Lịch Ta và nền văn hoá Lúa nước Cổ Truyền Việt Nam

Lượt Xem: 1625 ||| Ngày Đăng: 2023-06-06 05:21:32 ||| Lượt Yêu Thích: 0

 

 

 

 

Lịch Ta và nền văn hoá Lúa nước Cổ Truyền Việt Nam

LỊCH TA VÀ NỀN VĂN HOÁ LÚA  NƯỚC CỔ TRUYỀN


( Trần-Quốc-Vượng)

THỜI GIAN, gắn liền với Không gian, tồn tại KHÁCH QUAN trong từng sự vật, từ thế giới vi mô đến thế giới vĩ mô. 

Con người cổ xưa, làm ăn và lễ lạt, “trông trời, trông đất, trông mây; trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm”… Nhìn mặt trời “mọc” và “lặn”, nhìn bóng mình, bóng cau, bóng mái nhà soi trong nắng, ngắn-dài hay “tròn bóng”; Trông trăng, trăng tròn-trăng khuyết, “trăng lên, trăng đứng, trăng tàn” ; Trông sao, sao Hôm-sao Mai, chuôi sao Bắc đẩu… mà Nhận Thức thời gian đắp đổi và định ra Thời Gian Con Người, Thời Gian Xã Hội.

“Thời”, “Thì” chuyển vào “Đời”, đời sống, đời người: dậy thì-đương thì-lỡ thì-quá thì…“Năm” trở thành “Tuổi”: tuổi thơ, tuổi trẻ, tuổi già, “mỗi xuân mỗi tuổi như đuổi xuân đi”. “Mùa” cũng là “vụ”: vụ chiêm-vụ mùa… Và thêm nữa những khái niệm cao hơn: giai đoạn, thời kỳ, kỷ nguyên, thời đại…

Cùng với thời gian diễn biến, con người cũng THỂ CHẾ HOÁ THỜI GIAN, xây dựng Cơ Cấu Thời Gian thành Lịch. LỊCH là Cái Biểu Thời Gian Khách Quan Đã Được Nhận Thức qua Chủ Quan của con người, vì con người. Nhận thức ấy có tính Động qua Lịch sử, qua Không gian, tuỳ thuộc mỗi cộng đồng-tộc người, mỗi vùng văn hoá, mỗi khu vực văn minh, tuỳ theo trình độ sống-chất lượng sống, trình độ văn hoá-chất lượng văn hoá… LỊCH đã, đang và sẽ còn được xem xét lại và cải tiến không ngừng, cho tiếp cận ngày càng sát đúng với Thời tiết (năm)-Tuần trăng (tháng)-ngày đêm, giờ khắc… 

Nếu mỗi con người là mỗi “đồng hồ sinh học” trong thời sinh học con người thì mỗi vùng trời, vùng đất, vùng người cũng đã và cần có mỗi lịch, mỗi giờ-khắc-tháng-năm riêng, trong nền lịch chung nhân loại. Cần cái CHUNG, mà cũng cần cái RIÊNG.

Từ vài ba ngàn năm trước Công nguyên, trước ảnh hưởng văn minh Trung Hoa và Ấn Độ xuống/và sang miền Đông Nam Á từ Trường Giang tới miền bán đảo Đông Dương - những cư dân cổ ở khu vực này chủ yếu là những cộng đồng tộc người Tày-Thái cổ, Môn-Khơ me cổ, Tạng-Miến cổ, Mã Lai cổ… mà sử sách gọi phiếm xưng là Man, là Việt (Bách Việt) – đã xây dựng thành công một Miền Văn Hoá Lúa Nước, một khu vực Văn Minh Nông Nghiệp Lúa Nước, trong đó có Văn Minh Châu Thổ Sông Hồng, hay Văn Minh Đông Sơn, mà đỉnh cao biểu tượng là Trống Đồng. Hơn bất cứ việc gì hết, nghề trồng lúa nước đòi hỏi phải Nắm Vững Thời Tiết. 
Ở một vùng châu Á gió mùa, mà khí hậu tuy nói chung là nóng ẩm (hằng số khí hậu) nhưng thời tiết lại đầy biến động, thất thường (biến số thời tiết)… những người chủ của nền văn hoá-văn minh này đã đề cao trên hàng đầu Bảng Giá Trị Văn Hoá việc nắm vững yếu tố THÌ (thì thời gian, thời vụ): “Nhất Thì Nhì Thục”, “Biết Sự Trời, Mười Đời Chẳng Khó (nghèo)”.

Và bởi thế, người ta đã xây dựng một thể chế Lịch 12 Con Vật (Lịch này của miền Đông Nam Á cổ, không phải gốc Trung Hoa hay Ấn Độ). 
[Không thể nào quan niệm nổi một cư dân (người Việt cổ) đã biết trồng lúa hai mùa mỗi năm từ trước Công nguyên (“Lúa Giao Chỉ, chín 2 mùa, tháng 5 chín, tháng 10 lại chín” – Dị Vật Chí quyển I của Dương Phù, đầu thế kỷ I), đề cao yếu tố “Thì” lên hàng đầu việc làm ăn, mà lại không có Lịch của riêng mình! Ngày xưa, mỗi thành tựu văn hoá lớn nào của người Việt Nam, người ta cũng cố tìm cội nguồn nơi Trung Quốc. Đó là tâm lý Tự Ty Dân Tộc không đúng đắn.]

