Cảnh báo: Thủ đoạn giả vờ hỏi mua đất để đánh tráo Sổ đỏ !!!

Lượt xem: 1591 ||| Lượt thích: 0

 

 

 

 

Cảnh báo: Thủ đoạn giả vờ hỏi mua đất để đánh tráo Sổ đỏ

Thủ đoạn vờ hỏi mua đất để đánh tráo sổ đỏ

Chủ nhà cho người hỏi mua đất xem sổ đỏ nhằm tạo sự cậy khi tìm hiểu thông tin nhưng không ngờ sập bẫy những kẻ lừa đảo.

Vợ chồng bà Hà sở hữu mảnh đất hơn 200 m2 tại quận Long Biên, Hà Nội. Không có nhu cầu sử dụng, đầu tháng 10/2019, bà rao bán trên nhiều trang web rao vặt.

Cuối tháng 10/2019, Vũ Quý Lãm, 36 tuổi, cựu công an tại Hải Dương, tự giới thiệu tên Hoàng, liên lạc hẹn gặp và trao đổi với bà Hà về việc mua bán. Lãm thỏa thuận giá 12 tỷ đồng và hẹn 3-4 ngày sau đặt cọc.

Ngày 28/10/2019, Lãm cùng một phụ nữ đến nhà riêng của bà Hà bàn thủ tục. Bà tin tưởng, mang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) gốc của mảnh đất cho Lãm xem.

Lợi dụng lúc bà Hà không để ý, Lãm đánh tráo sổ đỏ này bằng bản giả, do trước đó đã thuê người làm sẵn, dựa trên hình ảnh và thông tin sổ đỏ bà Hà đăng khi rao bán, VKS Hà Nội cáo buộc.

Hình ảnh sổ đỏ xuất hiện nhiều trên các trang web mua bán nhà đất. Ảnh: Chụp màn hình

Hình ảnh sổ đỏ xuất hiện nhiều trên các trang web mua bán nhà đất. Ảnh: Chụp màn hình

Sau khi chiếm đoạt được sổ đỏ gốc, Lãm tiếp tục dùng ảnh chân dung và dấu vân tay của đồng bọn để làm giả toàn bộ giấy tờ tùy thân của chủ đất, gồm: chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu

Theo kế hoạch, đồng phạm của Lãm đóng giả làm chồng bà Hà và cùng Lãm đi ký hợp đồng chuyển nhượng mảnh đất này cho bên thứ ba là anh Nguyễn Công Minh.

Thống nhất xong với anh Minh, nhóm Lãm liên hệ với một văn phòng công chứng để yêu cầu công chứng quyền sử dụng đất và yêu cầu công chứng ở ngoài văn phòng. Ngày 29/10/2019, tại quán cà phê tại quận Nam Từ Liêm, nhóm giả danh đã bán mảnh đất của bà Hà cho anh Minh với giá 2 tỷ đồng.

Bà Hà chỉ là một trong số 11 nạn nhân của Lãm. Theo cáo trạng của VKSND Hà Nội, từ năm 2018 đến 1/2020, nhóm Lãm đã thực hiện 10 vụ lừa đảo tương tự, chiếm đoạt của mỗi người 150 triệu đồng đến 3,5 tỷ đồng. Tổng thiệt hại trong vụ án 22,5 tỷ đồng.

Sáng 18/3, phiên xét xử 10 đồng phạm của Lãm tại TAND Hà Nội phải hoãn do có một bị cáo đang cách ly điều trị Covid-19. Riêng Lãm đã bỏ trốn, đang bị cơ quan điều tra truy nã.

Quyết định truy nã bị can Vũ Quý Lãm của Công an Hà Nội. Ảnh: Công an cung cấp

Quyết định truy nã bị can Vũ Quý Lãm của Công an Hà Nội. Ảnh: Công an cung cấp

Thủ đoạn của Lãm qua 11 vụ lừa đảo được cơ quan điều tra xác định với các bước sau: Lên các trang web bất động sản, tìm người muốn bán đất, sau đó tự liên lạc với tên giả, nói có nhu cầu mua. Lãm sau đó yêu cầu bên bán gửi ảnh sổ đỏ để kiểm chứng, nhưng thực chất là thu thập thông tin làm sổ giả. Khi gặp chủ đất, Lãm nhân lúc họ không để ý đã tráo.

Khi có sổ thật, Lãm phân công các đồng phạm làm giả CMND, hộ khẩu của chủ đất, đóng giả làm chủ đất và ký hợp đồng chuyển nhượng cho người khác.

Thủ đoạn này không phải của riêng Lãm mà nhiều kẻ khác cũng từng thực hiện. Ngày 23/11/2021, Công an Cần Thơ bắt Lưu Hoàng Hải, 49 tuổi, và 4 đồng phạm với cáo buộc Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sử dụng mưu kế giống hệt, nhóm tội phạm Cần Thơ thừa nhận đã thực hiện 4 vụ, đánh tráo 6 sổ đỏ tại Cần Thơ với trị giá khoảng 80 tỷ đồng. Trong đó, các nghi phạm đã chuyển nhượng, cầm cố 4 sổ chiếm đoạt hơn 15 tỷ đồng.

Ngoài ra, các bị can còn khai đã đánh tráo, làm giả nhiều sổ đỏ của người dân ở các tỉnh Long An, Bến Tre, Đồng Tháp, Sóc Trăng... lừa bán lấy tiền chia nhau. Công an TP Cần Thơ đang mở rộng điều tra.

