5 dự án đường cao tốc phía Nam sắp triển khai
5 cao tốc phía Nam sắp triển khai
- Cao tốc TP HCM - Mộc Bài, Cao Lãnh - An Hữu, Biên Hòa - Vũng Tàu... được đầu tư những năm tới sẽ tạo các trục huyết mạch kết nối khu vực Đông Nam Bộ, miền Tây.
- Cao tốc TP HCM - Mộc Bài là một trong 12 dự án triển khai theo phương thức đối tác công tư (PPP) vừa được TP HCM đề xuất bố trí vốn làm các công tác lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư trong năm nay. Tuyến đường dài khoảng 50 km, điểm đầu giao Vành đai 3 TP HCM, điểm cuối ở Khu kinh tế Mộc Bài (Tây Ninh). Tổng vốn đầu tư giai đoạn một dự án khoảng 15.900 tỷ đồng, làm trước 4 làn xe và nâng lên 6-8 làn khi hoàn thiện.
Kinh phí giải phóng mặt bằng cho dự án khoảng 7.400 tỷ đồng, trong đó phía TP HCM hơn 5.900 tỷ đồng. Sở Giao thông Vận tải thành phố dự kiến công trình khởi công năm 2023, hoàn thành năm 2026. Tuyến đường sẽ hoàn thiện mạng lưới giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu, đô thị... trong vùng. Cao tốc sẽ tạo tuyến đường mới nối thành phố qua Tây Ninh, phá thế độc đạo của quốc lộ 22 đang quá tải.
Ở vùng Đông Nam Bộ còn có tuyến đường được kỳ vọng sớm triển khai là cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Cách đây hơn 10 năm, Bộ Giao thông Vận tải được giao quyền phê duyệt đề xuất dự án. Tuy nhiên, vì không xác định được nguồn vốn, phương án đầu tư không khả thi nên nhà đầu trả lại dự án. Mới đây giai đoạn một cao tốc được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất đầu tư công, tổng vốn 17.837 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu vận tải Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Dự án có tổng chiều dài hơn 53 km, điểm đầu kết nối tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua TP Biên Hòa (Đồng Nai), điểm cuối giao với quốc lộ 56 thuộc TP Bà Rịa (Bà Rịa - Vũng Tàu). Cao tốc dự kiến hoàn thành năm 2025, giúp giảm tải quốc lộ 51 và đồng bộ các tuyến đường khác trên hành lang vận tải TP HCM - Vũng Tàu. Dự án cũng giúp phát huy tiềm năng cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, sân bay Long Thành, thúc đẩy kinh tế xã hội Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đông Nam Bộ...
Nằm trọn trong địa phận Đồng Nai, cao tốc Dầu Giây - Tân Phú dài khoảng 60 km, mới đây được Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức PPP, hợp đồng BOT. Đây là một trong ba phân đoạn thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, tổng chiều dài hơn 200 km, kết nối Đồng Nai với Lâm Đồng.
Tuyến đường có điểm đầu kết nối quốc lộ 1 tại điểm giao cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (huyện Thống Nhất); điểm cuối giao quốc lộ 20 ở khu vực xã Phú Trung, huyện Tân Phú. Giai đoạn một, công trình dự kiến tổng mức đầu tư hơn 8.300 tỷ đồng, làm 4 làn xe, rộng 17 m, vận tốc 100 km/h. Bộ Giao thông Vận tải dự tính việc chuẩn bị dự án, chọn nhà đầu tư, giải phóng mặt bằng thực hiện các năm 2022, 2023 và triển khai thi công từ 2023 đến 2025.
Sau khi hoàn thành, cao tốc sẽ giảm ùn tắc, tai nạn trên quốc lộ 20 và tăng kết nối Đồng Nai với Lâm Đồng. Ngoài dự án này, hai phân đoạn còn lại của cao tốc Dầu Giây - Liên Khương gồm Tân Phú - TP Bảo Lộc và TP Bảo Lộc - Liên Khương đang được Lâm Đồng xúc tiến triển khai.
Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh thành, hơn 17 triệu dân, được xem là vùng kinh tế quan trọng khi góp gần 18% GDP cả nước. Tuy nhiên, suốt thời gian dài, kinh tế các tỉnh miền Tây chưa phát triển xứng với tiềm năng một phần do hạ tầng giao thông ở đây yếu kém. Những năm gần đây, nhiều dự án hạ tầng, cao tốc được đẩy nhanh triển khai để thúc đẩy thế mạnh của vùng.
Trong số này, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu dài hơn 27 km, nối Tiền Giang qua Đồng Tháp, dự kiến chuẩn bị trong năm nay, giải phóng mặt bằng giai đoạn 2022-2023; thi công năm 2023 và cơ bản hoàn thành năm 2025. Điểm đầu công trình giao cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp); điểm cuối kết nối cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại huyện Cái Bè (Tiền Giang).