NĂM gồm 12 tháng; THÁNG theo tuần trăng (tháng => Blăng => Trăng), có 2 loại, tháng thiếu 29 ngày, tháng đủ 30 ngày. NGÀY (hrei Chàm, thngay Khơ me) gồm nửa sang (ban ngày)-nửa tối (ban đêm), và gồm 12 GIỜ, từ “nửa đêm về tối”.

 LỊCH ấy, về cơ bản là xuất phát từ việc nhìn Ngắm Trăng: “Mồng Một lưỡi trai, mồng Hai lá lúa, mồng Ba câu liêm, mồng Bốn lưỡi liềm, mồng Năm liềm giật, mồng Sáu thật trăng… mười rằm trang náu, mười sáu trăng treo, mười bảy sảy giường chiếu…; nhìn Ngắm Sao, “sao Hôm sao Mai, hay “Đêm đêm tưởng giải Ngân hà/Chuôi sao Bắc đẩu đã ba năm tròn”. Nhưng lịch ấy cũng căn cứ vào cả chuyển động của mặt Trời. Người ta chiêm nghiệm: “Đêm tháng Năm chưa mằm đã sáng (tiết Hạ chí) – Ngày tháng Mười chưa cười đã tối” (tiết Đông chí).

Người ta bắt đầu “đọc” được Nhịp Điệu Thời Gian qua những nhịp hoa văn lặp đi lặp lại trên đồ gốm Phùng Nguyên, tiền Đông Sơn (đầu thiên niên kỷ II trước Công nguyên). Người ta đã tìm cách “đọc” Lịch Lạc Việt ghi trên trống đồng, thạp đồng Đông Sơn (thiên niên kỷ I trước Công nguyên) mà ngoài công dụng thực tế (nhạc cụ, đồ đựng…) người ta đã thấy chúng còn là, hay chủ yếu là, những vật Biểu Tượng Của Vũ Trụ: Mặt trời giữa mặt trống, nắp thạp với 12-14 cánh sao, 4 chim mỏ dài nối nhau bay ngược chiều kim đồng hồ trên đa số trống Đông Sơn (4 mùa ?), 4 cặp trai gái giao phối hồn nhiên trên nắp thạp với mặt trời Đông Sơn ở giữa (4 tiêu điểm Xuân phân-Hạ chí-Thu phân-Đông chí ?), 6 hình thuyền bơi quanh thân thạp, mỗi thuyền có khắc lớp tách đôi, mỗi nửa có nhiều khắc nhỏ (tháng, ngày ?)… Lịch ấy - đúng hơn là “mảnh vụn” của lịch ấy – còn đọng lại trong phôn-cờ-lo (Folklore) Việt-Mường-Tày-Thái-Lô lô- Hà Nhì…

Sao chăng nữa, lịch Đông Nam Á cổ 12 con vật, lịch của toàn miền văn hoá tộc người trồng lúa nước không phải chỉ là lịch trăng (âm lịch) mà đã là Lịch Trăng-Trời-Sao (âm dương hợp lịch).

Nền văn minh Trung Hoa cổ, xuất phát từ một cơ tầng văn hoá trồng khô (culture sèche, kê, cao lương…) ở miền hoàng thổ (loess) trung du Hoàng hà, trải các đời Thương-Chu-Tần-Hán-Sở, đã có Một Loại Âm-Dương Lịch Khác, khá là tiến bộ: Giờ, ngày, tháng, năm được mã hoá theo hệ thống CAN (10), CHI (12) với chu kỳ Hoa giáp 60 (giáp tý – quý hợi) và đang trong quá trình cải tiến, biến đổi (Lịch Thương “kiến Sửu”, tháng 12 là tháng đầu năm; lịch Chu “kiến Tý”- tháng 11; lịch Tần-Hán-Sở “kiến Hợi”-tháng 10); thứ tự tháng tương đối với cái gọi là Lịch Hạ “kiến Dần” (tháng Giêng). Về Lịch Hạ xin xem đoạn sau sẽ rõ.

