Nông dân bán đất giàu chụp giật

Lượt xem: 1661 ||| Lượt thích: 0

 

 

 

 

Nông dân bán đất giàu chụp giật
 

Nông dân bán đất, giàu chụp giật

Một trong những trào lưu trong vài năm trở lại đây khi giá đất liên tục leo thang là nông dân cảm thấy mệt mỏi với việc thức khuya dậy sớm, rồi khi được cò đất hỏi mua với giá cao, họ gật đầu đồng ý không suy nghĩ. 

Bong bóng bất động sản ở Việt Nam đã làm cho nhiều người giàu nhanh chóng, như tiền từ trên trời rơi xuống. Nông dân cũng không phải là ngoại lệ. Thậm chí, nếu từ tay trắng hóa đại gia là cổ tích thì bây giờ những câu chuyện như vậy có thừa.

Nhưng đó chỉ là bề nổi của thịnh vượng chụp giật. Một nền kinh tế nông nghiệp nhưng lại giàu nhờ bán đất thì sớm muộn gì cũng suy tàn vì mất đi khả năng cạnh tranh của mình. Đây không phải là bài phân tích, mà chỉ là góc nhìn.

Vấn đề như sau.

Nông dân là những người làm nông, dù là trồng lúa hay trái cây, họ là những người tạo ra những sản phẩm bạn tiêu thụ mỗi ngày. Từ bó rau mua ngoài chợ, dĩa cơm ăn vội vào giờ trưa hay tô canh tối với gia đình. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo thứ ba trên thế giới minh chứng cho nguồn lực tự nhiên này.

Để làm nông nghiệp thì nông dân cần đất. Một khi họ bán đất rồi thì coi như mất công cụ để làm ra tiền. Giống như con cá đi bán nước, để rồi không còn chỗ bơi.

 

Vũng Tàu, nhà của mình, là một ví dụ.

Như bao nơi khác ở Việt Nam, trước đây đa số người dân làm nông. Họ trồng điều, nhãn và đi biển đánh cá. Đất là thứ dư thừa nhất, chỉ sau nước biển.

Từ những năm 2000 trở đi, vì may mắn được đầu tư khai thác dầu khí, nên Vũng Tàu phát triển vượt bậc. Từ một thành phố biển nhỏ, nó trở thành một trung tâm kinh tế. Hiện tại, Vũng Tàu đứng đầu trong nước về sản lượng trên đầu người tính theo sức mua. Một thành tích không tệ đối với một vùng đất nhỏ.

Kết quả là giá đất tăng chóng mặt. Bây giờ, một mét vuông được rao bán với giá hơn 40 triệu đồng, ở khu trung tâm thì gấp vài lần. Vậy là cao hay thấp? Hãy thử hình dung điều này.

Lương bình quân chỉ tầm 4-5 triệu một tháng hoặc tầm 50 triệu mỗi năm, đó là chưa trừ chi phí sinh hoạt. Một người Vũng Tàu bình thường đi làm quanh năm suốt tháng chỉ đủ tiền mua được một mét vuông đất, thậm chí là chưa tới.

Nếu có một từ nào đó để miêu tả thì có lẽ là “Điên rồ.”

Cũng từ đó, nhiều người dân địa phương bắt đầu bán bớt đất. Vì mệt mỏi với làm nông, cực nhọc quanh năm suốt tháng nhưng tiền thu lại quá ít, không như giá đất, vốn tăng không trần. Họ bán rồi có trong tay số tiền tỷ đồng. Sau đó họ mua xe, ăn chơi, xây nhà trọ và hưởng thụ cuộc sống như tiền sẽ tự động chảy 3như thác nước.

Mình không trách họ, vì khi lợi nhuận kiếm được từ cả năm làm nông chỉ bằng một nhỏ so với mức tăng giá của đất, thì không có lý do gì để tiếp tục. Đó là một bất công những người sản xuất đang đối mặt.

Nhưng chỉ sau một khoảng thời gian thì nhiều người lại trắng tay vì đã tiêu hết tiền bán đất kia. Vì không có học thức, nên họ không biết dùng số vốn đó để tiền đẻ ra tiền. Vì trước đây chỉ biết bán mặt cho đất và bán lưng cho trời, khi cầm số tiền lớn trong tay, họ chỉ biết thể hiện qua những cuộc ăn chơi và chuyến du lịch. Vì không có kinh nghiệm kinh doanh, nên khi mở quán hay làm ăn gì thì cũng nhanh chóng thua lỗ.

