NGƯỜI THUÊ VĂN PHÒNG - CHDV - PHÒNG TRỌ ÔM HẬN VÌ ĐƠN VỊ THUÊ SỈ CHO THUÊ LẺ TRUNG GIAN PHÁ SẢN !
Hiện tại, ở cả mảng thuê chung cư, căn hộ dịch vụ, phòng trọ, mặt bằng,... nhiều Người Thuê Cuối đang ôm hận do gặp phải các đơn vị "Thuê sỉ - Cho Thuê lẻ" trung gian kém năng lực bị phá sản và thiếu trách nhiệm chơi chiêu bỏ của chạy, đặc biệt giai đoạn 2 năm khủng hoảng dịch bệnh. Điều này dẫn đến việc Chủ Nhà đuổi luôn Người Thuê Cuối. Không bàn về Cái Tình Mùa Dịch vì mình ko phải người trong cuộc, vậy dưới góc độ pháp lý thì các trường hợp này như thế nào. Mời mọi người cùng chia sẻ để học hỏi rút kinh nghiệm.
VD câu chuyện của anh Mai Quốc Bình công ty TGG như sau:
- Bên A thuê nguyên căn tòa nhà của bên B
- TTG thuê văn phòng của bên A
- Giờ bên A giữ tiền cọc của TTG và nợ tiền thuê nhà của bên B (chưa biết cụ thể nợ từ khi nào, chỉ biết ít nhất nợ từ đầu tháng 7/2021)
- Đầu tháng 7, bên B đề nghị TTG phải thanh toán tiền thuê văn phòng và tiền đặt cọc cho họ trước 15/9 (mới đầu là 15/8, sau họ gia hạn cho thêm 1 tháng) thì mới được thuê tiếp
- Do TTG ko thanh toán như yêu cầu vì cho rằng tiền của TTG bên A đang giữ, bên B tự đòi bên A, nên bên B đã gây áp lực khóa cửa văn phòng, cắt điện văn phòng TTG
-----
CÂU CHUYỆN FULL HD KHÔNG CHE DO ANH MAI QUỐC BÌNH CHIA SẺ:
Chúng tôi ký hợp đồng thuê tòa nhà văn phòng với một công ty A (một đơn vị kinh doanh lĩnh vực văn phòng cho thuê). Cty A thuê lại trọn gói tòa nhà từ Cty B (Là chủ đầu tư của tòa nhà) để vận hành và khai thác. Nhưng gần đây nghe nói Cty A gặp khó khăn về tài chính nên không hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Cty B với số tiền còn thiếu là 250 triệu. Đột nhiên, đầu tháng 7 Cty B gửi công văn yêu cầu trước 15/8 (sau đó lại đưa ra thời hạn là 15/9) khách thuê phải thanh toán tiền cọc và tiền thuê văn phòng hàng tháng, nếu không sẽ ném toàn bộ đồ đạc ra đường. Mặc dù Cty A vẫn giữ tiền các đơn vị thuê chúng tôi. Sau nhiều lần hăm dọa, dùng những từ ngữ khó nghe để ném về các khách thuê thì hôm nay họ đã đi bước đầu tiên. Đó là khóa cửa niêm phong tất cả các lầu, đã cho cắt điện của tòa nhà khiến hệ thống máy chủ của các khách thuê bị sập nguồn, không thể làm việc từ xa.
Cả 6 đơn vị thuê trong tòa nhà chúng tôi nói không với yêu sách đó của Cty B với lý do:
1. Chúng tôi có hợp đồng thuê với đơn vị A và vẫn còn hiệu lực với 3 – 5 năm. Giờ biết ông B là ai mà thanh toán, thanh toán rồi ông A đòi thì sao? Kể cả ông A khó khăn thật thì ông B đi mà đòi ông A vì ông A là khách hàng của ông B, rủi ro trong kinh doanh ông B phải tự giải quyết.
2. Ông B muốn chúng tôi thanh toán cũng được nhưng ông phải làm 3 việc:
(1) Cho chúng tôi thấy anh A với B có thỏa thuận sang nhượng lại hợp đồng cho thuê hoặc thỏa thuận hai bên đã thanh lý hợp đồng;
Và (2) Anh B phải chứng minh được mình là chủ sở hữu hoặc là người có quyền sử dụng, khai thác hợp pháp của tòa nhà;
Sau khi có được điều kiện (1) và (2) thì làm tiếp bước thứ (3) Ông B ký hợp đồng với các đơn vị thuê và cung cấp đầy đủ hóa đơn chứng từ để thanh toán.
Nhưng cả 3 việc đó ông B đều không làm được.