Từ Tây Chu-Xuân Thu (khoảng thế kỷ VIII trước Công nguyên) ở miền bình nguyên Giang Hán (trung lưu Trường Giang) xuất hiện Nước Sở là một quốc gia phi Hoa rồi nửa Hoa và cuối cùng Hoa hoá ở thượng tầng (tầng lớp thống trị), còn tầng nền vẫn là cư dân trồng lúa nước. Nhà Chu ban đầu gọi Sở là “Kinh man”, “Sở man”, không coi là Hoa Hạ. Vua Sở xưng VƯƠNG cho ngang vế với nhà Chu, cũng tuyên bố rõ “Ta là man di, không cùng thuỵ hiệu với Trung Quốc (chỉ Chu), (xem Tư Mã Thiên, Sử Ký, Sở Thế Gia…). Các vua Sở đều có danh hiệu Hùng熊- tức KHUN, CUN- chức vụ “thủ lĩnh” của người phương Nam, phi Hoa Hạ. Nước Sở ở trung lưu Trường Giang, cũng như các nước Ba, Thục ở thượng lưu và Ngô, Việt ở hạ lưu Trường Giang đều xuất phát từ một nền tảng văn hoá phi Hoa (văn hoá lúa nước) rồi mới dần dần bị Hoa hoá.
Vua Sở thấy ở vùng lãnh thổ mình cai trị Cư Dân Trồng Lúa Nước (với thủ lĩnh huyền thoại hay anh hùng văn hoá Là Viêm đế (vua xứ nóng) Thần Nông (khác Hoàng đế là thủ lĩnh thần thoại hay anh hùng văn hoá của ngừoi Hoa) Đã Có Sẵn Một Thể Chế Lịch 12 Con Vật Ứng Với Nghề Nông Trồng Lúa Nước Và Các Nghi Lễ Nông Nghiệp Kèm Theo (Tết Đoan ngọ 5/5 thuộc tiết Hạ chí, Tết Cơm Mới 10/10 quanh tiết Lập Đông, tết Trung thu 15/8 quanh tiết Thu phân… đây vốn là nghi lễ nông nghiệp vùng văn hoá lúa nước không phải gốc Trung Hoa, cũng như các sự tích mưa ngâu (chàng chăn trâu-nàng canh cửi), hai sao Khiên ngưu và Vụ nữ đều thuộc phân dã đất Việt (xem Hán thư - Địa lý chí).

Các nhà thiên văn lịch pháp học của Sở đã Cải Tiến lịch này, bổ sung bằng những kinh nghiệm và kiến thức thiên văn phong phú của Trung Hoa. 
[Các “mảnh vụn” của lịch cổ truyền (bằng lời, bấm đốt tay) còn đọng lại ở dân gian Việt-Mường-Tày-Thái-Lô Lô-Hà Nhì… Nếu sưu tầm, nghiên cứu, đối chiếu với âm, dương lịch ngày nay thật cẩn thận thì có thể phục chế được bảng lịch cổ ngàn xưa].

Đó là Lịch Tháng Giêng (Dần) là tháng đầu năm, muộn hơn 2 tháng so với lịch Chu đương thời (Sở tỏ ra khác Chu, sử dụng lịch văn hoá phương Nam). 
Người ta dùng chữ nghĩa Trung Hoa và hệ Can-Chi biên soạn thành sách “Kinh Sở tuế thời ký”. Để tỏ ra cổ xưa hơn cả Chu đương thời, người ta “thác cổ” (giả danh mượn tiếng xưa – một tâm lý phổ biến của người xưa ở phương Nam trước áp lực ngày càng nặng nề của văn minh Hoa Hạ, gọi là tâm lý “Nam nhân, Bắc hướng”) gọi đó là Lịch Đời Hạ. 
Y như các vua phương Nam, để tỏ ra “không kém Trung Quốc” (vô tốn Trung Hoa) cũng “đẩy” tổ tiên của mình lên ngang thời “tam đại” hoặc tìm gốc phương Bắc (Thái Bá, Trọng Ung) cho “oai” hơn…

Tần thay Chu (vốn ở phía Tây Nam của Chu, bị Chu xem là Nhung (phi Hoa) gần với dân du mục Trung Á), thay luôn cả tháng gốc của lịch Chu để tỏ ra “mới”, “sửa chính sóc”. Hán thay Tần, các đời vua đều theo các thể chế của Tần, kể cả thể chế lịch. Thế nhưng Hán Lưu Bang cũng như Sở Hạng Võ, vốn đều là người nước Sở, tập nhiễm sâu sắc văn hoá lúa nước phương Nam. Đó là một chuyện.

Nền tảng kinh tế nông nghiệp Trung Hoa, cây  lương thực nuôi sống người Hoa là Kê và Cao Lương. Đời Thương bắt đầu trồng Mạch (kiều trồng khô) do chịu ảnh hưởng từ miền Kapkadơ, Trung Á, song các nghiên cứu lịch sử nông nghiệp hiện đại Trung Quốc đều thừa nhận là cho đến trước đời Tần, mạch chưa phải là nguồn lương thực lượng yếu của người Hoa. 

Lúa Gạo cũng vậy, người Hoa biết trồng lúa gạo từ Thương-Ân, song đến cuối Xuân Thu (VI-V trước Công nguyên) Khổng Tử người nước Lỗ còn bảo ăn toàn CƠM là cực kỳ lãng phí ! 
Sau đó Tần diệt Thục, diệt Sở, xâm lược Bách Việt (218-209 trước Công nguyên) và nhất là Hán Vũ đế (140-87 trước Công nguyên) đã bành trướng mạnh mẽ xuống phương Nam chiếm hết đất Việt, thì Lúa Gạo dần đã trở thành nguồn lương thực chính của Trung Hoa (cho đến thập kỷ 50 của thế kỷ XX, Hoa Bắc không tự túc được lương thực, phải nhờ vào lúa gạo của Hoa Nam). 

Thế là từ Hán Vũ đế trở đi, văn minh Hoa hạ đã Hội Nhập Văn Minh Lúa Nước Phương Nam. Và Hoa Nam trở thành địa bàn lương thực chính của toàn đế chế Hán. 
Đó là hai chuyện.