Số tiền khổng lồ kia dần dần bớt đi và đến lúc nào đó, tài khoản hiện lên con số không. Nghèo lại hoàn nghèo.

Đó là một trong những hậu quả của sốt đất. Nó làm con người có tư duy chụp giật.
Thay vì đầu tư làm nông nghiệp hay sản xuất bền vững, bong bóng bất động sản thúc đẩy con người kiếm tiền nhanh để hưởng thụ. Từ những cá nhân tạo ra sản phẩm và dịch vụ, họ trở thành người tiêu thụ mà không có khả năng tái tạo những thứ mình đã mua.

Nếu đến Vũng Tàu, bạn sẽ thấy sự giàu nghèo rõ rệt giữa những hộ gia đình trúng đất và người lao động. Những căn nhà vài trăm mét vuông hay những biệt thự vài tầng ven đường, không phải là thành tựu của trí óc hay bàn tay kiến tạo, mà là kết quả của sự may mắn trong trò xổ số đất. Sống trong những lâu đài đến từ hư vô đó, nhưng họ cũng không thể mua được nơi tương tự. Ngoài việc đi ra đi vào để thu tiền trọ và mặt bằng, họ chẳng cần làm gì thêm.

Điều đó không hề sai, nhưng đó là một sự khôi hài. Một bên sản xuất, còn một bên thì ngồi không.

Vũng Tàu chỉ là một trong hàng ngàn nơi khác chứng kiến điều đó. Từ Phú Quốc, Bình Dương, Nha Trang, Quảng Nam cho đến Đà Nẵng, mọi nơi đang sốt đất và câu chuyện trên như được lặp lại y chang như một vở bi kịch.

Đó là nông dân làm nông, chán nản, thấy giá đất tăng, họ bán, rồi tiêu hết tiền, và sau đó trắng tay trở lại.

Không phải ai cũng vậy, có người biết sử dụng đồng tiền khôn ngoan. Họ trở thành chủ trọ, chủ quán ăn và nuôi dưỡng con cái nên người. Nhưng hỏi bất cứ ai ở những nơi sốt đất, bạn sẽ nghe điều ngược lại.

Những tòa nhà cao tầng, khu nghỉ mát, khách sạn, nhà hàng, quán nhậu hay khu ăn chơi chỉ là hào nhoáng bên ngoài. Đó là sự thịnh vượng trên vỏ bọc và giàu có giả tạo. Vì những người dân bán đất và thành tỷ phú năm nào, bây giờ không đủ tiền để mua lại một phần nhỏ của nơi trước đây là của mình.

Sau khi trở nên giàu có bất chợt, họ lại ở thuê trên chính mảnh đất của mình, và đồng lương lại trở nên quá nhỏ bé.

Thay vì có sự gia tăng về năng suất lao động, hay một giờ làm việc có thể đổi lấy nhiều hàng hóa hơn, thì điều duy nhất tăng là giá nhà đất. Đó không phải là phát triển mà là lạm phát.

Thay vì sản xuất, chúng ta lại phá hủy cỗ máy tạo ra của cải. Ảo giác tiền tệ đã kéo con người từ những thành viên có ích, để trở thành con số vô danh. Thành tích của giàu chụp giật từ đất.

Nói vậy, không phải để lên án ai, vì mỗi cá nhân có quyền lựa chọn. Nhưng cho dù quan điểm là gì, thì quy luật không hề khác. Đó là bong bóng tài chính nào cũng sẽ vỡ. Chỉ có sản xuất mới có thể tạo ra của cải và chỉ có tri thức mới xây dựng được sự thịnh vượng.

(Theo Nguyễn Trọng Nhân | 29.6.2022)

Kenny Truong

Tại sao ko chuyển đổi từ nước nông nghiệp lên nước có ngành công nghiệp không khói đẳng cấp quốc tế?

Kien Nguyen

Nhà đầu tư bỏ nhà máy thích đi buôn bđs hơn :)

Loan Nguyen

mong sau này luật đất đai siết chặt lại, chứ giờ bđs ngáo giá quá, toàn đầu cơ mua đi bán lại, kéo giá leo thang

Nguyen bao Anh

티미르 luật hông bao giờ thành đc nha nha. Những kẻ nhìu đất lại đang cầm cân nẩy mực. Người dân thì chỉ cần 1 cái nhà chui ra chui vô là đủ. Nhưng có những kẻ mua 5-7 căn nhà. Tiền dơ, tiền bẩn cũng rửa thành tiền sạch. Thế nên khó mà thay đổi.