Tại một vụ án khác được TAND Hà Nội xét xử ngày 27/4/2021, Tạ Quốc Hùng, 45 tuổi, Ngô Thị Hiếu, 63 tuổi, và Nguyễn Lệ Huyền, 44 tuổi bị tuyên phạt từ 30 tháng đến 3 năm tù vì tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Ba người này nhận 4 triệu đồng để đóng chung một "vở kịch": Giả làm chủ đất, đi giao dịch bán đất với bên thứ ba. Trước đó, họ cũng được chủ mưu vụ án yêu cầu chụp ảnh chân dung và cung cấp dấu vân tay để đi làm chứng minh nhân dân, hộ khẩu giả để khớp với sổ đỏ đã lừa ăn cắp được.

Chủ mưu vụ án này đang trốn truy nã, song cũng được xác định đã thực hiện những phương thức giống hệt Lãm. Gia chủ "dẫn người này đi xem đất, tin tưởng cho xem Giấy chứng nhận bản gốc và bị đánh tráo, đưa sổ đỏ giả", cáo trạng nêu.

Dù cho xem sổ đỏ có nhiều rủi ro, một khảo sát trên VnExpress cho thấy nhiều độc giả sẵn sàng cho người mua xem sổ đỏ "bất cứ khi nào họ yêu cầu". Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến khuyên chủ đất nên cân nhắc.

"Tôi mua bán nhà vài lần rồi nên góp ý: Không gửi hình chụp sổ đỏ qua mail hay đăng lên mạng. Đề phòng tình trạng làm giả sổ đỏ nhan nhản hiện nay. Khách đến mua tận nơi có thiện chí thì mới cho xem..., không cho sao chụp kể cả chụp hình... Tuy mất sổ đỏ họ không làm gì được mảnh đất của bạn, nhưng bạn đi làm lại cũng mệt nghỉ, tốn tiền tốn thời gian", độc giả ptchau bình luận.

Kết quả cuộc khảo sát trên VnExpress từ 9h19 đến 16h19 ngày 22/3.

Kết quả khảo sát trên VnExpress từ 9h19' đến 16h19' ngày 23/3.

 

Luật sư Vũ Tiến Vinh khuyên chủ tài sản không nên cung cấp hoặc công khai sổ đỏ. Nhiều người nghĩ đơn giản đằng nào cũng bán thì không cần phải giữ bí mật thông tin sổ đỏ nhưng nếu kẻ gian đã chuyển nhượng thửa đất thì việc giải quyết phức tạp, mất nhiều thời gian, công sức. "Trong thời gian giải quyết, chủ đất cũng rất khó, thậm chí không thể chuyển nhượng nên kế hoạch tài chính có thể bị đổ vỡ, mất cơ hội trong các giao dịch dân sự khác".

Nếu sau khi nhận chuyển nhượng, người mua xây dựng các công trình, nhà ở trên đất (trường hợp này thường xảy ra khi mảnh đất trống và chủ đất không thường xuyên qua lại kiểm tra) thì sự việc càng phức tạp, thời hạn giải quyết càng kéo dài.

Khi người mua có nhu cầu được xem sổ đỏ, theo luật sư Vinh, chủ đất cần tìm hiểu nhân thân của họ để cân nhắc, quyết định có đáp ứng hay không. Nếu người mua không quen biết thì không nên cho xem bản gốc, chỉ cho xem bản photo. Trên bản này, phần thông tin cá nhân của chủ đất (họ tên, số căn cước công dân, địa chỉ), số sổ, ngày cấp, số hồ sơ gốc nên xóa để kẻ gian không có thông tin.

Trường hợp người mua là người quen biết, chủ đất có thể cho xem trực tiếp nhưng hạn chế hoặc không nên cho chụp ảnh bởi có thể bị lộ lọt hình ảnh ra bên ngoài. Trường hợp này xảy ra khi người mua gửi hình ảnh cho nhiều người khác hoặc khi họ mang điện thoại đi sửa chữa dẫn đến khó kiểm soát, hình ảnh sổ đỏ có thể bị kẻ gian lợi dụng.

(Theo Hải Thư - VnExpress)

 

 

 

Khuyến cáo:

  • Bài viết KHÔNG PHẢI lời khuyên tư vấn tài chính - đầu tư - pháp lý chính xác 100%. Vui lòng xem qua Tuyên bố Miễn trừ trách nhiệm Nội dung của chúng tôi.

  • Bài viết có thể có thể bị trì hoãn, chưa cập nhật, bỏ sót hoặc thiếu chính xác tại thời điểm quý độc giả xem.

  • Chợ Đất cố gắng mang đến nhiều thông tin đa chiều nhất có thể từ quý độc giả và nhiều nguồn minh bạch nhất có thể.

  • Quý Anh/Chị trước khi đầu tư - mua bán - giao dịch xin cân nhắc thật kỹ.

  • Chúng tôi không chịu trách nhiệm trước mọi tình huống không mong muốn liên quan đến thông tin được đăng tải trên bài viết (nếu có).

Mọi bài viết - ý kiến đóng góp chân thành xin gửi về cho chúng tôi qua Email: chodat.com.vn0@gmail.com. Chúng tôi sẽ cập nhật và bổ sung theo quy định hiện hành của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam.

Xin cảm ơn quý Anh/Chị độc giả.

 

 

 

Được tài trợ:

Dịch vụ chạy quảng cáo Bất Động Sản: Chợ Đất

Dịch Vụ Quảng Cáo Bất Động Sản Uy Tín Hàng Đầu HomeHere.vn

 

[LIKE] Bài viết hay

 

Bài viết chưa đủ với bạn ? Hãy tìm kiếm !

 

Bình Luận