Chính dựa trên những điều kiện đó mà khoảng năm 104-103 trước Công nguyên, Hán Vũ đế đã lệnh sửa “chính sóc”, ban hành lịch mới (Thái sơ), bảo là trở về với Lịch Hạ, “kiến Dần”, kỳ thực là dùng lịch của miền Kinh Sở, Miền Văn Minh Lúa Nước Phương Nam.
Nhờ thiên Nghiên Điển ở Kinh Thư… người ta đã biết được Lịch Chu. Nhờ văn giáp cốt đào thấy ở Ân Khư, người ta biết qua loa lịch Thương Ân. Nhưng cho Đến Nay, Giới Khảo Cổ Học Trung Quốc (rất đông) Đã Đào Đâu Ra Cái Lịch Đời Hạ, Với Tảng Nền Văn Hoá Hạ ?

Cái gọi là “lịch Hạ kiến Dần” thực ra là lịch Sở, lịch của miền Kinh Sở (Hồ Bắc-Hồ Nam), miền văn hoá lúa nước. Lịch ấy được người Hoa “Chữ Nghĩa Hoá” thành sách vở, trải rất nhiều lần cải tiến từ Hán đến Thanh, đã trở thành lịch âm – dương của Á Đông hiện nay, mà nhiều người quen gọi là LỊCH TÀU, và cũng có thời (thuộc Pháp) gọi là LỊCH TA.

Đúng ra, phải gọi lịch đó là Lịch Hoa-Việt.

Lịch ấy vốn là thành tựu văn hoá của người Việt-Sở (trồng lúa nước), được bổ xung phong phú bởi nhiều thế hệ kinh nghiệm thiên văn lịch pháp Trung Hoa. Lịch ấy không hẳn sát đúng hẳn với miền hoàng thổ Hoa Bắc (quê hương buổi đầu của người Hoa), cũng không sát đúng hẳn với miền châu thổ sông Nhị - quê hương buổi đầu của người Việt Nam. Nó đã “trông trăng”, “trông sao”, dựa vào thực tiễn làm ăn và biểu hiện qua vốn liếng ca dao tục ngữ.

Lịch đó là thành tựu chung của miền văn hoá lúa nước cổ truyền.

 

(Theo GS. Trần Quốc Vượng)


Nguyen Thi Minh Huong

Tìm hiểu cội nguồn đòi hỏi phải đọc nhiều, suy nghĩ nhiều mới mong tỏ tường. Vậy nên có nhiều người Việt vì nông cạn đã vội cho Âm lịch và Tết ta là của Tàu và muốn từ bỏ nó .

Nguyen Viet Toc

Xin phе́p được đính chính những sai lầm về nhận định:
1/- Năm nay Đầu năm Âm Lịch là ngày 22.01.2023, đang tiết ĐÔNG tại sao lại nói CUNG CHÚC TÂN XUÂN? Từ điểm này chứng ta mới thấy văn minh lúa nước của dân tộc Việt đã bị hủy diệt tận gốc bởi MÃ VIỆN. Và tư tưởng chúng ta đã bị đầu độc mà không biết 
2/- Nghề nông có từ 13.000BC và lúc đó có HỘI MỪNG XUÂN nên mới có CUNG CHÚC TÂN XUÂN, là vì mùa ĐÔNG nhịn đói, XUÂN đến có công ăn việc làm. 
3/- Người xưa biết coi SAO để định mùa trồng trọt vào 11.000BC và họ chọn ngày đầu năm là tiết TÂN XUÂN nên mới có CUNG CHÚC TÂN XUÂN và CUNG CHÚC TÂN NIÊN cùng một lúc. 
3/- Khi nắm vững việc trồng trọt, làm khi lành dành khi đau thì ăn khao trước khi hết việc vào giữa mùa THU nên có TIẾT TRUNG THU. Lúc đó dân Việt khắc cách tính lịch lên mai rùa đem tặng NHÀ CHU mà ta gọi là QUY LỊCH, tôi xin kèm theo đây cách tính QUY LỊCH theo SAO chứ không phải theo TRĂNG của dân DU MỤC. 
4/- Khi Mã Viện qua nó tiêu diệt tàn bạo văn minh và văn hóa của tổ tiên chúng ta và bắt xóa bỏ QUY LỊCH để dùng Âm Lịch,  nhưng không xóa bỏ được nghề nông nên mới còn chữ CUNG CHÚC TÂN XUÂN một cάch vô duyên. 
Xin giới thiệu với quý vị 3 đường dẫn sau đây, và kính mời các vị hiền tài tiếp tay cho chương trình này được phong phú.
http://nhanvanviettoc.blogspot.com  là nơi lưu trữ tài liệu để soạn bài về Văn Hóa Thuần Việt
http://vanhoathuanviet.blogspot.com  là nơi lưu trữ các bài đã soạn xong cho chương trình NHÂN VĂN VIỆT TỘC (10 năm) từ Tiểu Học đến Trung Học.