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án mới được Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng, công trình được đề xuất xây dựng trước 4 làn xe, rộng 17 m, tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng từ ngân sách. Việc giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy mô hoàn chỉnh (rộng gần 25 m).
Tuyến được Bộ Giao thông Vận tải chia làm hai dự án thành phần để thuận lợi triển khai. Dự án một dài hơn 18 km nằm ở Đồng Tháp, vốn đầu tư hơn 4.300 tỷ đồng; dự án còn lại dài hơn 9 km đi qua Tiền Giang, tổng vốn hơn 1.700 tỷ đồng.
Ngoài tuyến đường trọng điểm nói trên, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài hơn 188 km, mới đây được Ban quản lý dự án Mỹ Thuận trình Bộ Giao thông Vận tải, dự kiến tổng mức đầu tư hơn 44.300 tỷ đồng, thi công ở giai đoạn 2023-2025, hoàn thành toàn bộ năm 2027.
Điểm đầu dự án kết nối quốc lộ 91 thuộc TP Châu Đốc (An Giang), điểm cuối tại cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng). Dự án sẽ làm trước 4 làn xe, rộng 17 m, vận tốc 80 km/h. Công trình được đề xuất sử dụng ngân sách và các nguồn khác để triển khai theo hình thức đầu tư công.
Hai cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Cao Lãnh - An Hữu là những tuyến trục ngang ở miền Tây, khi hoàn thành đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang bờ Nam sông Hậu và bờ Bắc sông Tiền. Hai tuyến tạo trục huyết mạch kết nối cảng biển, liên kết các tuyến trục dọc như quốc lộ 1, cao tốc Bắc - Nam phía Đông (TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau); cao tốc Bắc - Nam phía Tây (đường N2 - Mỹ An - Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi)...
(Theo VnExpress)
Thông tin bên lề:
TP HCM 12 dự án trọng điểm đang thu xếp vốn theo hình thức PPP
12 dự án trọng điểm dự kiến triển khai theo phương thức đối tác công tư (PPP) ở TP HCM được đề xuất bố trí kinh phí để làm công tác chuẩn bị đầu tư từ năm nay. Đây là một trong nội dung vừa được lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải đề xuất Chủ tịch UBND TP HCM, nhằm chuẩn bị trình HĐND thành phố xem xét tại kỳ họp tháng 3 năm nay. Tổng mức đầu tư 12 dự án ước tính gần 72.800 tỷ đồng.
• Cao tốc TP HCM - Mộc Bài là công trình được đề xuất ưu tiên làm các công việc chuẩn bị đầu tư trong năm nay. Tuyến đường dài hơn 53 km, kết nối thành phố qua Tây Ninh, triển khai theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với tổng mức đầu tư 15.900 tỷ đồng. Công trình dự kiến đầu tư hoàn thành năm 2025, giúp hoàn thiện mạng lưới giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu qua đầu mối cảng biển, hàng không ở khu vực…
• Cầu Thủ Thiêm 4 (nối TP Thủ Đức qua quận 7, vốn đầu tư 5.300 tỷ đồng)
• Cầu Cần Giờ (nối huyện Nhà Bè qua Cần Giờ, tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng) cũng dự tính triển khai theo hình thức BOT, được đề xuất làm công tác chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2022-2023.
• Đường trục động lực (tuyến song song quốc lộ 50),
• Đường trên cao số 1 (nút giao Cộng Hòa - Ngô Tất Tố),
• Đường nối tuyến Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP HCM - Trung Lương),
• Dự án thu phí ôtô vào trung tâm TP HCM.
• Dự án xây cụm cảng trung chuyển - ICD tại phường Long Bình (TP Thủ Đức);
• Các cảng cạn ở huyện Củ Chi, Tân Kiên (huyện Bình Chánh);
• Hai bến xe hàng ở TP Thủ Đức và trong khu dân cư phía Nam xã Bình Chánh (huyện Bình Chánh)
(Theo VnExpress)
Trung Nguyen
Nói hoài, năm nào cũng nói làm mà ko có làm. Hứa hẹn dài như dây thun vậy. Nghe mấy cao tốc này mà phát mệt hà.
Quân Hoàng
Sắp là khi nào, 5-10 năm hay bao lâu :))
Khuyến cáo:
Mọi bài viết - ý kiến đóng góp chân thành xin gửi về cho chúng tôi qua Email: chodat.com.vn0@gmail.com. Chúng tôi sẽ cập nhật và bổ sung theo quy định hiện hành của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam. Xin cảm ơn quý Anh/Chị độc giả.
|
Được tài trợ:
Dịch vụ chạy quảng cáo Bất Động Sản: Chợ Đất
Bình luận