Chưa bao giờ mình lại gặp một công ty làm ăn kiểu côn đồ, bất cần như vậy, họ không coi những người đang sử dụng dịch vụ là khách hàng, đối tác của họ. Trong lúc dịch, CQ đang cấm mọi người dân ra đường, chúng tôi không làm được gì thì họ lại ép chúng tôi ra đường. Đáng nói hơn, ông B là một DN lớn, quy mô hàng ngàn tỷ, sở hữu nhiều khu công nghiệp, tòa nhà, khách sạn.
Thích côn đồ, chúng tôi chơi đến cùng.
Nói thêm là:
- Cty A còn thiếu Cty B 250 triệu. Vì Công ty A là một Startup không may bị khó khăn nên 6 khách thuê chúng tôi đã đề xuất là giờ sẽ chia nhau thanh toán thay cho Cty A số tiền đó cho B. Nhưng B một mực từ chối không chịu với lý do "Cty A đang nợ tiền cọc của mấy anh chị thì mấy anh chị đi mà đòi A. Còn các anh chị muốn thuê tiếp thì cứ vậy đặt cọc đủ cho chúng tôi (Tổng tiền cọc của 6 khách khoảng 1,3 tỷ) và hàng tháng thanh toán đủ tiền thuê theo hợp đồng. Chúng tôi không muốn giây dưa gì với A nữa". Như vậy là A đang giữ tiền cọc của chúng tôi 1.3 tỷ và hiện tại không có khả năng hoàn lại cho chúng tôi, B lại muốn lấy thêm 1,3 tỷ nữa.
- Về mặt pháp lý thì B hoàn toàn không có một cơ sở nào để gây khó dễ cho khách thuê cả vì họ không có hợp đồng với khách thuê, họ không chứng minh được mình là người sở hữu hoặc có quyền khai thác hợp pháp của tòa nhà. Vì hợp đồng giữa A và B chưa thanh lý thì A vẫn là người có quyền khai thác hợp pháp của tòa nhà. Chỉ có điều là giờ dịch bệnh chúng tôi không thể lên tòa nhà, không thể nhờ CQ can thiệp. Tận dụng lúc chúng tôi yếu nhất họ lại can thiệp, phá hoại tài sản.
Chưa bao giờ thấy cách hành xử nào vô lý, bất lương vậy. Đang lúc dịch bệnh không ai ra đường, không làm ăn gì được đáng lẽ cộng đồng DN phải hỗ trợ, giúp đỡ nhau nhưng họ lại ép những người khác đến cùng.
(Theo Lê Quốc Kiên - Mai Quốc Bình)
Trinh Van Binh
1. Chúng tôi có hợp đồng thuê với đơn vị A và vẫn còn hiệu lực với 3 – 5 năm. Giờ biết ông B là ai mà thanh toán, thanh toán rồi ông A đòi thì sao? Kể cả ông A khó khăn thật thì ông B đi mà đòi ông A vì ông A là khách hàng của ông B, rủi ro trong kinh doanh ông B phải tự giải quyết.
^
Chưa bao giờ mình lại gặp một công ty làm ăn kiểu côn đồ, bất cần như vậy, họ không coi những người đang sử dụng dịch vụ là khách hàng, đối tác của họ. Trong lúc dịch, CQ đang cấm mọi người dân ra đường, chúng tôi không làm được gì thì họ lại ép chúng tôi ra đường. Đáng nói hơn, ông B là một DN lớn, quy mô hàng ngàn tỷ, sở hữu nhiều khu công nghiệp, tòa nhà, khách sạn.2 đoạn này để thấy sự mâu thuẫn
Bach Nguyen
Có lẽ cần full 4K thì mới rõ chứ full HD chưa chắc giải ảo được.
Tuy nhiên lập luận của bên thuê (tạm gọi là bên C) thấy "yếu" về pháp lý:
1/. Với lập luận 1 của C thì chính C tự đẩy C vào cửa tử. Bên B (CHỦ TÒA NHÀ) sẽ lập luận tương tự C: đây là nhà của B. B cho A thuê (chứ không cho C thuê). Vậy C đang ở lậu/ở bất hợp pháp rồi. C trả tiền cho A (giống như mua vịt trời) thì tìm A mà đòi tiền, chứ ở nhà B là phải ký hđ thuê với B và trả tiền cho B.
----> Lẽ ra C phải lập luận rằng: trong hđ giữa A và B có điều khoản A toàn quyền CHO THUÊ LẠI toàn bộ hoặc từng phần tòa nhà ---> C phải xuất trình được điều khoản này.2/. Lập luận 2:
2.1/ Điểm 1: C CHẢ CÓ QUYỀN gì đòi B (chủ nhà) phải cho xem Hđ giữa A và B hoặc xem thanh lý hđ.
Nếu KHÔNG CÓ thanh lý hđ giữa A và B thì điểm 3 không thể thực hiện được ---> C phải cuốn gói ra đi trong một nốt nhạc.