Nơi lưu trữ 3 kinh nhật tụng
1. Bạch Hóa Huyền Sử thời Hùng Vương (chỉ cách tìm hiểu lịch sử qua di vật để lại)
2. Giáo Khoa Việt Tộc mang số VHV (các bài giáo khoa Việt Tộc cho trẻ 8-18 tuổi)
3. Kiến Thức Đấu Tranh mang số TNT (bổ xung kiến thức cho các nhà đấu tranh)

SÁCH BẠCH HÓA HUYỀN SỬ
(Đủ Bộ) https://drive.google.com/drive/folders/1dRxNGeSDpLTB_nMJz1ijcYBHMeYybi-a

SÁCH TRẢ LẠI SỰ THẬT CHO LỊCH SỬ (Còn Thiếu TNT20)
https://drive.google.com/drive/folders/1o42Y-S1hMkeaE5j0DYaADKKSGdVNxk0

Harry Ngo

Nguyen Việt Tộc 
1. Lúa nước bắt nguồn từ Đông Nam Á (đồng bằng sông Mekong) hay từ đồng bằng sông Dương Tử bên Tàu còn là tranh cãi chưa xác định được ai đúng ai sai. Thậm chí họ có genre của giống lúc nước hoang bắt nguồn từ bên Tàu nhưng tranh cãi thì vẫn còn chán.
https://vi.wikipedia.org/wiki/V%C4%83n_minh_l%C3%BAa_n%C6%B0%E1%BB%9Bc
2. Đồng bằng sông Hồng chỉ được hình thành từ 4000 năm trước. Từ khoảng 15000 năm trước thì nước biển dâng cao dần (thời kỳ băng tan) vì đỉnh điểm là 8000 năm trước khi mà phần lớn nước Việt chìm trong biển nước. Sau đó thì nước biển dần rút xuống và hình thành đồng bằng sông Hồng.
3. Khái niệm lịch hay "Quy lịch" theo sao tôi cho rằng không đúng, không tồn tại.  Khái niệm lịch của người Việt được mô tả trên trống đồng Đông Sơn là bằng chứng duy nhất có sự tồn tại lịch sinh hoạt của người Việt. Còn việc "khắc cách tính lịch lên mai rùa đem tặng nhà Chu" liệu có tài liệu hay bằng chứng cụ thể hay chỉ là một sự suy đoán giống như mấy ông giáo sư Tàu suy đoán tiếng Anh là từ tiếng Tàu khi phát hiện chữ "Yellow" trong tiếng Anh là từ chữ "Diệp Lục"?
4. Mã Viện phần lớn thời gian đem quân đi đàn áp các thế lực nổi dậy ở khắp nơi trong sự nghiệp của ông này. Thời gian Mã Viện ở Giao Chỉ/Việt Nam để đàn áp cuộc khởi nghĩa của 2 bà Trưng chỉ trong vòng 1-2 năm. Liệu ông ta có phải là quá giỏi để chỉ trong vòng 1-2 năm có thể làm được công việc khổng lồ như vậy? Hay đây là việc làm của một/nhiều quan Tiết Độ Xứ khác trong cả một quá trình Hán Hóa có từ trước cả thời Mã Viện?

Nhan Liu

Trên Thế Giới ngày nay, Cộng Đồng các Dân Tộc trên Thế Giới đều có những phương pháp riêng bạn để quan sát vũ trụ, quan sát các sao sáng, hành tinh, như sự tự vận chuyển của mặt trời, mặt trăng, sự vận chuyển trên quỹ đạo của các hành tinh và có thể biết được thôi tiết (giờ), khí hậu (mùa) như : Xuân, Hạ, Thu Đông là chu kỳ của một năm,  tên của 12 con giáp là chu kỳ của gió - ngày và đêm. Quan sát sự thay đổi hình dạng của mặt trăng sẽ biết được sự thay đổi của lực vạn vật hấp dẫn và biết được sự lên, xuống của thủy triều và cùng là cho những ngư dân để ra biển đánh cá theo kinh nghiệm lên, xuống của thủy triều,  cũng như về hàng hải,...v...v..và ...v...v... Các Cộng Đồng Dân Tộc trên Thế Giới đều có lịch riêng của họ như Ấn Độ, Khmer, Thái Lan,. ...v...v.. có lịch của Đức Phát và họ kỹ niệm ngày sinh của Đức Phật hàng năm và chúc mừng ngày lễ thác nước - Water Festival của Lào, Campuchia, Thải Lần, Miên Điện, ...v...v... và những lịch tiên tri của các Cộng Đồng các Dân Tộc Bản Địa của các Quốc Gia Châu Mỹ và phương pháp định vị hàng hải quan sát các sao sáng, tinh tú cho cuộc hàng trình của họ.

Mọi Cộng Đồng Dân Tộc trên Thế Giới đều có phương pháp riêng của họ để quan sát vũ trụ và có phương pháp riêng để có lịch của hồ cho thời giờ, thời tiết là mùa như: Xuân, Hạ, Thu, Đông của họ theo khu vực sở tại của họ.
Người sinh sống tại Mỹ có thời giờ khắc biết vời thôi giờ của Việt Nam là 12 Tiếng theo gió Greenwich, Việt Nam có ngày Xuân Âm Lịch sớm hơn 12 Tiếng.
Hoa Kỳ là Bắc Bán Cầu là mùa Đông, Úc là Quốc Gia ở Nam Bản Cầu và là mùa Hạ.
Trên Thế Giới ngày nay đều dùng Dương Lịch, dùng Mật Trôi để làm Lịch và Tân Tây Lan là Quốc Gia chức mừng năm mới Dương Lịch sớm nhất trên Thế Giới.

Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản (trước đây chưa bỏ chức mừng năm Âm Lịch),..v...v.. đều chức mừng năm mới Âm Lịch và đều như nhau không có khác biệt.

Bất kỳ Cộng Đồng Dân Tộc nào trên Thế Giới đều dùng Mặt Trăng để làm Âm Lịch và đều cùng chúc mừng năm mới Âm Lịch giống nhau theo thói giờ của Quốc Gia sở tại như người Việt tại Hoa Kỳ chức mừng năm mới Âm Lịch sớm hơn Việt Nam.  Đơn Giản Như Vậy.  
Những bài viết như trên đã không có giá trị trong Làng Thế Giới Văn Minh Đa Văn Hóa ngày nay và chỉ là những bài viết để người đọc giải trí mà thôi.

Triệu Băng

Cảm ơn tác giả , tôi học kô nhiều , nên kô có kiến thức chuyên sâu , nhưng từ lâu tôi đã có cảm nhận là âm lịch là của Tộc Bách Việt chúng ta , không phải là của người Hoa hạ  ( Hán ) ...

Thống Đinh

Các GS ng/ cứu cũng rất hay rất cảm ơn ,theo tôi hiểu đơn giản là đất nước ta là nước nông nghiệp đến nay vẫn là nông nghiệp xuất khẩu nhất nhi thế giới, việc xác định lịch ta lịch tây là điều đương nhiên, lịch ta rất đúng và khoa học, nếu bỏ nó  đi là  nông nghiệp đi vào sa sút, chưa thể áp dụng van minh công nghiệp vào sản xuất nông  nghiệp được, để thấy rằng nhận thức lịch ta mà theo tây là một  điều ko thế...

Cu Dinh

Tranh biện làm gì khi đất nước hằng nắm vẫn đề ra kế hoạch xuất khẩu lúa nước cho thế giới... phải vượt năm trước ABC %.. vv
Lịch Ta với chả lịch Tây
Bao giờ Trường Sơn cháy rụi thì Tiết Xuân (Tết) đây hết còn. 
Tộc gốc làm nông từ muôn đời nay, chắc chắn tới muôn đời sau mà bày đặt "Tây hóa" các kiểu con đà điểu, để cho tương lai biến đất nước thành hoang mạc xà bần của công nghiệp  !

Tan Anh

Từ chổ lịch Ta-lịch Tây cho nên ai đó cho rằng bỏ Tết cổ truyền của ta là điều không thể, đó là ý tưởng điên rồ, mất gốc, mất cội nguồn!

Nhan Liu

Tananh Huynh .
Những từ ngữ lịch Ta, Lịch Đại Hàn, Lịch Nhật Bản (chức mừng năm Âm Lịch trước đây), ...v..v.. đã không có giá trị gì cả trong Làng Thế Giới Văn Minh Đa Văn Hóa ngày nay.  Bất kỳ một Cộng Đồng Dân Tộc nào trên Thế Giới đều dùng Mặt Trăng để làm Âm Lịch và mọi Cộng Đồng Dân Tộc trên Thế Giới đều chức mừng năm mới Âm Lịch theo họ sinh sống tại Quốc Gia sở tại của họ như người chức mừng năm mới Âm Lịch tại Hoa Kỳ sớm hơn 12 Tiếng theo gió Greenwich tại New York và không ai quan tâm đến cái gọi là lịch Ta, lịch Nhật Bản,. ..v...v... cả.  Những từ ngữ như vậy không có giá trị gì cả trong Làng Thế Giới Văn Minh Đa Văn Hóa ngày nay.  Và những bài viết như cũng không có giá trị gì trong Làng Thế Giới Văn Minh Đa Văn Hóa ngày nay và chỉ để cho người đọc giải trí mà thôi.

Trên Thế Giới ngày nay đều chức mừng năm mới Dương Lịch là Lịch được dùng Mật Trôi để làm Lịch và mọi Quốc Gia trên Thế Giới đều chức mừng năm mới Dương Lịch theo gió Greenwich của Quốc Gia sở tại và Tân Tây Lan là Quốc Gia chức mừng năm mới Dương Lịch sớm nhất trên thế giới. và mọi Quốc Gia trên Thế Giới đều chức mừng năm mới Âm Lịch theo gió Greenwich của Quốc Gia sở tại như người Việt tại Hoa Kỳ chức mừng năm mới Âm Lịch sớm 12 Tiếng theo gió Greenwich tại New York.

Vì thế nhưng từ ngữ lịch Ta gì đó đã không còn giá trị gì nữa trong Làng Thế Giới Văn Minh Đa Văn Hóa ngày nay và là tự làm nhục cho Cộng Đồng Dân Tộc Kinh trên Thế Giới, hạ thấp Quốc Gia Việt Nam trên Trường Quốc Tế.

