô thị, khu thương mại dịch vụ, khu dân cư nông thôn, khu phát triển công nghiệp, khu bảo tồn thiên nhiên.
11. Phụ lục 24 – Các dự án, danh mục ưu tiên đầu tư.
Về nông nghiệp có có 2 đề án, 1 chương trình thúc đẩy thương mại và đầu tư vào nông nghiệp; Về hạ tầng giao thông có 14 dự án được ưu tiên như vành đai 3, vành đai 4, ĐT 827E, trục động lực Đức Hòa, tuyến Quốc lộ N1, đường song hành Quốc lộ 62, đường Tân Tập – Long Hậu, trục động lực Mỹ Quý Tây – Lương Hòa – Bình Chánh…; Về cải thiện xã hội, môi trường và phòng chống biến đổi khí hậu các dự án ưu tiên đa số thuộc TP Tân An, Hậu Nghĩa, Đức Hòa, Đức Huệ, Cần Giuộc, Thủ Thừa, thị xã Kiến Tường; Về phát triển đô thị, dịch vụ, thương mại và logistics: đặc biệt có tới 16/18 dự án khu đô thị được ưu tiên, đa số thuộc các huyện Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức, TP Tân An, Thủ Thừa, thị xã Kiến Tường.
(Theo Trần Tuyến tổng hợp)
Khuyến cáo:
Mọi bài viết - ý kiến đóng góp chân thành xin gửi về cho chúng tôi qua Email: chodat.com.vn0@gmail.com. Chúng tôi sẽ cập nhật và bổ sung theo quy định hiện hành của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam. Xin cảm ơn quý Anh/Chị độc giả.
|
Được tài trợ:
Dịch vụ chạy quảng cáo Bất Động Sản: Chợ Đất
Bình luận