Còn nếu KHÔNG CÓ HĐ giữa A và B thì còn chết dở cho C vì C đã "mua vịt trời" của A ---> C có quyền gì mà "SỬ DỤNG FREE" nhà của B2.2/. Điểm 2: C yêu cầu đúng. Nhưng (có lẽ) B có cái này (do đó mới nói cần full 4K để rọi).
2.3/. C yêu cầu đúng. Nhưng là 2 bên phải thương lượng với nhau để thực hiện tiếp việc thuê tòa nhà. Chứ không phải ra điều kiện vì C đang ở thế yếu.
----> Trong lập luận 2 thì có vẻ như điểm 1 và 2 là C "thua" ---> điểm 3 lại không phải là thế mạnh cho C để áp đặt B (mà là nên thương lượng để Win-Win).
Thực ra, C chỉ cần xuất trình được:
1/. HĐ giữa A và B có điều khoản A được toàn quyền cho thuê lại.
2/. HĐ + hóa đơn giữa A và C
để C đúng về pháp lý.NẾU CHẶT CHẼ NGAY TỪ ĐẦU THÌ KÝ HĐ 3 BÊN A-B-C để C THUÊ.
Tran Hai Bang
Cảm ơn Kiên đã chia sẻ 1 case rất hay trong mảng thuê - cho thuê lại. Ai khi đi thuê địa điểm cũng cần lường trước những tình huống ntn. Mình nghĩ C khi thuê địa điểm từ A thì có quyền yêu cầu bản copy của hợp đồng giữa A và B, do A không phải chủ sở hữu của địa điểm, để cân nhắc việc có kí hợp đồng với A hay không. Chặt chẽ nhất vẫn là kí hợp đồng 3 bên, điều mà chủ sở hữu BĐS thường muốn tránh do tốn thêm thời gian
To Van Hai
1. Bên B là chủ toà nhà, bên B có mọi pháp nhân, pháp quyền được luật pháp bảo hộ, bảo đảm theo luật cư trú, luật nhà ở,được tự do kinh doanh,….
2. Bên C có nói, chúng tôi thuê nhà của Bên A, Vậy căn cứ đâu chứng mình bên A có quyền cho thuê toà nhà, nếu bên A không có hợp đồng thuê nhà - quản lý toà nhà được Bên B chủ nhà công chứng, như vậy bên C đang nói dối, hoặc bên C thuê phải tài sản không có thật. Trong trường hợp này, Bên B sẽ tạo điều kiện cho bên C từ 15-30 ngày để Bên C báo bên công an hoặc kiểm trả lại hợp đồng với bên A xem chỗ kỹ,…. Sau thời hạn, bên B được mọi quyền tống cổ bên C nếu không trả tiền thuê nhà,…
3. Nếu có hợp đồng giữa bên A và Bên B về việc quản lý và cho thuê toà nhà, bên B phải thông báo cho bên C, Bên C phẩy đang thuê và sử dụng về hợp đồng, về thời hạn đóng tiền. Sau thời gian đó, bên C và C phẩy sẽ phải ra đường nếu không đóng tiền, không thương lượng lại được với bên B
4. Anh em đi thuê văn phòng đều giống bên C, lúc ký hợp đồng, đều phải xem kỹ pháp quyền- pháp nhân của toà nhà, ủy quyền hay hợp đồng kia có vấn đề gì không….
Le Quoc Kien
Muốn học hỏi được nhiều nhất mọi người cần có góc nhìn khách quan. Để có góc nhìn khách quan, ae cần bỏ qua các mặc định sau:
1. Người quen/ người thân của mình luôn đúng, người lạ luôn sai
2. Doanh nghiệp lớn nhiều tiền là đám cường hào ác bá luôn hiếp đáp người yếu; Doanh nghiệp nhỏ mới startup trẻ người non dạ rất đàng hoàng đáng thương. (Kiểu như tai nạn giao thông xảy ra thì xe máy luôn đúng ô tô luôn sai)
3. Doanh nghiệp lớn có phòng pháp chế nên chắc chắn đúng; Doanh nghiệp nhỏ thường ko rõ pháp lý nên chắc chắn sai
4. Mình ghét thằng đó nên thằng đó làm cái gì cũng là sai; mình thích thằng này nên thằng này làm cái gì cũng đúng
Vu Phong
Lê Quốc Kiên khuyến mại cho chủ tút thêm một thành phần nữa nhé:
5. Người có chuyên môn giỏi (người nổi tiếng) thì không nên tin khi họ nói về lĩnh vực không phải chuyên môn chính của họ.
Khuyến cáo:
Mọi bài viết - ý kiến đóng góp chân thành xin gửi về cho chúng tôi qua Email: chodat.com.vn0@gmail.com. Chúng tôi sẽ cập nhật và bổ sung theo quy định hiện hành của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam. Xin cảm ơn quý Anh/Chị độc giả.
|
Được tài trợ:
Dịch vụ chạy quảng cáo Bất Động Sản: Chợ Đất
Bình luận