Nhan Liu

Tananh Huynh .
Lịch Âm Lịch là dùng Mật Trăng để làm Lịch,  Và mọi Cộng Đồng Dân Tộc nào trên Thế Giới đều chúc mừng năm mới Âm Lịch theo gió của Quốc Gia sở tại như người Việt Hải Ngoại tại Hoa Kỳ chức mừng năm mới Âm Lịch sớm hơn Việt Nam 12 Tiếng theo gió Greenwich tại New York.
Lịch Âm Lịch được mọi Cộng Đồng Dân trên Thế Giới cùng dùng chung một Âm Lịch và Âm Lịch không thuộc về bất kỳ một Cộng Đồng Dân Tộc nào trên Thế Giới.  Cô Cộng Đồng Dân Tộc gọi là Nông Lịch, vì họ dùng Âm Lịch để canh tác, thu hoặc trong một năm, dẫn thủy nhấp điền theo thủy triều lên, xuống theo lực vạn vật hấp dẫn của Mặt Trăng vời Địa Cầu,..v...v... mà không có sự liên quan đến Lịch Ta, Lịch Đại Hàn, ...v...v...  Đơn Giản Như Vậy. Đừng chủ nghĩa dân tộc cực đoan hẹp hòi và có tầm nhìn rất ngắn của nhóm người Kinh, Lê Duẩn, Cộng Sản Bắc Việt, chủ nghĩa dân tộc cực đoan hẹp hòi và có tầm nhìn rất ngắn, một Tội Đồ của Cộng Đồng 54 Dân Tộc Bách Việt tại Việt Nam còn tiếp tục tuyên truyền, xuyên tạc cho mục đích chính trị xấu xa như mấy thập niên trước đây, nhồi sọ nhân dân họ chống Trung Quốc mới cách đê hèn, vô vàn hóa, vô đạo đức và vô liêm sỉ trong Làng Thế Giới Văn Minh Đa Văn Hóa ngày nay đã không còn giá trị nữa và tự làm nhục cho Cộng Đồng Dân Tộc Kinh trên Thế Giới, hạ thấp Quốc Gia Việt Nam trên Trường Quốc Tế.

Những bài viết như vậy không có giá trị gì trong Làng Thế Giới Văn Minh Đa Văn Hóa ngày nay mà chỉ để cho một nhóm người giải trí mà thôi, như bài viết của ông Nguyễn Quang Xuân, ..v...v...  Đơn Giản Như Vậy.

Quý Hồ

Nói như vậy suy cho cùng người Hoa Bắc buổi đầu đã bị nền văn minh lúa nước thuần hóa dẫn đến việc ăn lúa gạo chứ ko phải kê, cao lương, tự nhận Tết thuộc 55nền văn minh lúa nước thành văn minh của mình, lấy 12 con giáp lịch của cư dân Đông Nam Á cổ thành lịch của mình! Văn minh Hoa Bắc có gì?

Hong Le Kim

Cụ là một nhân tài về lịch sử và kinh dịch, chính Cụ đã tiên đoán Bác VNG, sống 103 tuỏi khi người chưa qua tuổi 60. Tiếc thay Cụ đã ra đi lúc mới ngoài 70.

Tuong Nguyen

Chẳng đưa ra được chứng cứ gì, toàn suy diễn. Người Việt cổ có dùng lịch âm hay không thì không biết. Chỉ biết lịch âm đang dùng là do nhóm Tư Mã Thiên nghiên cứu, soạn ra thời Tây Hán. Các triều đại phong kiến Việt Nam đều phải sang Tàu xin Chính Sóc (lịch). Nếu giao hảo không tốt, bên Tàu không cho lịch thì dân Việt không biết cụ thể các tiết rơi vào ngày nào để gieo trồng, thu hoạch.

Ta Ngoc Vinh

Các nhà sử học thời nay không có ai tiếp tục hướng tư duy này của ông Trần Quốc Vượng. Thật là đáng tiếc.

Nam Phan

Ta Ngoc Vinh 
Ô Vượng cũng dựa vào các dữ liệu rời rạc để suy luận thôi. Tất cả chứng cứ và dữ liệu đều bị phá hủy để đồng hóa của các triều đại cũ rồi.
Có những dữ liệu sót lại k đủ để làm cơ sở chứng minh ví dụ nước Sở gốc tích là họ Mỵ(vua Hùng vương con gái đều họ Mỵ), vua nước Sở là họ Hùng, kinh đô nước Sở là Kinh(dt Việt gọi là người Kinh), thời Xuân Thu nước Sở thôn tính 2 nước Ngô, Việt họ chủ yếu là: Văn và Phạm(Văn Chủng, Phạm Lãi...vv)
Nước Sở xưa có các Sở khúc Sở từ là các thể loại ngâm khúc thờ cúng giai điệu giống hát Xẩm và Hát Chầu văn VN...
Nói chung tất cả những vụn vặt ấy k thể làm dữ liệu để khẳng định đó là văn hóa riêng của người Việt ngày nay được và chỉ là phỏng đoán của giới học giả thôi( dữ liệu TQV cũng dựa rất nhiều vào ng.cứu sử liệu của người Pháp - Người Việt xưa nay đâu dám sang TQ mà nghiên cứu gì)

Manh Phu

Rất có ý nghĩa,cảm ơn tác giả,ở tàng thư mình vẫn còn lưu chuyện: vua Hùng tặng lịch cho vua trung hoa

Lo Duc

Bác này trình độ cũng uyên thâm nhưng có nhiều bài viết của bác cũng nên xem lại tính xác thực

Tran Khanh

Lúa nước và văn hoá lúa nước của người bách Việt. Nôi của lúa nước tại làng Bách cốc Nam định và từ đó ng Lạc Việt hướng dẫn cho dân Bách Việt trồng lúa nước mà

Nguyen Quyen Anh

Hay quá, xin cái nguồn hay tên sách của thầy Vượng để tìm đọc rõ hơn thì tốt quá!