Loan Nguyen

Nguyen Bao Anh đang dự kiến đánh thuế ng có nhiều tài sản bđs, nhưng nó chuyển nhường cho gđ cũng vậy, haizzz

Nguyen Bao Anh

티미르 ừa, dự thảo thui, dời tới dời lui quài à. Hỏi thiệt ai có tiền nhiều như cán bộ? Mà cán bộ ra luật thì khác chi tự triệt nhau. Thui, hông trông chờ gì đc đâu.

Tu Huynh

Đất đai từ xa xưa là do ông bà tổ tiên khai hoang và canh tác, nhưng sở hữu của nhà nước giờ có giá thì bán mẹ đi có tiền cho con cái học hành và vốn làm ăn. Chứ bắt chúng nó tiếp tục bán mặt cho đất bán lưng cho trời hoặc bán mồ hôi trong các nhà máy, kcn mà có đủ ăn kg. Đồng ý là sản xuất sẽ tạo ra của cải và xuất khẩu sẽ thu ngoại tệ và tạo thặng dư cho XH, nhưng bản chất doanh nghiệp VN, người VN có làm được hiệu quả không hay là đi bằng đôi chân chống nạn FDI. Cái nào có lợi trước mắt thì họ quất thôi đừng nói nhiều

Hải Trường

Vậy bán hết chi. Bán 1,2 sào lấy vốn thôi chứ anh dân Đất Đỏ, Tóc Tiên, Châu Pha… trước giờ đất phải tính bằng vài hecta

Nguyen Quoc Minh

Nói như tác giả bài viết thì nên dẹp luôn các loại group buôn bán bđs đi vì ko đem lại nguồn lợi sx trực tiếp. Việc nông dân bán đất có số tiền lớn nhưng tiêu sài hoang phí thì cũng đem lại lợi ích cho những người cung cấp dịch vụ mà. Do họ không khôn ngoan thôi trách ai được. Hiểu ý tác giả là bán đất xong sau này ko sản xuất trồng trọt được. Nhưng chủ yếu là do chủ đất không biết cách tái đầu tư kinh doanh.

Linh Vương

Người đầu tư đất kiếm lợi dc thì cũng ko ai trách, vì ai cũng có chí hướng làm giàu hợp pháp, tuy nhiên nếu ko kiểm soát để sốt đất xảy ra liên tục thì đúng đó là hệ luỵ quá lớn của xã hội

Nguyen Thanh Long

1 gd có 1 mẫu đất, làm cả đời có khi không đủ ăn, đùng cái người ta vô mua 1 sào 2 tỷ ông bán ko. Đừng nói với tôi là ông ko bán nha.

Nguyen Hung

Nói chung là “ đất ko tự sinh ra và mất đi , nó chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác , từ người này qua người khác và bản chất vẫn ko thay đổi “ 

 

 

 

Khuyến cáo:

  • Bài viết KHÔNG PHẢI lời khuyên tư vấn tài chính - đầu tư - pháp lý chính xác 100%. Vui lòng xem qua Tuyên bố Miễn trừ trách nhiệm Nội dung của chúng tôi.

  • Bài viết có thể có thể bị trì hoãn, chưa cập nhật, bỏ sót hoặc thiếu chính xác tại thời điểm quý độc giả xem.

  • Chợ Đất cố gắng mang đến nhiều thông tin đa chiều nhất có thể từ quý độc giả và nhiều nguồn minh bạch nhất có thể.

  • Quý Anh/Chị trước khi đầu tư - mua bán - giao dịch xin cân nhắc thật kỹ.

  • Chúng tôi không chịu trách nhiệm trước mọi tình huống không mong muốn liên quan đến thông tin được đăng tải trên bài viết (nếu có).

Mọi bài viết - ý kiến đóng góp chân thành xin gửi về cho chúng tôi qua Email: chodat.com.vn0@gmail.com. Chúng tôi sẽ cập nhật và bổ sung theo quy định hiện hành của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam.

Xin cảm ơn quý Anh/Chị độc giả.

 

 

 

Được tài trợ:

Dịch vụ chạy quảng cáo Bất Động Sản: Chợ Đất

Dịch Vụ Quảng Cáo Bất Động Sản Uy Tín Hàng Đầu HomeHere.vn

 

[LIKE] Bài viết hay

 

Bài viết chưa đủ với bạn ? Hãy tìm kiếm !

 

Bình Luận