Kien Goc Say

Nguyễn Quyền Anh :
Văn Hóa Cổ Truyền Việt Nam (Lịch, Tết, Tử Vi Và Phong Thủy)
NXB: Từ điển bách khoa 3/2009
Phần 1: Tết và lịch pháp.
- Xuân và Tết triết lý cổ.
- Văn hóa Tết và tết văn hóa.
- Triết lý giao thừa.
- Cảm thức về thời gian và tết Nguyên đán.
- Thiên nhiên và chu kỳ sinh học 12.
- Lịch ta và nền văn hóa lúa nước cổ truyền.
- Đôi chút dông dài về cái lịch ta.
- Phong tục tập quán Việt Nam.
- Triết lý bánh chưng bánh dày.
- Triết lý trầu cau.
- Triết lý môi trường.
- Câu chuyện các vua Hùng dựng nước: ý thức về nguồn nhu cầu cộng cảm.
- Căn bản triết lý đền Hùng và giỗ Tổ vua Hùng.
- Căn bản triết lý người anh hùng Phù Đổng và hội Gióng.
- Con người Việt Nam giữa luật và lệ, giữa tình và lý.
- Lý và phản lý, cặp đôi và nước đôi trong thực tiễn và tư duy logic Việt Nam.
Phần 2: Văn hóa 12 con giáp.
- Con Trâu với Hà Nội thời huyền thoại và sơ sử.
- Con Trâu và nền văn hóa Việt Nam.
- Con Hổ trong nền văn hóa Đông Nam Á.
- Năm Dần nói chuyện ông ba mươi.
- Tản mạn chung quanh chuyện chú Mèo.
- Nhân năm Canh Thìn 2000 nói chuyện chơi về Rồng.
- Năm con Rồng và tuổi trẻ thành phố Rồng Bay.
- Con Rồng và văn hóa Việt Nam.
- Năm Nhâm Ngọ nói chuyện về con Ngựa.
- Con Ngựa trong đời sống Việt Nam.
- Năm con Ngựa và lịch Việt Nam.
- Biểu tượng Ngựa và năm con Ngựa.
- Năm Giáp Tuất nói chuyện về lịch ta và chú Cẩu.
- Nhân xuân Ất Hợi, chuyện vãn về con Lợn trong nền văn hóa Việt Nam.
- Con Lợn (Heo) trong di sản văn hóa dân gian Việt Nam.
Phần 3: Phong thủy dân gian và tử vi.
- Nói về nhịp điệu thời gian.
- Làm nhà có nên tính tuổi xem đất định ngày.
- Lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng...?
- Tử vi và/ là văn hóa Việt Nam.
- Tử vi và số phận con người (đôi điều cảm nhận).

Nhan Liu

Kiên Gốc Sậy .
Đại Hàn và nhiều Quốc Gia trên Thế Giới đều chức mừng năm mới Âm Lịch, có tử vi, phong thủy và họ gọi tên khác nhau, Tết có âm như Tiết của Chữ Nho, Chữ Hán có nghĩa là lễ hội= Festival= Lunar Year Festival và Tiết được đọc thành Tết, như Tết Nguyên Đán cô Nghĩa là lễ hội Nguyên Đán. Tết = ngày Xuân Mới = năm mới Âm Lịch. Đơn Giản Như Vậy. Đừng lý luận quá cho mục đích chính trị.

 

 

 

Khuyến cáo:

  • Bài viết KHÔNG PHẢI lời khuyên tư vấn tài chính - đầu tư - pháp lý chính xác 100%. Vui lòng xem qua Tuyên bố Miễn trừ trách nhiệm Nội dung của chúng tôi.

  • Bài viết có thể có thể bị trì hoãn, chưa cập nhật, bỏ sót hoặc thiếu chính xác tại thời điểm quý độc giả xem.

  • Chợ Đất cố gắng mang đến nhiều thông tin đa chiều nhất có thể từ quý độc giả và nhiều nguồn minh bạch nhất có thể.

  • Quý Anh/Chị trước khi đầu tư - mua bán - giao dịch xin cân nhắc thật kỹ.

  • Chúng tôi không chịu trách nhiệm trước mọi tình huống không mong muốn liên quan đến thông tin được đăng tải trên bài viết (nếu có).

Mọi bài viết - ý kiến đóng góp chân thành xin gửi về cho chúng tôi qua Email: chodat.com.vn0@gmail.com. Chúng tôi sẽ cập nhật và bổ sung theo quy định hiện hành của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam.

Xin cảm ơn quý Anh/Chị độc giả.

 

 

 

Được tài trợ:

Dịch vụ chạy quảng cáo Bất Động Sản: Chợ Đất

Dịch Vụ Quảng Cáo Bất Động Sản Uy Tín Hàng Đầu Chợ Đất

 

[LIKE] Bài viết hay

Bình Luận

 

Bài viết chưa đủ với bạn ? Hãy tìm kiếm !